Một trong những vấn đề quan trọng VAFI sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới là cải tổ công tác quản trị doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Một trong những vấn đề quan trọng VAFI sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới là cải tổ công tác quản trị doanh nghiệp (ảnh minh họa)

VAFI sẽ góp tiếng nói lên án sự lạm quyền

(ĐTCK) Điểm mới trong hoạt động của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhiệm kỳ 2016 - 2020 là sự xuất hiện của một số doanh nhân, chuyên gia uy tín. 

Trong danh sách Ban chấp hành VAFI nhiệm kỳ này, hai gương mặt mới là ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC và ông Nguyễn Quang Phi, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, cùng giữ vai trò Phó chủ tịch VAFI. Chủ tịch của VAFI nhiệm kỳ 2016-2020 là PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam. Ông Thanh đồng thời là thành viên Hội đồng chấm Giải báo cáo thường niên của các DN niêm yết trên TTCK.

Một trong những vấn đề quan trọng VAFI sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới là cải tổ công tác quản trị doanh nghiệp, trong đó có việc sẽ lên án một số ban quản trị lạm quyền, tham nhũng, mất dân chủ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho biết, cùng với việc kiện toàn Ban chấp hành mới, VAFI đặt ra phương châm hành động theo hướng chọn những vấn đề quan trọng của nền kinh tế, để tập trung góp ý, tìm giải pháp thúc đẩy cho tốt lên. Mảng hoạt động cải thiện môi trường đầu tư chứng khoán vẫn là mảng hoạt động trọng tâm của Hiệp hội, bên cạnh các vấn đề về thuế, chính sách tiền tệ, an ninh tài chính quốc gia...

Hoạt động tập trung của Hiệp hội là góp phần cải tổ công tác quản trị doanh nghiệp. “Công tác quản trị doanh nghiệp hiện nay với các doanh nghiệp niêm yết còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở gây nên tình trạng tham nhũng, lạm quyền, mất dân chủ và VAFI sẽ có tiếng nói lên án tình trạng này”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, tình trạng lạm quyền của DN xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là phong cách điều hành gia trưởng của các ông chủ, thể hiện quyền quyết tất, làm triệt tiêu động lực phản biện của các cấp dưới, cũng như các cổ đông bên ngoài. Thứ hai là quy định tại Luật Doanh nghiệp quá thoáng, khi trao quyền quyết định đầu tư quá lớn cho Ban điều hành DN. Cụ thể, luật quy định các dự án đầu tư có quy mô trên 50% tổng tài sản mới phải mang ra Đại hội đồng cổ đông xem xét quyết định. Ban điều hành DN có quyền tự quyết rất lớn, nên các cuộc họp ĐHCĐ chủ yếu là thông qua “việc đã rồi”, cổ đông không có vai trò gì trong các quyết định đầu tư tại DN.

Làm thế nào để thay đổi hiện trạng này? Theo ông Hải, văn bản luật cần quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn các DN có dự án đầu tư đến 30% vốn điều lệ là phải xin ý kiến ĐHCĐ để cổ đông đuợc biết và được quyết “khâu đầu vào” các dự án lớn. Một giải pháp khác là bản thân các nhà đầu tư, các cổ đông cần tăng khả năng giám sát, đặt ra những câu hỏi đúng, hỏi trúng, thúc đẩy HĐQT, Ban điều hành DN phải minh bạch thông tin và tôn trọng các cổ đông đại chúng.

Bên cạnh việc thúc đẩy công tác quản trị DN, VAFI  sẽ đưa ra khuyến nghị một số giải pháp giảm mạnh nguồn chi tiêu ngân sách và giảm nợ công, đề xuất các giải pháp cổ phần hóa toàn bộ khối DNNN và thúc đẩy phong trào đầu tư giá trị trên TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan