Từ New York cảm nhận về Việt Nam

Từ New York cảm nhận về Việt Nam

(ĐTCK) Lá cờ Việt Nam tung bay trước sảnh khách sạn Warldof Astoria tạo nên một điểm nhấn đặc biệt trên con phố cổ kính Park Evenue. Con phố có hành lang đi bộ thuộc loại rộng rãi nhất New York này mấy hôm nay mang đến sự ngạc nhiên thú vị đến mức rất nhiều người đã bước chậm lại để ngắm nhìn sự khác biệt. Khắp nước Mỹ treo cờ kỷ niệm ngày Quốc khánh, thì tại  đây, có một lá cờ biểu trưng cho hình ảnh của Việt Nam.

 ****

Khách sạn Warldof Astoria được chọn làm địa điểm tổ chức một hội nghị có cái tên hơi dài, nhưng đủ ý nghĩa: “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn”.

Người chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong cuộc trao đổi với Tổng giám đốc Sở GDCK Nasdaq, ông Robert Greifeld trong một cuộc gặp mặt sau đó đã nói, có gần 170 nhà đầu tư Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam và điều đó làm ông rất xúc động.

Ông mong muốn truyền đến New York một thông điệp: Việt Nam muốn xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và sâu rộng trong lĩnh  vực tài chính, đưa sự hợp tác của hai Chính phủ lên một tầm quan hệ mới, vì lợi ích chung của hai bên.

Nói cụ thể hơn, Bộ trưởng mong nhà đầu tư Mỹ, với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh nhất thế giới, sẽ đầu tư tại Việt Nam, bởi ở đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang cần gọi những dòng vốn chiến lược để cùng lớn mạnh hơn và hội nhập vững vàng.

Người ta nói người Mỹ thực dụng quả không sai. Sau những chào hỏi xã giao, Tổng giám đốc Nasdaq - người đang vận hành Sở GDCK lớn thứ ba thế giới đặt luôn câu hỏi: Bộ trưởng muốn nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam, vậy có các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có đến Mỹ lần này không?

Từ New York cảm nhận về Việt Nam ảnh 1

 Tác giả tại New York

Câu trả lời của Bộ trưởng rằng, gần 30 doanh nghiệp đang cùng xúc tiến đầu tư tại Mỹ ,trong đó có những cái tên đáng để quan tâm đang cần gọi vốn như Vinacomin, BIDV, Vinatex, SCIC và một số tổ chức tài chính trung gian (VinaCapital, HSC, VPBS, Dragon Capital…), đã khiến ông Robert rất đắc ý.

Dường như ông cảm nhận được sự chân tình của Việt Nam nên trong các phát biểu sau đó, ông thể hiện mong muốn giúp Việt Nam xây dựng Sở GDCK hiện đại, là nơi tạo kênh đầu tư và luân chuyển vốn lớn trong nền kinh tế.

Cùng với thiện chí của ông Robert, Phó Chủ tịch Nasdaq, ông Meyer Flucher chia sẻ, ông chính là người đã ủng hộ 2 Sở GDCK tại Việt Nam gia nhập Liên đoàn các Sở GDCK thế giới để học hỏi và lớn mạnh. “15 năm trước tôi đã đến Việt Nam và hôm nay, tôi nhìn thấy một Việt Nam rất ấn tượng”, ông nói.

Nasdaq là Sở GDCK lớn thứ ba trên thế giới, sau Sở GDCK New York và Sở GDCK Tokyo (Nhật Bản), sàn này có quy mô vốn hóa tương đương GDP nước Mỹ. Ở vị thế của người khổng lồ về công nghệ và quy mô thị trường, Tổng giám đốc Nasdaq nói rằng, ông rất quan tâm đến những quốc gia có môi trường kinh doanh hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Các cá nhân có tinh thần khởi nghiệp cần được Chính phủ hỗ trợ và khuyến khích, bởi bất kỳ doanh nghiệp lớn nào cũng bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ. Thống kê của chúng tôi cho thấy, 75% lợi nhuận được các doanh nghiệp tạo ra trong nền kinh tế đến từ các doanh nghiệp sau quá trình đại chúng hóa và lên sàn”, ông nói.

****

Có mặt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam từ khá sớm, tỷ phú Wilbur L. Ross, người giàu thứ 200 của Mỹ, thứ 600 trên toàn cầu, hiện sở hữu khối tài sản trên 3 tỷ USD không có gì đặc biệt so với nhiều người Mỹ hôm đó. Tuy  nhiên, phát biểu của ông gây sự chú ý đặc biệt, khi ông bắt đầu bằng cảm nhận của chính mình.

“Năm  2001, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam tham dự một sự kiện tại Metropone, tôi nhìn thấy các gia đình ở Việt Nam chủ yếu là đi bằng xe đạp. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tôi nhận ra một Việt Nam rất khác, nhiều gia đình đã sở hữu ô tô, thậm chí sở hữu cả những khách sạn lớn, doanh nghiệp lớn” ông nói. “Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về sở hữu DNNN giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân. Đây là cơ hội hiếm có và thú vị cho những nhà đầu tư biết nắm bắt nó”, Wilbur nói. 

Trong cảm nhận của tỷ phú Wilbur, Việt Nam ấn tượng ở ba điểm. Đây là quốc gia an toàn nhất thế giới, có chính sách thuế cạnh tranh hơn nhiều quốc gia trong khu vực và Việt Nam đang sắp bước vào một cuộc chơi lớn, mang tên TPP.

