TS. Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng nhóm chấm sơ khảo bảo vệ kết quả trước Hội đồng

TS. Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng nhóm chấm sơ khảo bảo vệ kết quả trước Hội đồng

Vì sao Báo cáo thường niên không qua vòng sơ khảo?

(ĐTCK) Khác với những năm trước, vòng sơ khảo của Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) năm nay được giao cho một đơn vị độc lập chấm, đó là các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM với những tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Tổng kết lại mùa giải, ĐTCK đăng tải những đánh giá của Hội đồng chấm giải về những điểm còn hạn chế trong BCTN của DN, dẫn đến báo cáo không qua vòng sơ khảo.

Những nét chính trong kết quả chấm sơ khảo

BCTN nhằm truyền tải thông tin về hoạt động kinh doanh, kết quả đạt được, phân chia lợi nhuận và các hoạt động liên quan khác của DN trong suốt một năm cũng như kế hoạch của DN trong tương lai. Ngoài ra, BCTN còn thể hiện mức độ chuyên nghiệp, minh bạch của DN trong công bố thông tin.

Việc trình bày rõ ràng, đầy đủ nội dung BCTN theo quy định thể hiện trách nhiệm của DN đối với cổ đông và cộng đồng các nhà đầu tư. Mỗi bước tiến về chất lượng của BCTN đều là những đóng góp thiết thực vào việc xây dựng TTCK phát triển, công khai, minh bạch.

Vòng sơ khảo cuộc bình chọn BCTN 2015 do Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM thực hiện với tiêu chí đánh giá dựa theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK. Trong đó, các BCTN được chọn vào vòng chung khảo nếu nội dung báo cáo thể hiện đầy đủ các nội dung trọng yếu và tổng điểm phải đạt điểm chuẩn đề ra.

Trong tổng số 678 DN niêm yết trên hai sàn HNX và HOSE, vòng sơ khảo đã chấm 581 BCTN của các DN, chiếm tỷ lệ 85,69%. Các BCTN bị loại vì DN niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin, bị xử lý vi phạm từ mức độ nhắc nhở trên toàn thị trường trở lên hoặc BCTC năm 2014 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.

Điểm trung bình chấm trên hai sàn là 58,5 điểm, trong đó, BCTN của các DN niêm yết trên HOSE có kết quả cao hơn. Số BCTN có điểm cao (từ 70 điểm trở lên) chỉ chiếm khoảng 18%, trong đó phần đông là BCTN của các DN niêm yết trên HOSE.

Ngược lại, số BCTN có điểm thấp (dưới 50 điểm) chiếm khoảng 25% và tập trung phần lớn là BCTN của các DN niêm yết trên HNX (xem bảng 1). Bên cạnh các DN quan tâm đến cả nội dung và hình thức BCTN, vẫn còn rất nhiều DN có BCTN với nội dung sơ sài, không đính kèm BCTC mà chỉ nêu đường link để tải BCTC. 

Những lỗi trọng yếu của DN khi làm BCTN

Cơ cấu điểm chấm BCTN được chia thành 4 phần chính: Phần A: Thông tin chung; Phần B: Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính; Phần C: Thông tin về quản trị công ty và Phần D: Phát triển bền vững (xem bảng 2).

Đối với phần A, hầu hết BCTN của các DN đạt điểm cao ở phần này, điểm trung bình đạt 10,69/15. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hầu hết BCTN của các DN vẫn chưa thể hiện rõ nội dung: mục tiêu chủ yếu, chiến lược phát triển trung dài hạn của DN (chỉ 31% BCTN đạt điểm tối đa). Đồng thời, các yếu tố rủi ro vốn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của DN lại ít, thậm chí không được đề cập trong các BCTN.

Theo thống kê, có đến 17% số BCTN được chấm không có nội dung trọng yếu về rủi ro và 43% số BCTN chỉ đề cập chung về rủi ro có thể ảnh hưởng đến DN hoặc chỉ đề cập đến rủi ro tài chính trong các BCTC, chứ không nêu thành một mục riêng trong BCTN.

Đối với phần B: Thông tin về sản xuất kinh doanh và tài chính. Phần này được chia làm 3 phần nhỏ để đánh giá mức độ truyền tải thông tin của BCTN, là B1: tình hình hoạt động trong năm của công ty; B2: báo cáo và đánh giá của Ban giám đốc và B3: báo cáo tài chính. Tuy phần B có trọng số điểm cao nhất, nhưng điểm trung bình lại khá thấp, đạt 25/42,5 điểm. Các BCTN thường có điểm thấp ở mục B1 (điểm trung bình = 53% tổng điểm mục này) và điểm cao ở mục B3 (điểm trung bình = 89% tổng điểm mục này). 

