TTCK 15 năm đã tạo ra những con người gắn bó, tâm huyết với thị trường và thị trường là cuộc sống của họ

TTCK 15 năm đã tạo ra những con người gắn bó, tâm huyết với thị trường và thị trường là cuộc sống của họ

TTCK Việt Nam: 15 năm nhìn lại!

(ĐTCK) 15 năm qua, ngoài việc tạo ra một thế hệ nhà đầu tư, nhà quản trị trẻ có năng lực và tâm huyết, TTCK Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt. 15 năm tới, mặc dù chậm, nhưng thị trường Việt Nam không thể nằm ngoài những mốc phát triển chính mà các thị trường trên thế giới đã trải qua.

Những bài học đầu tư đầu tiên

Năm 2000, một nhóm sinh viên chuyên ngành ngân hàng tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói chuyện với tôi về việc lập quỹ đầu tư trên TTCK khi thị trường mới đi vào hoạt động. Ý tưởng và cách làm lúc đó thật đơn giản, chỉ với một vài kiến thức học được tại trường, chủ yếu liên quan tới vai trò của TTCK - điều chẳng giúp ích gì cho việc ra quyết định đầu tư và nguyên lý hình thành giá đấu thành công - điều cũng chỉ giúp họ có những hiểu biết đơn giản về việc giá được hình thành như thế nào trên thị trường.

Với một nền tảng kiến thức như vậy cùng với một số tiền ít ỏi xin từ bố mẹ chủ yếu mang tính thử nghiệm, họ đã đầu tư vào hai cổ phiếu duy nhất trên sàn thời kỳ đó thông qua một hệ thống giao dịch mà phải qua vài ba công đoạn thủ công từ viết phiếu lệnh, nhận lệnh, gọi điện thoại và thông qua đại diện sàn mới có thể biết lệnh có được khớp hay không.

Ngày đó, sự thành công của việc đặt lệnh quan trọng hơn bất cứ sự định giá doanh nghiệp nào. Ngay cả khi họ đề nghị tôi tư vấn thêm thì điều đó thực ra chỉ mang tính tinh thần, chứ bản thân tôi cũng chẳng có kiến thức thực sự nào về sự vận hành của thị trường, ngoài chút kiến thức được biết sớm hơn, chứ không nhiều hơn họ.

Những bài học đầu tư đầu tiên sau đó theo họ và tôi ra nước ngoài du học. Mặc dù kinh nghiệm chẳng nhiều, nhưng thực sự những bài học đầu tiên giúp tôi cũng như họ chú ý nhiều hơn tới định hướng chọn chương trình học và lựa chọn môn học. 15 năm sau, những con người đó hiện tại đã là những lãnh đạo cao cấp của một số định chế tài chính tên tuổi tại Việt Nam.

Công việc và cuộc sống của họ thực sự gắn với nhịp đập của TTCK và ở họ, mỗi khi có dịp nói chuyện, tôi đều nhận thấy sự tâm huyết và trải nghiệm mà không một bài học trường lớp nào có thể dạy họ. TTCK 15 năm đã tạo ra những con người như thế, gắn bó, tâm huyết với thị trường và thị trường là cuộc sống của họ.

TTCK đã trải qua giai đoạn khởi động quan trọng

Nhìn lại chặng đường 15 năm, ngoài việc tạo ra một thế hệ nhà đầu tư, nhà quản trị trẻ có năng lực và tâm huyết, TTCK Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Sẽ là thừa để thống kê chi tiết những con số, nhưng từ 2 doanh nghiệp lên tới gần 700 doanh nghiệp niêm yết, từ hệ thống giao dịch rườm rà, thủ công tới hệ thống giao dịch liên tục, trực tiếp bởi nhà đầu tư, từ mức vốn hóa thị trường chỉ vài ba chục tỷ đồng tới gần 1 triệu tỷ đồng, từ một kênh huy động vốn sơ khai tới một kênh huy động vốn quan trọng…, tất cả đều nói lên một điều: TTCK đã trải qua giai đoạn khởi động quan trọng.

Khó có thể so sánh với các TTCK trên thế giới với lịch sử hàng trăm năm về quy mô và mức độ phát triển, nhưng kỳ vọng học hỏi để phát triển là điều chúng ta nên làm. Có quá nhiều khía cạnh để đề cập, nhưng tôi nghĩ, có hai yếu tố mang tính phát triển bền vững của thị trường là cơ cấu nhà đầu tư và hàng hóa cho thị trường. Việc các nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn các giao dịch thị trường và việc chủ yếu chỉ có các cổ phiếu là hàng hóa không thực sự đáng ngại, nhưng sự lớn mạnh của các các nhà đầu tư tổ chức, không hẳn chỉ là các quỹ đầu tư, cùng với các công cụ đầu tư theo sở thích và các công cụ phòng ngừa rủi ro sẽ giúp thị trường phát triển ổn định.

