Vào cuộc phái sinh: “Cuộc chơi” của khối CTCK lớn

Vào cuộc phái sinh: “Cuộc chơi” của khối CTCK lớn

(ĐTCK) Với quy định phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 - 900 tỷ đồng, tùy theo nghiệp vụ, mới đủ điều kiện ban đầu tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh, sân chơi mới dường như chỉ dành cho khoảng 10 công ty chứng khoán (CTCK) lớn. 

Nhiều CTCK ở quy mô nhỏ hơn rất muốn nhập cuộc, nhưng bài toán tăng vốn thế nào để đủ điều kiện đang là câu chuyện đau đầu trong bối cảnh hiện nay.

“Cuộc chơi” của khối CTCK lớn

Không ít CTCK nhìn nhận, việc tham gia TTCK phái sinh ngay khi thị trường này khai mở chưa mang lại lợi nhuận cho công ty, nhưng thực tế cho thấy, các công ty này đang nỗ lực kiếm “vé” tham gia thị trường. Ngoài để chứng tỏ với khách hàng về tình hình tài chính tốt, năng lực sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới có tính phức tạp cao, còn bởi công ty muốn ở vị trí tiên phong trên thị trường mới để tạo ra dấu mốc mới cho hoạt động truyền thông.

"Để chủ động phòng ngừa nguy cơ CTCK tăng vốn ảo, đặc biệt là với những công ty ngấp nghé đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh, UBCK sẽ tăng cường giám sát hồ sơ tăng vốn của các công ty"

- Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán.

Theo quy định tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP về TTCK phái sinh, muốn được tự doanh chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Còn để tham gia môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn 800 tỷ đồng. Để trở thành thành viên bù trừ trực tiếp và thành viên bù trừ chung, CTCK phải đáp ứng điều kiện về vốn lần lượt là 900 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng.

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK cho biết, với Top công ty dẫn đầu hiện nay, áp lực tăng vốn để đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh không quá lớn.

“Đáp ứng điều kiện phải có vốn từ 600 - 800 tỷ đồng không khó với nhiều CTCK. Hiện số lượng CTCK đáp ứng yêu cầu này là 19 - 20 công ty. Xét thêm các tiêu chí về báo cáo tài chính của các CTCK phải được kiểm toán chấp nhận toàn bộ, thỏa mãn các chỉ tiêu an toàn tài chính, có khoảng 16 - 18 công ty đáp ứng được tiêu chuẩn tham gia TTCK phái sinh”, ông Hải cho biết.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho hay, ngoài 16 CTCK, hiện có 6 ngân hàng có nguyện vọng tham gia TTCK phái sinh khi thị trường này mở cửa. Trong số đó, dự kiến có khoảng 8 - 10 CTCK được chấp thuận tham gia TTCK phái sinh ban đầu. Số lượng này là đủ để mở cửa thị trường.

Ngay trong tháng 3 này, UBCK sẽ xét duyệt hồ sơ chấp thuận cho các CTCK tham gia TTCK phái sinh. Hiện đã có CTCK đầu tiên gửi hồ sơ xin chấp thuận tham gia thị trường này lên UBCK.

Nỗi sốt ruột của các CTCK nhỏ

Trong khi CTCK lớn và nhà quản lý đang ráo riết chuẩn bị cho sân chơi phái sinh, thì ở một không gian khác, nhiều CTCK nhỏ không khỏi sốt ruột, muốn được gia nhập thị trường này. Tuy nhiên, việc đầu tiên để gia nhập là phải có đủ vốn theo quy định. Thăm dò của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, đã có đơn vị tính việc tăng vốn bằng cách huy động cổ đông lớn góp vào.

Bài toán huy động vốn từ các cổ đông đại chúng hay nhà đầu tư chiến lược trở nên không hiện hữu, bởi thực tế hiện trạng cổ phiếu các CTCK tầm trung trên TTCK hiện nay hầu hết giao dịch dưới mệnh giá.

Vào cuộc phái sinh: “Cuộc chơi” của khối CTCK lớn ảnh 1

Sự sốt ruột trong việc tìm vốn cho đủ quy định của một số CTCK tầm trung gợi nhớ đến quá khứ huy động vốn ảo của nhiều ngân hàng thương mại giai đoạn 2008 - 2010. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 theo quy định (thời điểm đó, nhiều ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 - 2.000 tỷ đồng).

Sức ép tăng vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư không mặn mà góp vốn, đã dẫn đến hiện tượng tăng vốn ảo và các ngân hàng giúp nhau nâng vốn điều lệ bằng cách đầu tư chéo, nắm giữ cổ phần của nhau.

Trước hiện trạng một số CTCK sốt ruột muốn tăng vốn, nỗi lo nguy cơ tăng kiểu cơ cấu (vay mượn lòng vòng, phát hành riêng lẻ cho cổ đông lớn để hợp thức việc tăng vốn) đã được đặt ra. Tuy nhiên, đại diện UBCK cho rằng, ít có nguy cơ tăng vốn ảo ở các CTCK là chỉ tiêu an toàn tài chính của khối công ty này luôn được UBCK giám sát chặt chẽ. Nếu sau khi tăng vốn để thỏa mãn điều kiện tham gia TTCK phái sinh, mà sau đó bên tham gia góp vốn tìm cách lách để rút ra, thì sẽ bị trừ ngay vào các chỉ tiêu an toàn vốn của các CTCK.

“Dẫu vậy, để chủ động phòng ngừa nguy cơ CTCK tăng vốn ảo, đặc biệt là với những công ty ngấp nghé đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh, UBCK sẽ tăng cường giám sát hồ sơ tăng vốn của các công ty. Đồng thời, yêu cầu các công ty kiểm toán tăng cường kiểm tra và giám sát chặt hoạt động tăng vốn của các CTCK”, ông Hải nói.

Tin bài liên quan