UPCoM, cơ hội từ “câu lạc bộ trăm tỷ, nghìn tỷ”

UPCoM, cơ hội từ “câu lạc bộ trăm tỷ, nghìn tỷ”

(ĐTCK) 11/17 doanh nghiệp lên sàn UPCoM từ đầu năm 2016 có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. Những DN có quy mô lớn, uy tín, hoạt động hiệu quả hứa hẹn trở thành nhân tố mới thu hút dòng tiền NĐT năm 2016.

2 thành viên “câu lạc bộ nghìn tỷ”

UPCoM vừa chào đón thêm 2 DN có vốn điều lệ nghìn tỷ lên sàn, đó là Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN, vốn điều lệ 6.780 tỷ đồng) và CTCP Cấp nước Đồng Nai (DNW, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng).

Với TVN, sau khi đưa 678 triệu cổ phiếu lên giao dịch (ngày 18/1), Tổng công ty trở thành DN có vốn hoá lớn thứ 2 trên UPCoM (sau CTCP Tài nguyên Masan - MSR). Hiện Bộ Công thương nắm giữ 93,93% vốn tại TVN.

IPO năm 2011, trong 2 năm đầu sau cổ phần hoá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của TVN khá bết bát, dẫn tới thua lỗ, nhưng sau đó dần phục hồi. Năm 2015, Tổng công ty đạt 17.908 tỷ đồng doanh thu và 156,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

UPCoM, cơ hội từ “câu lạc bộ trăm tỷ, nghìn tỷ” ảnh 1

Theo CTCK VietinBankSc - đơn vị tư vấn cho TVN lên sàn, kết quả kinh doanh của TVN chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhu cầu xây dựng và triển vọng của thị trường bất động sản. Hiện tại, 2 ngành này đang được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, TVN cũng gặp phải những rủi ro mang tính đặc thù ngành như: rủi ro tiêu thụ thép do áp lực từ nguồn cung dư thừa, cạnh tranh ngày càng lớn từ các DN trong ngành, từ thép nhập khẩu khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Còn DNW, Công ty tiến hành cổ phần hóa cuối năm 2014, có 4 cổ đông lớn (nắm giữ hơn 95% cổ phần) là: Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp, nắm giữ 63,99% vốn điều lệ; Công ty TNHH Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương (15%), CTCP Nước Thủ Dầu Một (9,35%) và CTCP Cơ điện lạnh (6,85%).

Năm 2015, DNW đạt 830,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 138,8 tỷ đồng, giảm 19,9% so với năm 2014. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản DNW đạt 3.271 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.330 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3% và 9,8% so với số đầu năm.

Vừa lên sàn, cổ phiếu đã “cháy hàng”

DNW chào sàn UPCoM ngày 16/3, với giá tham chiếu 12.200 đồng/CP. Khối lượng đặt mua cổ phiếu này ở mức giá cao không nhiều, nhưng bên bán hầu như không bán ra. Phiên hôm qua (17/3), cổ phiếu DNW đóng cửa tại mức giá 19.500 đồng/CP.

“Ông lớn” gây chú ý nhất trên UPCoM gần đây là Tổng CTCP May Việt Tiến (mã VGG). Ngày 10/3, Tổng công ty đưa 28 triệu cổ phiếu VGG lên giao dịch trên UPCoM, với giá chào sàn 40.000 đồng/CP. Ngay trong phiên đầu tiên, cổ phiếu VGG rơi vào tình trạnh “cháy hàng”, khi dư mua hơn 1,2 triệu đơn vị và giá cổ phiếu tăng hết biên độ 40%. Sau đó, cổ phiếu VGG tiếp tục tăng giá mạnh, đạt 78.000 đồng/CP vào ngày 15/3. Hai phiên gần đây, cổ phiếu này điều chỉnh giảm xuống lần lượt 75.000 đồng/CP và 71.000 đồng/CP, với thanh khoản khá cao.

VGG được đánh giá là một trong những DN may mặc hàng đầu Việt Nam. So sánh với các nhiều DN cùng ngành trên sàn chứng khoán, VGG có các chỉ tiêu tài chính vượt trội, đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2015, doanh thu bán hàng của VGG đạt 6.411 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 330,7 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 17% và 6% so với năm 2014. EPS năm 2015 đạt 9.218 đồng (năm 2014 đạt 8.808 đồng).

Trong tháng 2/2016, VGG đã thực hiện chuyển đổi 1,4 triệu trái phiếu phát hành năm 2013 thành 14 triệu cổ phần, nâng vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng.

Năm 2016, VGG đặt kế hoạch doanh thu 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Theo CTCK MB, kế hoạch này được VGG đặt ra khi năm 2016 và 2017, quy định về tính lương bảo hiểm trong chi phí nhân công sẽ tác động mạnh đến hoạt động của Tổng công ty do đặc thù thâm dụng lao động của ngành dệt may (chi phí nhân công chiếm khoảng 26% tổng chi phí của VGG). Mặc dù vậy, MBS nhận định, với tốc độ tăng trưởng duy trì tốt của VGG trong những năm gần đây, cùng với việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, kết quả kinh doanh của VGG có thể sẽ vượt kế hoạch.

Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để lên sàn ngày 25/8/2015, cổ đông lớn nhất của VGG là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sở hữu hơn 13,4 triệu cổ phần. Các NĐT nước ngoài của VGG gồm 2 tổ chức là Tung Shing Sewing Machine (Hồng Kông) và South Island Garment SDN.BHD (Malaysia), nắm giữ tổng cộng 6,748 triệu cổ phần.

Nhìn nhận “hiện tượng” VGG, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, CTCK Bảo Việt cho rằng, trước đây, UPCoM thiếu những DN uy tín, kinh doanh hiệu quả, các NĐT gần như chỉ tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn, nên việc VGG lên sàn đã tạo sức hút lớn.

Với việc Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu từ 1/1/2016, quy định thời hạn lên UPCoM sau IPO của các DN chỉ còn 30 ngày, giới đầu tư kỳ vọng, thị trường này sẽ có thêm nhiều hàng hóa mới.        

Tin bài liên quan