Từ 1/7: Mở cơ chế để cải thiện thanh khoản chứng khoán

Từ 1/7: Mở cơ chế để cải thiện thanh khoản chứng khoán

(ĐTCK) Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Thị Hoàng Lan vừa ký Quyết định số 367/QĐ-SGDHN, ban hành Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường tại HNX. 

Theo đó, các thành viên được giảm 50% mức giá dịch vụ giao dịch cho các giao dịch tạo lập thị trường, nhưng phải có trách nhiệm mua bán hai chiều, nâng đỡ thanh khoản của DN niêm yết hoặc đại chúng.

Cơ hội cho các DN yếu thanh khoản

Lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, DN niêm yết, DN đại chúng, hoặc các quỹ ETF trên HNX được quyền hợp tác với một hoặc một số tổ chức tạo lập thị trường cho chứng khoán của mình. Riêng trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các chứng khoán khác, chờ quy chế riêng sau.

Quyết định 367 mở cửa cho DN phát hành tìm nhà tạo lập thị trường. Quy định mới này nếu được các bên đón nhận, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thực trạng thanh khoản kém trên TTCK Việt Nam hiện nay.

TTCK Việt Nam xuất hiện nhiều phiên giao dịch có giá trị 3.000 - 5.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nhìn cả quá trình, bức tranh thanh khoản còn rất mờ nhạt, Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong khi vốn hóa thị trường tăng nhanh trong 2 năm qua, thì tỷ suất vòng quay chứng khoán (*) rất thấp và phập phù (xem bảng).

Chẳng hạn, năm 2017, tháng 4 là tháng có nhiều phiên rất sôi động, nhưng chỉ số đo lường thanh khoản (turnover ratio) tại HOSE chỉ có 0,0023; tại HNX chỉ có 0,0038 và tại UPCoM thì chỉ có 0,0005.

Một thống kê khác cho biết, riêng 700 mã niêm yết hiện nay có tới 180 mã có thanh khoản dưới 0,02%, mức các cổ phiếu này bị loại khỏi rổ tính chỉ số chung VNX Allshare, do rơi vào vùng “thanh khoản chết”.

Thanh khoản yếu trên TTCK Việt Nam vì nhiều lý do, nhưng không thể không nhắc đến thực tế là chưa có nhà tạo lập thị trường.

Kinh nghiệm từ nhiều sàn quốc tế cho thấy, điều kiện để cổ phiếu lên sàn bắt buộc phải có nhà tạo lập thị trường, chẳng hạn để niêm yết trên NASDAQ, DN phải có đến 3 nhà tạo lập thị trường.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên có quy định với loại nghiệp vụ này cho cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ ETF.

Công ty chứng khoán: thêm cơ hội, thêm đắn đo hiệu quả tự doanh

Theo Quyết định 367/QĐ-SGDHN, nhà tạo lập thị trường có thể là công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng giám sát hoặc thành viên lập quỹ.

Tổ chức này có trách nhiệm yết giá mua - bán hai chiều, với tỷ lệ chênh lệch giá là 5% giá chào mua tốt nhất với từng mã. Nhà tạo lập thị trường phải thực hiện nhiều nghĩa vụ (yết giá, giao dịch đối ứng, báo cáo…), nhưng họ cũng được bù đắp lại bởi mức ưu đãi giá dịch vụ, giảm 50% cho các giao dịch tạo lập thị trường.

Đồng thời, họ được vay chứng khoán cơ cấu để hoán đổi lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF, hoặc vay các lô chứng chỉ quỹ ETF để hoán đổi lấy danh mục chứng khoán cơ cấu. Hoạt động này sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Điều kiện để thực hiện chức năng “tạo lập thị trường” không khó như phái sinh (xem box cuối bài), nên quy định mới mở không gian cho nhiều CTCK.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, bình luận về quy định mới, một số ý kiến cho rằng, không dễ để CTCK nhận lời làm nhà tạo lập thị trường cho DN phát hành, trừ khi 2 bên có sự thấu hiểu và niềm tin vững chắc về hiệu quả hoạt động tương lai của DN.

Lý do là khi thực hiện giao dịch tạo lập thị trường, được hưởng ưu đãi phí là một loại lợi ích của CTCK, nhưng hiệu quả của giao dịch đó ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của danh mục tự doanh của CTCK. Nhìn trên khía cạnh này, càng đảm nhận chức năng tạo lập thị trường cho nhiều mã cổ phiếu, CTCK càng ở thế bị động về tự doanh.

Một điểm đáng lưu ý khác là việc nhà quản lý yêu cầu thành viên tạo lập thị trường phải “trung thực và thiện chí khi thực hiện chức năng tạo lập, vì mục tiêu bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, ổn định”.

Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá thế nào là trung thực và thiện chí hiện đang bỏ ngỏ, trong bối cảnh Bộ quy tắc đạo đức người hành nghề chứng khoán cũng đã bỏ ngỏ từ nhiều năm nay, dù Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã mấy lần tìm sự hợp tác với đối tác ngoại để xây dựng mới.

Với nhà đầu tư, việc từ 1/7 có quy chế về tạo lập thị trường là thông tin thú vị và đáng để nêu kiến nghị với các DN đang “yếu thanh khoản”, thúc đẩy họ tìm nhà tạo lập thị trường, giúp nhà đầu tư không lo bán mãi không ai mua, hoặc mua mãi không ai bán.             

Để làm thành viên tạo lập thị trường, CTCK phải:

- Không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ. Ý kiến kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.

- Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng;

- Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký làm thành viên tạo lập thị trường.

Trường hợp không thực hiện hoạt động tạo lập thị trường như đã công bố, thành viên  phải giải trình với Sở GDCK và công bố thông tin về nội dung này.

Tin bài liên quan