Vị ngọt đắng theo thời gian của các thương vụ M&A (Kỳ I): Cuộc chơi của nhà đầu tư lớn

Vị ngọt đắng theo thời gian của các thương vụ M&A (Kỳ I): Cuộc chơi của nhà đầu tư lớn

(ĐTCK) Những năm gần đây, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc sau M&A, nhưng không phải thương vụ nào cũng thành công như mong đợi, không ít trường hợp để lại vị “đắng” cho cả bên bán và bên mua.

Những dư vị ngọt ngào

Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) vừa hoàn tất thương vụ bán 11,2 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) - công ty con phụ trách mảng thực phẩm đông lạnh của KDC, với giá 52.000 đồng/CP. Được biết, lượng đặt mua gấp 3,5 lần lượng chào bán. Ngay sau khi kết thúc đợt mở bán (31/3), trên thị trường tự do đã xuất hiện giao dịch mua bán lại cổ phiếu KDF với giá 60.000 đồng/CP.

Thương vụ đầu tư của KDC vào KDF có thể xem là điển hình M&A thành công cho cả bên đi mua (KDC) và bên được mua (KDF). Năm 2003, KDC đã mua lại từ Unilever Bestfood Việt Nam (nay là Unilever Vietnam) toàn bộ cơ sở vật chất, thương hiệu để sản xuất kinh doanh kem Wall's tại Việt Nam, sau này trở thành KDF, với mức giá 20 triệu USD.

Sau hơn 14 năm tiếp nhận và vận hành KDF, KDC đã phát triển hiệu quả các thương hiệu kem của KDF. Tính đến hết năm 2016, KDF chiếm hơn 1/3 thị phần kem tại Việt Nam; doanh thu thuần đạt 1.397 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng lần lượt 85% và 31% so với năm 2015. Năm 2017, KDF dự kiến doanh thu tăng 30%.

Với giá bán 52.000 đồng/CP nêu trên, KDF được định giá theo vốn hóa vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương 130 triệu USD.

Các chuyên gia phân tích dự báo, KDC sẽ hạch toán một khoản lợi nhuận không nhỏ từ đợt bán 20% vốn tại KDF. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu KDC đã tăng hơn 30% so với cuối năm 2016.

Những năm gần đây, KDC đẩy mạnh hoạt động M&A trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là từ khi thu được nguồn tài chính dồi dào từ việc bán nhà máy bánh kẹo tại Bình Dương. Chẳng hạn, năm 2014, KDC mua 24% cổ phần tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã chứng khoán VOC).

M&A trên thực tế là cuộc chơi của những nhà đầu tư lớn, là chặng đường dài. Không ít thương vụ M&A được công bố rầm rộ, nhưng vì nhiều lý do, sau quá trình tìm hiểu đã đổ vỡ giữa chừng

Cuối năm 2016, KDC chào mua công khai và nâng tỷ lệ sở hữu lên 65% tại Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC). Ngày 20/1/2017, Đại hội đồng cổ đông VOC chấp nhận cho KDC nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% mà không phải chào mua công khai. Thông qua hoạt động M&A, KDC gần như nắm quyền chi phối thị trường dầu ăn trong nước.

Câu chuyện KDC - KDF, KDC - TAC, KDC - VOC không phải là trường hợp hiếm về M&A hiệu quả khi doanh nghiệp bên bán trong thương vụ M&A sau đó phát triển, tài chính cải thiện, hoàn thiện chuỗi giá trị, mở rộng thị phần và góp phần tăng trưởng cho công ty mẹ. Cả 2 bên đều tận dụng được lợi thế của hệ thống, kinh nghiệm, nhân sự có sẵn của nhau để tạo ra giá trị “cộng hưởng”.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng liên tục đẩy mạnh thực hiện các thương vụ M&A. Tại thời điểm 31/3/2016, Masan có 45 công ty con sở hữu trực tiếp và gián tiếp, cùng 6 công ty liên kết, với khoản đầu tư vào các công ty liên kết hơn 12.200 tỷ đồng.

Một số thương vụ M&A nổi bật của Masan trong những năm gần đây là Nước khoáng Vĩnh Hảo - tháng 4/2013, VinaCafe Biên Hòa - tháng 10/2011, Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) -tháng 5/2015, Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) - tháng 5/2015, Cholimex - tháng 11/2014, Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) - tháng 6/2016.

Đó là góc độ “đi mua”, chiều ngược lại, Masan cũng đang sở hữu kỷ lục M&A với thương vụ bán cổ phần tại Masan Consumer cho đại gia bia Singha của Thái Lan với giá 1,1 tỷ USD năm 2015 và mới đây nhất là khoản đầu tư bổ sung 250 triệu USD của Quỹ KKR giúp Masan tăng tốc hoàn thiện cuỗi cung ứng thịt (3F).

Chiến lược M&A đã giúp Masan duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2015 và gấp 6 lần năm 2013.

