Sự quan tâm của giới đầu tư với thị trường UPCoM vốn tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty lớn, các doanh nghiệp đầu ngành xuất hiện trong 1, 2 năm trở lại đây.
Cũng bởi vậy, với nhóm các DN ít tên tuổi hơn, việc gọi vốn không phải là câu chuyện dễ dàng. DN cần tạo sự tin tưởng của cổ đông, bằng hoạt động hiệu quả, minh bạch… bởi định kiến về sàn này khiến nhà đầu tư còn nhiều e dè. Bên cạnh đó, vấn đề thanh khoản của UPCoM cũng là một rào cản.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, nhiều DN khi lên sàn đã tự tin tiến hành kế hoạch gọi vốn để nâng cao quy mô hoạt động.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) khi gia nhập sàn UPCoM vào cuối năm 2015 có vốn điều lệ thực góp gần 80 tỷ đồng, nhưng sau chưa đầy 2 năm giao dịch, dự kiến tăng lên gần 180 tỷ đồng.
NCS được biết đến là DN quy mô nhỏ nhưng có tỷ suất sinh lời ấn tượng, trên sàn giá cổ phiếu được duy trì mức cao, cổ tức cao (năm 2016 trả cổ tức 50% bằng tiền mặt).
Với lợi thế đó, năm 2016, NCS đã lần đầu tăng vốn thành công trên sàn khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 2:1, giá 10.000 đồng/cổ phần, qua đó tăng vốn lên gấp rưỡi, từ gần 80 tỷ đồng lên 119,79 tỷ đồng.
Ngày 10/8 tới đây, NCS sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện một đợt phát hành cũng với tỷ lệ 2:1 nhằm tăng vốn lên 179,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất trong tháng 9/2017. Thị giá trên sàn ở mức 66.800 đồng/cổ phần, NCS chỉ phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Tương tự NCS, Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB) lên sàn từ tháng 6/2015, sau đợt tăng vốn điều lệ từ 96 tỷ đồng lên hơn 150 tỷ đồng, đang tiếp tục đưa ra kế hoạch huy động vốn lớn để nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động.
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường TVB diễn ra đầu tháng 7 đã nhất trí thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, bao gồm chào bán hơn 7,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán 751.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động trong Công ty (ESOP).
Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 8,261 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị tính theo mệnh giá là 82,6 tỷ đồng. Như vậy, sau phát hành, vốn điều lệ của Công ty dự kiến tăng lên 232,8 tỷ đồng, tăng hơn 140% so với thời điểm gia nhập UPCoM.
Mới đây nhất, vào tháng 7, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) đã hoàn tất đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn 30 triệu cổ phiếu, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên hơn 600 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Tổng công ty 36 (G36), một doanh nghiệp xây dựng quân đội đã tăng vốn từ 430 tỷ đồng lên 936 tỷ đồng, sau khi phân phối thành công 50,6 triệu cổ phiếu trên 57 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cả 2 công ty mới gia nhập UPCoM trong năm 2016.
Vừa lên sàn từ đầu năm 2017, một doanh nghiệp đang có ý định tăng vốn khác là Công ty cổ phần Đạt Phương (DPG). DPG sẽ chốt danh sách cổ đông sau đây 1 tuần (14/8) để tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% và phát hành gần 3,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn, giá DPG đã leo lên mức cao gần 90.000 đồng/cổ phần, khả năng thành công của đợt phát hành là rất lớn.
Kinh doanh tốt, giữ được giá cổ phiếu, các DN không khó để hút tiền từ thị trường. Với nguồn vốn lớn thu được, các DN sẽ tự tin hơn khi triển khai các dự án như NCS đầu tư vào gói thầu “thiết bị rửa” và “thiết bị bếp” dự án cơ sở chế biến suất ăn hàng không Nội Bài, TDM bổ sung vốn vào dự án nhà máy nước Bàu Bàng, trong khi TVB mở rộng nghiệp vụ chứng khoán.
Lên sàn UPCoM đối với nhiều DN có thể nhằm đáp ứng quy định của nhà quản lý, tránh án phạt. Đối với các DN khác cũng là nơi tập dượt các tiêu chuẩn minh bạch, công bố thông tin, tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu DN minh bạch và hiệu quả, hoàn toàn có thể huy động vốn cho hoạt động kinh doanh qua sàn này.