Nội dung của B1 đề cập đến tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh; trong đó chia làm 3 mảng nhỏ liên quan đến tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tài chính. Khi đề cập đến tình hình sản xuất - kinh doanh, nhiều BCTN chỉ nêu sơ sài nội dung bằng cách lập bảng liệt kê các số liệu (khoảng 49%); số khác nêu nội dung kèm đánh giá, phân tích chung nhưng vẫn chưa cụ thể cho người đọc rõ sự tăng giảm giữa các năm và nguyên nhân (khoảng 35%). Những BCTN đạt điểm tối đa ở phần này đều đánh giá, so sánh và phân tích sâu về tình hình hoạt động, thông qua bảng, biểu đồ…

Nhiều BCTN không trình bày rõ tình hình đầu tư của DN, có đến 12% BCTN không đề cập đến tình hình đầu tư lớn và 44% không đề cập đến hiệu quả hoạt động công ty con, công ty liên kết. Trong những trường hợp này, một số DN không có nên bỏ qua và không ghi cụ thể là không có; số còn lại tuy có khoản đầu tư lớn vào các công ty con, công ty liên kết nhưng lại không ghi nhận trong BCTN.

Hầu hết các BCTN đều đề cập đến tình hình tài chính của DN ở mức độ sơ sài bằng cách lập 2 bảng về tình hình tài chính và các chỉ tiêu tài chính (khoảng 70%). Việc đưa ra 2 bảng số liệu mà không hề có bất kỳ đánh giá, phân tích nào khiến cho người đọc không nắm rõ về tình hình tài chính DN. Các BCTN có điểm tối đa mục này đều đánh giá, phân tích cụ thể các chỉ tiêu tài chính và lập biểu đồ thể hiện rõ biến động chỉ tiêu qua các năm.

Đối với phần C: Thông tin về quản trị công ty. Phần này được chia làm 4 phần nhỏ về C1. Thông tin chung, C2. Hoạt động của HĐQT, C3. Hoạt động của Ban kiểm soát và C4. Các giao dịch, thù lao. Các BCTN hầu hết có điểm cao nhất ở phần C1, điểm thấp ở phần C2 và thấp nhất ở phần C3.

Khi xem xét phần C2.1 về hoạt động của HĐQT, có đến hơn nửa BCTN không có nội dung liên quan đến hoạt động của thành viên HĐQT độc lập không điều hành hoặc có khi không nêu thành viên nào là thành viên HĐQT độc lập không điều hành. Bên cạnh đó, nội dung C2.6 về thực hiện các quy định quản trị công ty, các BCTN hoặc không nêu nội dung này hoặc chỉ nêu ngắn gọn một dòng là đã thực hiện đúng các quy định về quản trị công ty, không có nội dung chưa thực hiện và phương án khắc phục.

Phần C3 liên quan đến hoạt động của Ban kiểm soát ít được đề cập cụ thể trong BCTN mặc dù đây là một trong mười nội dung trọng yếu. Phần lớn các BCTN chỉ nêu sơ sài hoạt động của Ban kiểm soát, không nêu cụ thể số lượng các cuộc họp, nội dung kết quả; đồng thời không có phần đánh giá của Ban kiểm soát về hoạt động của HĐQT và Ban giám đốc.

Đối với phần D: Phát triển bền vững, chỉ có khoảng 20% BCTN có nội dung này và trong đó, chỉ một số BCTN của các DN lớn có nội dung báo cáo phát triển bền vững riêng.

Ngoài những nhận định riêng ở mỗi phần trên, nhìn chung, các BCTN ít được DN đầu tư về hình thức bản đẹp. Nhiều DN, nhất là các DN niêm yết trên HNX, có BCTN là các bản word hoặc bản word scan.

Vì sao Báo cáo thường niên không qua vòng sơ khảo? ảnh 1

Những điểm DN cần chú ý để BCTN đạt chất lượng cao

Trong quá trình chấm sơ khảo, chúng tôi nhận thấy nhiều DN còn lập BCTN không đúng với cấu trúc quy định theo hướng dẫn. Các nội dung cần phân tích, đánh giá sâu  để các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt thông tin thì DN chỉ nêu thực trạng mà thiếu đánh giá sâu. Mục báo cáo phát triển bền vững chưa được phần lớn các DN quan tâm.

Điểm trung bình các DN được chọn vào vòng chung khảo ngày càng cao hơn, mức điểm sàn DN lọt vào chung khảo cũng cao hơn năm 2014 thể hiện các DN Top trên ngày càng đầu tư tốt hơn cho BCTN, nên cũng được đánh giá cao hơn. Cuộc thi bình chọn BCTN đã trải qua 8 lần với quy mô, chất lượng, tầm vóc ngày càng nâng cao, các DN có kết quả cao sẽ được công chúng đầu tư quan tâm, yêu mến hơn ở mức độ minh bạch thông tin.

Tin bài liên quan