“Quốc hội Mỹ đã trao quyền đàm phán nhanh về TPP cho Tổng thống Mỹ, nên triển vọng Việt Nam gia nhập TPP đang đến rất gần”, ông nói và cho biết, ông tin, cánh của TPP mở ra sẽ thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam hiện có 36% sản lượng xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ và con số này có thể tăng lên sau TPP nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt và có sự kết nối sớm”, ông nói.

“Một Việt Nam rất khác” cũng là cảm nhận của  Giám đốc đầu tư Dragon Capital, người thường được gọi bằng cái tên thân mật, anh Bill.

Dragon Capital có mặt tại Việt Nam đã 21 năm, còn “anh Bill” người Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam là vào năm 2005, khi đó, anh kể, Việt Nam không có nhiều tòa nhà lớn như bây giờ.

New York - nơi anh Bill làm việc - còn được gọi là thành phố của những bức tường vì dường như cả thành phố là những tòa nhà chọc trời, san sát nhau và không gian ở đây quý đến mức nếu bạn muốn có một  bữa tiệc cái view đẹp, bạn chắc chắn phải trả phí hàng nghìn USD cho riêng quyền ngắm nhìn này.

Hà Nội thì khác hẳn. Thành phố với những hàng cây cổ thụ, xanh thẳm, những khu phố cổ kính, những hồ nước lớn và nhiều không gian công cộng, đã hấp dẫn Bill ngay từ lần đầu đến nơi này.

“Không phải chúng tôi không từng vấp ngã tại Việt Nam, nhưng chúng tôi đã theo dõi Việt Nam 21 năm và học hỏi từ những sai lầm của chính mình, để nhận ra rằng, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư lý tưởng”, Bill nói.

Tăng trưởng kinh tế ổn định và triển vọng Việt Nam trở lại đà tăng trưởng cao trên 7%/năm cùng với sự thay đổi tư duy của Chính phủ Việt Nam khi chính thức ban hành quyết định (Nghị định 60/2015/NĐ-Chính phủ) nới room, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là  hai điểm nhấn đáng chú ý nhất, trong đánh giá của nhà đầu tư người Mỹ này.

TTCK Việt Nam đang trên đường trở thành một thị trường mới nổi và vì ra đời sau, nên TTCK Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm vấp ngã của các thị trường đi trước.

“Vài năm trở lại đây, VN-Index ổn định trên mức 500 điểm. Suy thoái kinh tế tại Việt Nam đã chấm dứt, TTCK chắc chắn sẽ hồi phục và tăng trưởng, trước hết là trong 2 năm tới, 2016-2017”, Bill dự báo.

Cùng với Dragon Capital, VinaCapital là 2 công ty quản lý quỹ nước ngoài hiện diện sớm nhất và quản lý hàng tỷ USD, lớn nhất tại Việt Nam.

Hai tổ chức có cách thức đầu tư riêng, nhưng đã kiên nhẫn đi cùng Việt Nam trên 20 năm, gần trọn vẹn trải qua những cung bậc thăng trầm của nền kinh tế thời kỳ Đổi mới và hội nhập. Điều đáng quý là cả hai tổ chức tài chính trung gian này đều mang lại lợi  ích cho nhà đầu tư của họ - những người Mỹ, người Anh, người HongKong, người Nhật…, đã góp vốn đầu tư tại Việt Nam.

Ở vai trò điều phối cuộc đối thoại giữa nhà đầu tư Mỹ và các nhà quản lý đến từ Việt Nam, Tổng giám đốc VinaCapital DonLam không có lúc nào nói quan điểm của riêng mình, nhưng cuộc đối thoại mang đến một cảm nhận: người Mỹ không nên để vuột mất cơ hội từ Việt Nam.

Bằng chứng ư? Hãy xem cái giá mà Việt Nam huy động vốn từ thị trường Mỹ. Lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu chính phủ tại đây là  năm 2005 với lãi suất 6,8%. Lần tiếp theo vào năm 2010, lãi suất còn 6,7% và mới đây, năm 2014, Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu chính phủ tại thị trường Mỹ với lãi suất chỉ còn 4,8%.

Từ New York cảm nhận về Việt Nam ảnh 2

 Gần 170 nhà đầu tư Mỹ có mặt tại hội nghị giới thiệu đầu tư vào Việt Nam được Bộ Tài chính tổ chức tại New York

Điều thú vị là nhà đầu tư Mỹ đã đặt mua gấp trên 10 lần khối lượng trái phiếu Việt Nam chào bán, cho thấy, sức hấp dẫn của Việt Nam đang lớn dần và kèm với đó là mức độ cạnh tranh giữa các nhà đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam cũng ngày một lớn.

Triển vọng tăng trưởng cao - cổ phần hóa – TPP - nới room - nâng hạng TTCK Việt Nam, là những cụm từ để lại dấu ấn, thôi thúc sự quan tâm của nhà đầu tư Mỹ vào một thời khắc đặc biệt của lịch sử: 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.

Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, trải qua chặng đường bay rất dài, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và nhiều thành viên tháp tùng tận dụng từng giờ làm việc để tiếp xúc song phương, đa phương với các nhà đầu tư Mỹ, chia sẻ thông điệp từ Việt Nam và kết nối người Mỹ với cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“My Vietnam - Your investment destination” - cụm từ đang tạo nên ấn tượng đẹp nơi thành phố của những bức tường và chắc là chưa bao giờ thu hút nhà đầu tư Mỹ quan tâm tìm hiểu nhiều như thế…

Tin bài liên quan