Việc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ dông lớn vẫn thường diễn ra tại mỗi kỳ ĐHCĐ

Việc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ dông lớn vẫn thường diễn ra tại mỗi kỳ ĐHCĐ

Từ HHC, nhìn lại chuyện doanh nghiệp loay hoay với “nội chiến” cổ đông lớn

(ĐTCK) Việc “thay máu” cổ đông trong nhiều trường hợp sẽ giúp doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung?

Từ HHC…

Ngày 14/7 vừa qua, CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên lần 2 năm 2017. Tại Đại hội, số lượng cổ đông và người được ủy quyền tham dự chiếm 59,44% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.

Tuy nhiên, Đại hội vẫn không tiến hành được do tỷ lệ biểu quyết không thông qua chương trình đại hội chiếm tỷ lệ áp đảo 87,82% số cổ phần tham gia đại hội. Diễn biến tại ĐHCĐ lần 1 cũng tương tự, khi tỷ lệ cổ đông không thông qua chương trình đại hội chiếm hơn 60%.

Nguyên nhân dẫn đến việc cổ đông lớn nắm quyền chi phối muốn “gây nhiễu” Đại hội xoay quanh “chiếc ghế” Chủ tịch HĐQT hiện tại, khi ông Bùi Minh Đức đã nghỉ hưu từ ngày 1/7/2017. Bởi với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên tới hơn 51%, nhóm cổ đông mới có thể ứng cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, nếu chiếu theo thời hạn nắm giữ cổ phần đối với các cổ đông mới thì nhóm này chưa đủ tối thiểu 6 tháng theo quy định.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện HHC cho rằng, ngay từ đầu, nhóm cổ đông lớn đã thực hiện sai luật khi mua 50% vốn điều lệ của HHC nhưng không chào mua công khai.

Cách ứng xử của nhóm cổ đông lớn này tại kỳ họp lần 2 này, theo lãnh đạo HHC, là thiếu sự hợp tác. Được biết, sau khi ông Bùi Minh Đức nghỉ hưu theo chế độ, các thành viên HĐQT đã họp và bầu ông Trần Hồng Thanh làm Chủ tọa các phiên họp HĐQT và ủy quyền cho ông Trần Hồng Thanh ký các văn bản, nghị quyết của HĐQT. Tuy nhiên, so với nhóm cổ đông lớn, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các thành viên HĐQT khá thấp, chiếm chưa đầy 10% vốn điều lệ HHC.

Trong khi đó, trên thị trường, mặc cho việc các cổ đông lớn và Ban lãnh đạo HHC chưa tìm được tiếng nói chung, hay hoạt động kinh doanh của Công ty không quá nổi bật (kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, HHC đạt khoảng 380 tỷ đồng doanh thu và 13 tỷ đồng lợi nhuận), giá cổ phiếu HHC vẫn tăng đều.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HHC đã tăng gần 100%, từ mức hơn 30.000 đồng/CP lên 58.900 đồng/CP (chốt phiên 17/7). Nhiều ý kiến cho rằng, việc cổ phiếu HHC tăng là do các hoạt động “đẩy giá”, bởi có những phiên khối lượng cổ phiếu HHC khớp lệnh tới hơn 2,44% vốn điều lệ HHC, gấp gần 400 lần khối lượng đặt mua trung bình phiên của những ngày bình thường.

Năm 2017, theo đánh giá của lãnh đạo HHC, sẽ có nhiều khó khăn như tình hình lạm phát có diễn biến phức tạp, lãi suất tín dụng và tỷ giá ngoại tệ có xu hướng tăng, sức mua của người tiêu dùng sẽ yếu, một số nguyên liệu đầu vào như đường kính, chất béo, dầu cọ… cũng có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Công ty.

“Đó là chưa kể, các loại bánh kẹo từ các nước ASEAN tiếp tục được giảm thuế nhập khẩu về mức thuế suất 0% theo lộ trình AFTA, nên các sản phẩm của Công ty sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, Công ty vẫn tiếp tục gặp bất lợi so với các đối thủ ngoại do Chính phủ vẫn tiếp tục bảo hộ ngành mía đường, dẫn tới chi phí đầu vào cao, giảm sức cạnh tranh đối với bánh kẹo xuất khẩu…”, đại điện HHC cho hay.

