TTCK ở đâu trong kịch bản cơ cấu lại nền kinh tế?

TTCK ở đâu trong kịch bản cơ cấu lại nền kinh tế?

(ĐTCK) Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi, có đưa ra những giải pháp mới nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, để khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm trong triển khai đề án tái cấu trúc ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán, dự thảo Đề án đưa ra một điểm mới đáng chú ý là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong năm nay trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về Đề án thành lập Hội đồng tư vấn tái cơ cấu kinh tế quốc gia.

Theo định hướng chính sách đến năm 2020 tại dự thảo Đề án, dịch vụ tài chính ngân hàng là một trong 6 ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển.

TTCK ở đâu trong kịch bản cơ cấu lại nền kinh tế? ảnh 1

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển, đặt trong bối cảnh định hướng chính sách đến năm 2020 là phát triển Ngân hàng Nhà nước trở thành ngân hàng trung ương hiện đại, có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu quả..., giải pháp được đề xuất là tập trung phát triển TTCK lành mạnh, gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp với giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK và nâng cao năng lực quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn cho TTCK, cũng như hệ thống tài chính quốc gia.

Cùng với việc xây dựng và ban hành Luật Chứng khoán mới, Đề án nêu giải pháp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ hướng dẫn thực hiện Luật, hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng đến minh bạch thông tin và xử lý tranh chấp, tạo điều kiện thu hút vốn gián tiếp nước ngoài vào TTCK.

Để cụ thể hóa định hướng lớn này, Đề án phân giao cho Bộ Tài chính thực thi một loạt giải pháp như: chủ trì xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán mới thay thế luật hiện hành; nâng hạng TTCK... Liên quan đến tiến độ xây dựng dự thảo luật này, có ý kiến cho rằng việc dự thảo Đề án đưa ra lộ trình đến năm 2018, Bộ Tài chính mới trình dự thảo luật lên Chính phủ và Quốc hội là chậm. Thay vào đó, nên rút ngắn thời gian trình vào năm 2017 để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

Việc tăng nguồn cung hàng hóa cả về chất và lượng cho thị trường sẽ được triển khai theo hướng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị rủi ro và kế toán, kiểm toán. Cùng với đó là đẩy mạnh phát hành và niêm yết mới; gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch; đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa để hoàn chỉnh cấu trúc thị trường…

Để hấp thụ tốt nguồn cung dự kiến sẽ tăng cả về lượng và chất trên TTCK, định hướng chính sách mà dự thảo Đề án đưa ra là phát triển đa dạng các loại hình nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới đầu tư bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ, tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp…

Nhóm giải pháp quan trọng nữa mà dự thảo Đề án đưa ra là phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống tổ chức trung gian thị trường, tiếp tục tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, một nội dung đáng chú ý là dự thảo Đề án để ngỏ thời gian Bộ Tài chính trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, theo ý kiến từ các thành viên thị trường, việc hợp nhất hai Sở nên hoàn tất sớm để vừa tiết kiệm chi phí đầu tư cho ngân sách, vừa tiết kiệm chi phí tham gia thị trường cho các doanh nghiệp, đồng thời mở đường cho triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới theo hướng đồng bộ và chuẩn hóa hơn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ các bên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn chỉnh dự thảo Đề án, để Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào cuối năm nay.  

Tin bài liên quan