UPCoM đón hàng loạt doanh nghiệp mới

UPCoM đón hàng loạt doanh nghiệp mới

(ĐTCK) Tháng 10, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp lớn đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong các cổ phiếu cùng chào sàn ngày 5/10 tới, đáng chú ý là cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Nhiều doanh nghiệp chọn ngày 5/10 để lên sàn

Trong tuần đầu tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX đã công bố chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, trong đó không ít doanh nghiệp cùng chọn ngày 5/10 để chào sàn UPCoM như LPB, THN, HPI, HNA.

Cụ thể, 646 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu. Tại ngày 17/7/2017, LPB có 1 cổ đông lớn nắm giữ 12,54% vốn điều lệ là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Năm 2016, Ngân hàng lãi sau thuế 1.062 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2015; 6 tháng đầu năm 2017 lãi 706,5 tỷ đồng.

Cùng ngày 5/10, gần 33 triệu cổ phiếu THN của Công ty cổ phần Cấp nước Thanh Hóa sẽ chào sàn với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Nửa đầu năm 2017, Công ty đạt doanh thu gần 136 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ nước sạch trên 109 tỷ đồng, chiếm 80,48% tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế gần 6,3 tỷ đồng.

60 triệu cổ phiếu HPI của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ chào sàn với giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu. HPI được đánh giá là đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có diện tích đất quản lý rộng thứ 6 trên toàn thị trường, sau Becamex, VRG, IDICO, Sonadezi và VID Group.

Nửa đầu năm 2017, HPI đạt lợi nhuận 38,1 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do Công ty có nhiều hợp đồng cho thuê đất thanh toán đạt mức 95%, dẫn đến doanh thu cho thuê đất tăng mạnh. Trong đó, cho thuê đất giai đoạn 1 đạt 225 tỷ đồng và giai đoạn 2 đạt 49 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông HPI đã thông qua việc mua chi phối ít nhất 51% vốn điều lệ (25,5 triệu cổ phiếu) của Công ty cổ phần Long Hậu (LHG), đơn vị quản lý Khu công nghiệp Long Hậu.

Trong cơ cấu cổ đông của HPI hiện tại có Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), tỷ lệ sở hữu 40,54%; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, tỷ lệ sở hữu 33,33%.

Trong số các doanh nghiệp chào sàn ngày 5/10 tới, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (HNX) đang có lỗ lũy kế khá lớn. Công ty hiện là chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Nghệ An), xây dựng theo hình thức BOO, công suất thiết kế 180 MW, tổng đầu tư gần 7.100 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm 716,7 triệu Kwh. Tổ máy số 1 đã hòa mạng lưới điện quốc gia từ tháng 2/2013; tổ máy số 2 vào tháng 3/2013.

Tại thời điểm 30/6/2017, HNA ghi nhận lỗ lũy kế hơn 178 tỷ đồng, nguyên nhân là chi phí đầu tư nhà máy lớn, trong đó vốn vay có thời hạn 144 tháng, nên chi phí lãi vay trong những năm đầu hoạt động ở mức cao, chi phí khấu hao nhà máy cũng cao. Ngoài ra, công suất phát điện thực tế chưa đến 80% nên dù doanh thu tăng nhưng chi phí lớn, dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm.

225,6 triệu cổ phiếu HNA sẽ chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.000 đồng/CP.

Nhiều ý kiến đánh giá, lượng cổ phiếu mới lên niêm yết/đăng ký giao dịch tăng mạnh, nhưng sức hấp thụ của thị trường khá tốt. Việt Nam đang nỗ lực để nâng hạng thị trường, việc có nhiều hàng hóa hơn giúp tăng quy mô, góp phần thúc đẩy quá trình này. Đây là một trong những lý do khiến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Dự báo, từ nay đến ít nhất nửa đầu năm 2018, các sàn HOSE, HNX và UPCoM tiếp tục đón nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn.

Quy mô UPCoM gấp 2,5 lần HNX

Trong 9 tháng đầu năm, VN-Index tăng 21%, HNX-Index tăng 34,4%. Giá nhiều cổ phiếu tăng và thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết giúp vốn hóa thị trường tăng. Tại thời điểm cuối tháng 9, vốn hóa trên HOSE đạt gần 2,06 triệu tỷ đồng, tăng 38% và trên HNX là 196 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 29%.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index thời điểm cuối tháng 9 tăng không đáng kể so với cuối năm 2016 do có diễn biến giảm trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, hiện dao động trên ngưỡng 54 điểm. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa sàn UPCoM tăng gần 65%, đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn hóa trên HNX, nhờ hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn.

Trong năm 2016, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đăng ký giao dịch trên UPCoM như ACV, QNS, BHN. Diễn biến này kéo dài trong 9 tháng đầu năm 2017, với sự góp mặt của HVN, VGT, MCH, VIB, bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp khác lên sàn. Hàng hóa gia tăng về số lượng và chất lượng đã giúp thanh khoản trên sàn UPCoM tăng đáng kể và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. 

Theo quy định, kể từ ngày 1/11/2014, công ty đại chúng hình thành từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải thực hiện đăng ký đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đăng ký lưu ký tại Tung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đưa chứng khoán lên niêm yết/đăng ký giao dịch trong thời hạn 90 ngày. Quy định này đã buộc nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải nhanh chóng đưa cổ phiếu lên giao dịch, hạn chế tình trạng doanh nghiệp “ngâm” cổ phiếu, không đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung như trước.

Tin bài liên quan