TTCK phái sinh, quá chặt sẽ khó hấp dẫn

(ĐTCK) Sau những thông tin được chia sẻ tại hai hội thảo liên tiếp về TTCK phái sinh, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức mới đây, giới đầu tư băn khoăn về sự thận trọng của nhà quản lý trong triển khai một số sản phẩm đầu tiên trên thị trường.
TTCK phái sinh, quá chặt sẽ khó hấp dẫn

E ngại kém sức hút

Theo nhìn nhận của giới đầu tư, chứng khoán phái sinh là công cụ vừa được dùng để đầu cơ kiếm lời, vừa là công cụ hiệu quả để phòng ngừa rủi ro cho các sản phẩm cơ sở. Trái phiếu chính phủ, trên thị trường quốc tế, chứ không riêng Việt Nam, là sản phẩm an toàn gần như tuyệt đối. Bởi vậy, nhiều nước lấy lãi suất trái phiếu chính phủ làm lãi suất phi rủi ro, trong khi chỉ số chứng khoán rất biến động.

Vì thực tế trên nên nếu lấy hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro cho trái phiếu chính phủ và chỉ số chứng khoán như định hướng chính sách triển khai TTCK phái sinh mà cơ quan quản lý đề xuất, xem ra chưa thật hợp lý, vì cổ phiếu và đặc biệt là cổ phiếu có mệnh giá thấp mới là sản phẩm có độ rủi ro cao nhất trong bảng xếp hạng rủi ro các loại chứng khoán.

Do vậy, tâm lý e ngại sẽ xuất hiện khi đưa hợp đồng tương lai trái phiếu và hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán vào giao dịch, vì tính thanh khoản sẽ không cao. Khi đó, cả nhà đầu cơ và những người phòng ngừa rủi ro sẽ không hào hứng vì khó tìm kiếm được lợi nhuận và không thấy cần thiết phải phòng ngừa hai sản phẩm cơ sở này, đặc biệt là trái phiếu chính phủ.

Một khi tính thanh khoản của thị trường bị giảm, thì chính nó lại là rủi ro cho bản thân các chứng khoán phái sinh, vì khi cần mua sản phẩm này thì không có người bán, khi cần bán lại không có người mua, NĐT có thể sẽ bị lỗ nặng do không thanh lý được vị thế khi tình huống xấu xuất hiện.

Câu hỏi được giới đầu tư đặt ra là: Phải chăng nhà quản lý quá lo lắng về rủi ro của các sản phẩm phái sinh, nên đã chọn hai sản phẩm cơ sở hầu như an toàn và rất ít biến động để giao dịch? Nếu là giao dịch mang tính tập dượt cho thị trường thì tạm chấp nhận được, nhưng nếu kéo dài việc thử nghiệm này sẽ tạo ra lực cản, vì khi các NĐT không mặn mà với các sản phẩm phái sinh trên, tính thanh khoản thị trường sẽ khó cải thiện. Bởi vậy, cùng với việc sớm đưa các sản phẩm phái sinh đơn giản vào giao dịch trong thời gian đầu khi mở cửa thị trường, nhà quản lý cần bám sát diễn biến của thị trường để đưa ra những “thực đơn” phù hợp với nhu cầu của NĐT. 

Nhà quản lý nói gì?

Tại hội thảo về chứng khoán phái sinh do UBCK tổ chức mới đây tại Hà Nội, lãnh đạo UBCK cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK phái sinh, Việt Nam cần có sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước để giúp TTCK Việt Nam, mặc dù ra đời sau nhưng phải bắt nhịp kịp với xu hướng phát triển của sự thay đổi TTCK phái sinh toàn cầu.

Theo UBCK, là thị trường đi sau trong triển khai TTCK phái sinh, nên Việt Nam phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm phát triển và các bài học quốc tế về lộ trình phát triển sản phẩm; cấu trúc sản phẩm; cơ cấu tổ chức, vận hành thị trường…, để không lặp lại các thất bại từng xảy ra ở nhiều quốc gia. Các chứng khoán, sản phẩm phái sinh tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền.

Theo định hướng triển khai sản phẩm ban đầu khi mở cửa TTCK phái sinh tại Việt Nam mà UBCK đề xuất, trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Các sản phẩm phức tạp hơn, ví dụ như quyền chọn, sẽ được đưa vào giao dịch tiếp sau này, khi NĐT đã nắm bắt được tính năng, cũng như cách thức sử dụng các chứng khoán phái sinh...

Tin bài liên quan