Trong tháng 4/2015, UBCK ra quyết định xử phạt 6 công ty chậm trễ đăng ký công ty đại chúng

Trong tháng 4/2015, UBCK ra quyết định xử phạt 6 công ty chậm trễ đăng ký công ty đại chúng

UBCK mạnh tay xử doanh nghiệp trốn đăng ký đại chúng

(ĐTCK) Giới đầu tư bức xúc vì nhiều DN sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng “quên” đăng ký là công ty đại chúng và đưa cổ phiếu vào lưu ký, giao dịch tập trung, khiến NĐT không có nơi giao dịch cổ phiếu. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này, nhưng NĐT còn mong đợi nhiều hơn.

Ông lớn cũng “quên”

Sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều DN, đặc biệt là các công ty cổ phần hình thành sau cổ phần hóa (CPH), không thực hiện nghĩa vụ đăng ký là công ty đại chúng với UBCK. DN “trốn” thực hiện nghĩa vụ này, đồng nghĩa cổ phiếu không được đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Hệ quả, tuy đã bỏ tiền ra mua cổ phần trong đợt DN chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng khi có nhu cầu giao dịch cổ phiếu, NĐT đành... bó tay. Để chấn chỉnh tình trạng này, từ đầu năm đến nay, UBCK gia tăng xử phạt các DN vi phạm quy định về đăng ký công ty đại chúng.

Trường hợp bị UBCK xử phạt gần đây nhất là một “ông lớn” CPH hồi đầu năm 2014, đó là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP. Cụ thể, ngày 25/4, UBCK ban hành quyết định phạt Tổng công ty này 7,5 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 1 tháng đến 12 tháng.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội có vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng, thực hiện IPO vào tháng 3/2014. Trong tổng số 203 NĐT trúng giá trong đợt IPO này, toàn bộ đều là NĐT cá nhân. Với tính chất đại chúng khá lớn như vậy, việc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chậm trễ trong đăng ký là công ty đại chúng, cũng như lưu ký cổ phiếu tập trung, khiến quyền lợi của NĐT không được bảo vệ, bởi sau khi mua cổ phiếu của Tổng công ty, họ không thể giao dịch.

Với lỗi tương tự, một “ông lớn” khác vừa bị UBCK phạt 7,5 triệu đồng là Tổng công ty Viglacera-CTCP. Sau IPO hồi tháng 2/2014, tính đại chúng của Tổng công ty (vốn điều lệ 2.645) là rất lớn, khi có tới 603 NĐT (593 cá nhân, 10 tổ chức) trúng đấu giá mua cổ phần trong đợt IPO.

Trong tháng 4/2015 còn có 4 công ty khác bị UBCK xử phạt gồm: CTCP Cán thép Thái Trung, CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang, CTCP Thuỷ điện Sê San 4A, CTCP Cảng Nha Trang. Trong số này, CTCP Cán thép Thái Trung, CTCP Cảng Nha Trang bị phạt nặng nhất, đều ở mức 340 triệu đồng, do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng và chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký UBCK. 

Cần tăng sức ép đưa cổ phiếu vào giao dịch

Khi chào bán cổ phiếu ra công chúng, quyền của các DN là được huy động vốn của NĐT. Gắn liền với đó, các DN đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng, thì theo quy định hiện hành, nghĩa vụ của DN là phải đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.

Đáng nói là với không ít DN, tuy chưa thực hiện nghĩa vụ là đăng ký công ty đại chúng, nhưng DN đã tận dụng tối đa quyền của loại hình công ty này trong huy động vốn từ các cổ đông. Cụ thể, từ năm 2011 - 2014, CTCP Cán thép Thái Trung đã chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 306,27 tỷ đồng lên 508 tỷ đồng, nhưng không đăng ký UBCK. Tương tự, CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ ngày 15/11 - 10/12/2014 để tăng vốn điều lệ từ 10,21 tỷ đồng lên 21,36 tỷ đồng, nhưng không đăng ký với UBCK…

Giới đầu tư cho rằng, việc UBCK xử phạt các trường hợp nêu trên mới chỉ tạo ra tính răn đe bước đầu. Một vấn đề nan giải khác mà NĐT mong muốn cơ quan quản lý thực hiện là rút ngắn khoảng cách kể từ khi DN đăng ký là công ty đại chúng đến khi đăng ký lưu ký cổ phiếu tại VSD, cũng như đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK. Theo quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, thì những DN đã CPH trước ngày văn bản này có hiệu lực (1/11/2014) có khoảng thời gian tối đa 1 năm kể từ ngày 1/11/2014 để hoàn tất đăng ký giao dịch, niêm yết.

Với quy định trên, những DN sau khi hoàn thành nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, mà cố tình trì hoãn việc đăng ký lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK (đây mới là cái đích quan trọng nhất mà NĐT mong đợi), thì phải sau ngày 1/11/2015, các DN mới bị xử phạt. Việc tiếp tục phải chờ đợi khiến NĐT không khỏi sốt ruột, bởi sau hàng năm trời dài cổ “ôm” cổ phiếu, họ rất muốn DN sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Tin bài liên quan