Thu hút đầu tư, kinh nghiệm tại Anh

Hiện đang sống và làm việc tại Anh, tôi có dịp nói chuyện với người dân và sinh viên nước này, phần lớn trong số họ quen thuộc với khái niệm đầu tư chứng khoán trong cuộc sống hàng ngày, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên là họ xa lạ với việc tự đầu tư trên TTCK. Với họ, việc đầu tư phần lớn được thực hiện thông qua tổ chức và quỹ đầu tư. Tìm hiểu sâu hơn, tôi càng ngạc nhiên là họ thực sự quan tâm tới kế hoạch tài chính cá nhân một cách tỉ mỉ, chi tiết.

Họ lên kế hoạch cho cuộc sống của họ sau khi nghỉ hưu ngay từ độ tuổi 30, bao nhiêu tiền sẽ được bỏ vào quỹ hưu trí, bao nhiêu tiền sẽ được bỏ vào bảo hiểm, bao nhiêu tiền sẽ được bỏ vào các khoản đầu tư cho con cái hay đi du lịch. Danh mục đầu tư của họ là phương tiện giúp họ hiện thực các kế hoạch trên, chứ không phải là kiếm càng nhiều tiền càng tốt.

Một điểm đáng chú ý khác là với mỗi loại hình đầu tư, chính phủ có những quy định rõ ràng, mang tính bảo vệ hoặc khuyến khích/không khuyến khích thông qua miễn, giảm thuế. Chẳng hạn, những khoản tiền đầu tư đầu tiên mang tính tiết kiệm tới một mức nhất định thì thu nhập từ lãi sẽ không phải chịu thuế, hoặc các khoản đầu tư vào quỹ hưu trí - điều được hiểu sẽ đảm bảo an toàn tài chính cho chính họ và chính phủ khi họ về già - được miễn thuế thu nhập.

Chính phủ cũng khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào các quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua miễn, giảm thuế... Mặc dù không trực tiếp, nhưng chính phủ thông qua công cụ thuế giúp nhà đầu tư hiểu rằng, những khoản tiền chưa dùng tới đầu tiên phải là những khoản an toàn trước khi có thể đầu tư vào các tài sản mạo hiểm hơn.

Các nhà đầu tư cá nhân phần lớn bỏ tiền vào các tổ chức và quỹ đầu tư và ngược lại, các tổ chức đầu tư đó được chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt với mục tiêu duy nhất là bảo vệ tiền của nhà đầu tư không được đầu tư theo ý thích của những người lý quỹ.

Khi tôi hỏi tại sao họ không tự đầu tư, thì câu trả lời là cuộc sống còn có quá nhiều việc để làm, để vui vẻ và đầu tư với họ chỉ là kênh bảo vệ tài sản, vậy nên hãy để những nhà đầu tư chuyên nghiệp làm việc của họ một cách tốt nhất. Tôi hỏi họ có tin những người đang quản lý tiền của họ không, thì câu trả lời là “tại sao không, đó là những người có chứng chỉ nghề nghiệp và được phép làm việc”.

Cần xây dựng lại hình ảnh của những nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp

Những mẩu đối thoại trên tưởng chừng đơn giản, nhưng lại đặt ra một câu hỏi lớn với chúng ta: để không lãng phí nguồn lực xã hội khi ai cũng muốn tự mình đầu tư, để những công chức nhà nước, những người làm công sở cũng như doanh nghiệp không lấy trộm thời gian làm việc được trả lương để giao dịch chứng khoán, liệu xã hội đã có niềm tin nhiều hơn vào việc bỏ tiền vào các quỹ đầu tư?

Nhìn những vụ việc như quỹ bảo hiểm xã hội nhà nước cũng mất tiền hay phần lớn các quỹ đầu tư không thành công trong 15 năm qua, tôi cho rằng, sẽ nhiều người trả lời không khi hỏi họ có bỏ tiền vào quỹ đầu tư không.

Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ tới việc xây dựng lại hình ảnh của những nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp. Không nhất thiết phải là các công ty quản lý quỹ hay các công ty đầu tư, thậm chí các cá nhân có kinh nghiệm và có uy tín có thể nên được luật hóa để cấp phép quản lý đầu tư và họ phải đăng ký như một cá thể doanh nghiệp chịu trách nhiệm như một tổ chức.

Tôi tin, rằng trong giai đoạn chuyển tiếp 10 - 15 năm tới, nếu không luật hóa thì các cá thể kinh doanh cũng sẽ nở rộ dịch vụ ủy thác và họ sẽ dễ huy động vốn từ xã hội để đầu tư vào thị trường hơn, hoạt động đầu tư của họ sẽ mang tính thực chất cao hơn. Những con người với kinh nghiệm 15 năm thị trường mà tôi đề cập ở đầu bài viết hoàn toàn có thể làm tốt những việc này.