M&A được coi là “chìa khóa vàng” giúp các doanh nghiệp tìm kiếm sự tăng trưởng, nhất là khi các yếu tố tăng trưởng nội tại không còn nhiều động lực, mặt khác giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần mạng lưới, hệ thống, gia nhập phân khúc sản phẩm, thị trường mới một cách nhanh chóng.

… và cả vị đắng để lại

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đạt được kết quả như KDC hay Masan, không ít thương vụ M&A đã để lại “trái đắng”, nhà đầu tư lặng lẽ ra đi với khoản thua lỗ nặng nề. Chẳng hạn, trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (Tân Liên Phát) khi thực hiện thâu tóm Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF).

Sau khi đàm phán cơ cấu nợ thành công trong năm 2013, kết quả kinh doanh của TTF bắt đầu hồi phục từ năm 2014, kèm theo đó là giá cổ phiếu liên tục tăng. Giữa tháng 5/2016, Tân Liên Phát đã chi khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương đương 49,9% vốn điều lệ, đồng thời cung cấp cho Công ty khoản vay 1.202 tỷ đồng với điều khoản chuyển đổi để tăng tỷ lệ sở hữu lên 70% sau khi được Đại hội đồng cổ đông TTF thông qua.

Trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng sự tham gia của cổ đông chiến lược Tân Liên Phát sẽ giúp TTF “cất cánh” thì 2 tháng sau đó, Tân Liên Phát công bố phát hiện những sai lệch trong khoản phải thu và hàng tồn kho lên đến hơn ngàn tỷ đồng tại TTF. Từ đây, TTF bước vào chuỗi ngày điêu đứng, với hàng loạt vấn đề phát sinh, khiến Công ty ghi nhận lỗ hơn 1.270 tỷ đồng trong năm 2016, đưa lỗ lũy kế chiếm trên 98% vốn điều lệ, cận kề “án” hủy niêm yết. Trên sàn, giá cổ phiếu TTF lao dốc không phanh.

Sau nhiều biến cố, xử lý, tranh cãi…, đến nay Tân Liên Phát đã thoái gần như toàn bộ phần vốn đầu tư tại TTF.

Một trường hợp khác là thương vụ Saisan Stock Company mua 48,2% cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) năm 2014. Kết thúc năm 2014, ASP lãi ròng vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, năm 2015 lỗ hơn 10 tỷ đồng. Năm 2016 vừa qua, dù lợi nhuận dương trở lại, nhưng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản và thu nhập khác, nếu không có khoản đột biến này, ASP khó tránh khỏi thua lỗ. Giá cổ phiếu ASP hiện giảm 50% so với thời điểm Saisan mua vào.

Đại hội đồng cổ đông năm 2016 của ASP đã thông qua kế hoạch nới tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa (room) cho các nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, nhưng đến nay Công ty chưa có động thái thực hiện thủ tục nới room và Saisan cũng chưa thể hiện tín hiệu sẽ tăng tỷ lệ sở hữu để chi phối ASP như dự định ban đầu.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự không hiệu quả, hay thất bại sau M&A, từ không hiểu rõ nhau giữa bên thâu tóm - bên bị thâu tóm, không tìm được tiếng nói chung, đến những mâu thuẫn trong quản trị, điều hành, khác biệt về văn hóa doanh nghiệp…

Với các nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thông tin một doanh nghiệp trở thành đích ngắm thâu tóm - sáp nhập thường giúp giá cổ phiếu “dậy sóng”, với kỳ vọng việc bên thâu tóm “gom hàng” sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã thắng lớn nhờ sóng M&A, nhưng cũng không ít người ngậm trái đắng.

Cuối năm 2014, thông tin Quỹ Global Emerging Markets (GEM) - được giới thiệu là một tập đoàn đầu tư của Mỹ có tổng tài sản danh mục 3,4 tỷ USD - ký cam kết đầu tư vào một số doanh nghiệp tại Việt Nam như FLC, HHS, DLG, HAG, HQC…, đã khởi đầu cho chuỗi tăng điểm liên tục và xuất hiện những phiên giao dịch với khối lượng lớn đối với các cổ phiếu này. Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các cam kết của GEM đều chìm vào quên lãng và nhiều nhà đầu tư mua đuổi giá cổ phiếu buộc phải bán ra để cắt lỗ. Đến nay, đây vẫn là bài học thường xuyên được nhắc lại để nhà đầu tư cẩn trọng khi “lướt” theo thông tin về M&A.

M&A trên thực tế là cuộc chơi của những nhà đầu tư lớn, là chặng đường dài. Không ít thương vụ M&A được công bố rầm rộ, nhưng vì nhiều lý do, sau quá trình tìm hiểu đã đổ vỡ giữa chừng.

“Có đến 60 - 90% các thương vụ thất bại chỉ sau một thời gian”, một nhận định được đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam nhiều năm trước.              

Kỳ 2: Những sắc thái M&A: thân thiện, thù địch, sắp đặt

Tin bài liên quan