Cũng theo vị đại diện này, 2017 là năm cuối thực hiện dự án di dời nhà máy tại Hà Nội sang Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, HHC phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến việc di dời nên việc sản xuất-kinh doanh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng... Theo đó, trong năm nay, HHC đặt kế hoạch doanh thu 890 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với thực hiện 2016; lợi nhuận trước thuế ở mức 42 tỷ đồng, tương đương năm 2016; cổ tức duy trì mức 15%.

Về dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 25 Trương Định - Hà Nội, HHC đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh giữa CTCP ACI Việt Nam và CTCP Hạ tầng Đông Á, tiến tới thành lập công ty cổ phần để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất này. Hiện nay, các đối tác đang trình các cơ quan chức năng TP.Hà nội xin phê duyệt quy hoạch của khu đất.

… nhìn lại các câu chuyện cũ

Cách đây không lâu, ĐHCĐ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) cũng không suôn sẻ khi khi hầu hết các vấn đề xin thông qua đều đạt tỷ lệ thấp và kết quả cuối cùng là Nghị quyết ĐHCĐ bị phủ quyết bởi chỉ nhận được tỷ lệ đồng ý 39,47%.

Do đó, VSH phải tổ chức ĐHCĐ bất thường vào 19/7/2017 nhằm thông qua 9 nội dung, trong đó có một số nội dung quan trọng như thông qua kết quả kinh doanh năm 2016, bầu bổ sung, thay thế thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, hợp đồng tín dụng cho dự án Thượng Kon Tum…

Câu chuyện lục đục tại VSH cũng xoay quanh câu chuyện ông Phan Hồng Quân đã có thư từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập, với mong muốn HĐQT bổ sung thành viên HĐQT độc lập khác có kinh nghiệm về kỹ thuật, quản lý dự án, tăng quá trình ra quyết định của HĐQT, thúc đẩy tiến độ dự án Thượng Kon Tum.

Cả 3 cổ đông lớn của VSH đều muốn đưa người của mình vào HĐQT. Cụ thể, Genco 3 (nắm 30,55% vốn) đề cử ông Vương Thái Hòa vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập, còn cổ đông Perfectto (đang sở hữu 14,18% vốn) để cử ông Quách Vĩnh Bình, hiện đang là Phó giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) vào HĐQT (REE hiện đang nắm 21% cổ phần tại VSH). Tuy vậy, do chưa chưa thống nhất trong việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nên ĐHCĐ không tiến hành bầu HĐQT và Ban kiểm soát. Những vấn đề này sẽ được đưa ra bàn trong kỳ họp ngày 19/7 tới.

Ngoài câu chuyện về kế hoạch kinh doanh (VSH dự kiến doanh thu 538 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 264 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so năm 2016; cổ tức duy trì mức 10%. Sản lượng điện sản xuất 739 triệu Kwh, điện thương phẩm 730 triệu Kwh), hay liên quan đến việc thay đổi thành viên HĐQT, cổ đông VSH cũng đang muốn chất vấn Ban lãnh đạo VSH liên quan đến Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum mà VSH đầu tư đang phát sinh một số tình tiết mới như vốn đầu tư bị “đội” lên cao (tăng từ 5.744 tỷ lên 7.407 tỷ đồng); xem xét lại việc phát hành trái phiếu để cấp thêm vốn cho dự án, trong khi vẫn còn khoảng 1.000 tỷ đồng tiền gửi (tính đến cuối năm 2016)…

Câu chuyện các cổ đông lớn và ban lãnh đạo doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, hoặc cổ đông lớn sử dụng “quyền” để phủ quyết không còn mới, song vẫn luôn làm “dậy sóng” tại mỗi mùa ĐHCĐ, khiến lãnh đạo doanh nghiệp phải “đau đầu”.

Thị trường trước đây đã từng chứng kiến câu chuyện của Red River Holding, khi quỹ này đã không tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo doanh nghiệp là Vicostone (VCS) hay Everpia Việt Nam (EVE). Cũng nắm tỷ lệ sở hữu ở mức đủ để gây sức ép lên HĐQT, nên Red River Holding thường đưa ra những yêu cầu như thêm người vào HĐQT, nâng tỷ lệ cổ tức, yêu cầu công ty mua lại cổ phiếu của quỹ…, và khi không đạt được sự đồng thuận, quỹ đầu tư này dùng quyền cổ đông lớn của mình để phủ quyết, phản đối.

Tin bài liên quan