Nhà đầu tư cần một thực đơn mang tính cá thể hóa

Một khía cạnh khác về hàng hóa cho thị trường, ngoài vấn đề thị trường phái sinh mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực triển khai, một xu hướng đầu tư gắn liền với sự phát triển của thị trường là các kiểu đầu tư theo sở thích, trong đó quan trọng là sự quan tâm của nhà đầu tư tới các mục tiêu xã hội. Bill Clinton, cựu Tổng thống Hoa Kỳ hồi cuối năm ngoái từng nhận xét, tương lai của quản trị là vì mục tiêu trách nhiệm xã hội, chứ không hoàn toàn chỉ là mục tiêu tài chính.

Tại thị trường London, các bộ chỉ số đầu tư xã hội được hình thành để khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu của họ. Chẳng hạn, một số nhà đầu tư sẽ không lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất rượu hay thuốc lá để đầu tư, hoặc những người khác sẽ không lựa chọn các doanh nghiệp được cho là hành xử không thân thiện với xã hội hay người tiêu dùng. Nói cách khác, thực đơn mà nhà đầu tư lựa chọn không chỉ gói gọn ở khía cạnh tài chính, mà là một thực đơn mang tính cá thể hóa nhiều hơn.

Trong lịch sử 15 năm của TTCK Việt Nam, nhà đầu tư có không ít bài học về việc họ bị lừa thế nào. Từ báo cáo tài chính ngụy tạo đến công bố thông tin sai lệch, từ các doanh nghiệp chủ động đưa nhà đầu tư vào thế “kim thiền thoát xác” đến những rủi ro tạo ra từ chính những hành vi phạm luật hoặc không đạo đức của chủ doanh nghiệp...

Tất cả là những bài học mà nhà đầu tư tự nhủ thầm là sẽ không bao giờ đầu tư vào những doanh nghiệp như thế nữa. Mặc dù rất khó để bắt lỗi những doanh nghiệp như vậy từ góc độ người làm thị trường, nhưng ít nhất những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đàng hoàng phải có chỗ đứng khác trong thực đơn dành cho nhà đầu tư.

Một sự bắt đầu bằng chỉ số các doanh nghiệp quản trị tốt, hoặc chỉ số những doanh nghiệp được ưa thích bởi nhà đầu tư, hoặc thân thiện với khách hàng... sẽ là ý tưởng không tồi để phát triển bộ chỉ số, hàng hóa đầu tư, thay vì xoay quanh các bộ chỉ số hiện tại, mà thực chất là không có nhiều sự khác biệt.

Dự báo chiến lược đầu tư tự động hóa sẽ bùng nổ

Điểm cuối cùng tôi muốn đề cập mang tính dự báo về những phát triển của TTCK Việt Nam trong 15 năm tới là sự hình thành các chiến lược đầu tư tự động hóa.

Trong một lớp MBA dành cho những nhà quản lý tài chính học online từ khắp nơi trên thế giới, một học viên đang làm việc cho một quỹ đầu tư tại Mỹ có nói với tôi rằng, công việc của anh ta là tạo ra những con robot để thực hiện giao dịch. Anh ta là một nhà toán học và là một chuyên gia lập trình.

Điều tôi nhớ từ anh ta là việc anh ấy nói rằng, có tới 60% giao dịch trên TTCK phát triển nói chung là được tạo ra bởi các robot giao dịch, hoặc đơn giản hơn là các cách hệ thống giao dịch được lập trình theo thuật toán. Điều này theo anh ta là để giảm những lỗi do con người tạo ra và đồng thời đảm bảo không bị tâm lý bầy đàn chi phối. Nhưng mặt khác, nếu có những lỗi bất thường thì có thể làm cho thị trường tăng hoặc sụt giảm bất ngờ chỉ trong vài chục giây như đã xảy ra năm 2008. Điều này thực ra là bình thường, nhưng việc nắm bắt được xu thế có thể là quan trọng để các nhà đầu tư và quản lý có những chuẩn bị trước.

Tóm lại, 15 năm đã trải qua và chúng ta đã chứng kiến những cột mốc quan trọng của TTCK Việt Nam. Với các nhân tôi, ấn tượng lớn nhất là sự trưởng thành của đội ngũ những nhà quản trị và quản lý đầu tư. Sự phát triển của thị trường trong 15 năm tới phải là vai trò lớn hơn của các nhà quản lý đầu tư này và sự đa dạng của các thực đơn đầu tư theo sở thích.

Theo tôi, Việt Nam mặc dù chậm, nhưng không thể nằm ngoài những mốc phát triển chính mà các thị trường trên thế giới đã trải qua. Sự bùng nổ của các giao dịch tự động hóa cũng có thể là điều các nhà quản lý nên hình dung trước.

Tin bài liên quan