UPCoM: Khởi điểm cao, sau chào sàn là… rớt mạnh

UPCoM: Khởi điểm cao, sau chào sàn là… rớt mạnh

(ĐTCK) Cổ phiếu của không ít doanh nghiệp tên tuổi như VSN, MCH, VGT... đang trải qua chuỗi giảm mạnh trên sàn UPCoM. Điều này khiến thị trường tỏ ra nghi ngại về việc giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao trong ngày chào sàn.

Cổ phiếu VSN của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 21/10/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 67.000 đồng/CP. Sau khi tăng mạnh hơn 25% trong ngày giao dịch đầu tiên, trong gần 3 tháng qua, thị giá VSN đã giảm khá mạnh trở lại về mức 48.500 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 16/1), tức mất 27,6% giá trị, thậm chí có thời điểm đã rơi xuống mức 44.300 đồng/CP (phiên 10/1), tương ứng giảm 33,88%.

Vissan lên sàn với vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành thực phẩm, kết quả 9 tháng đầu năm 2016 được công bố rất tích cực, với lợi nhuận sau thuế đạt 94,17 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt khiến cổ phiếu VSN giảm giá có thể nằm ở mức giá chào sàn quá cao của cổ phiếu này, mặc dù đây là mức giá trúng thầu thấp nhất trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vissan diễn ra hồi tháng 3/2016.

UPCoM: Khởi điểm cao, sau chào sàn là… rớt mạnh ảnh 1

Theo phân tích của CTCK TP. HCM (HSC), trong dự báo kết quả kinh doanh cho năm 2016, doanh thu thuần của Vissan ước đạt 3.835 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế là 130 tỷ đồng, tăng 12,5%; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là 1.616 đồng/cổ phiếu, như vậy, với mức giá chào sàn 67.000 đồng/CP, tương ứng mức P/E và P/B năm 2016 lần lượt là 41,5 lần và 6,2 lần, thì rõ ràng, cổ phiếu VSN đã được định giá rất cao. Đó là rủi ro không nhỏ.

Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh khiêm tốn sau cổ phần hóa của VSN cũng là điều cổ phiếu này khó có thể giữ giá ở ngưỡng 6x. Cụ thể, theo kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn sau cổ phần hóa được Đại hội đồng cổ đông Công ty (ĐHCĐ) thông qua, trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, VSN đặt mục tiêu lãi trên dưới 100 tỷ đồng, nhưng 2 năm sau đó chỉ lần lượt là 9,14 tỷ đồng (2019) và 52,206 tỷ đồng (2020).

Một “đại gia” khác trong ngành thực phẩm cũng không tránh được việc cổ phiếu giảm điểm là CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (mã MCH). Sau khi chào sàn ngày 5/1/2017, cho đến nay, MCH chỉ có duy nhất 1 phiên tăng giá, còn lại đều giảm, từ mức khởi điểm 90.000 đồng/CP về còn 80.000 đồng/CP ( giá đóng cửa phiên 16/1). Về định giá, MCH không công bố phương pháp định giá, nhưng giá trị sổ sách của cổ phiếu này thấp hơn rất nhiều so với giá chào sàn. Cụ thể, năm 2015 là 22.316/CP và 9 tháng đầu năm 2016 là 19.554 đồng/CP.

Cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex, gia nhập UPCoM từ 3/1/2017, sau khi tăng mạnh ngày chào sàn (+26,67%) , trong 9 phiên giao dịch gần nhất, VGT giảm tới 8 phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 16/1, thị giá VGT là 12.000 đồng/CP, giảm 1.500 đồng so với mức tham chiếu ngày đầu tiên.

Với giá tham chiếu ngày đầu giao dịch là 13.500 đồng/CP, tương ứng P/E là 15,3 lần, P/B 0,9 lần và P/S 0,5 lần, theo CTCK Bảo Việt (BVSC), các chỉ số của cổ phiếu VGT đều cao hơn so với mức trung bình của các công ty dệt may đã niêm yết. Mặc dù vậy, BVSC đánh giá, VGT vẫn là cổ phiếu đáng xem xét cho danh mục đầu tư dài hạn nhờ các lợi thế của Vinatex.

Trước làn sóng lên sàn ồ ạt của các “ông lớn” thời điểm cuối năm 2016, các chuyên gia chứng khoán nhận định, khi thị trường trong xu hướng đi lên, nhà đầu tư có sự quan tâm lớn với các cổ phiếu mới, giúp các cổ phiếu này có phần “tăng nóng”. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, mà chỉ nghe tên tuổi doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, lúc thị trưởng lắng lại, đầu cơ sẽ không còn “kiếm được”, cơ hội dành cho nhà đầu tư giá trị nhìn sâu vào tiềm lực và bản chất của doanh nghiệp trên sàn.

Tin bài liên quan