Ông Huỳnh Thế Du

Ông Huỳnh Thế Du

TTCK đang chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ lạm phát

(ĐTCK-online) Theo ông Huỳnh Thế Du,Giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright, việc điều chỉnh tỷ giá không có nhiều tác động tích cực đến TTCK trong ngắn hạn, song nó chỉ là phần nổi của câu chuyện, TTCK đang chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ lạm phát.

>> Điều chỉnh tỷ giá

Ông Du nói:

Mặc dù việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.923 đồng/USD lên 20.963 đồng/USD vừa qua của NHNN Việt Nam là lớn nhất từ trước tới nay, song sẽ không có nhiều tác động tích cực đến TTCK trong ngắn hạn. Bởi trước khi có những điều chỉnh này, trên thực tế, các giao dịch ngoại hối đã ở mức 21.000 đồng/USD hoặc cao hơn, nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này chỉ có tác động làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn.

Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như cách thức điều hành hiện tại chưa giải quyết được vấn đề căn bản nhất là kỳ vọng giá trị đồng VND sẽ ổn định hay một tỷ giá có thể tiên liệu. Hệ thống hai tỷ giá vẫn còn tồn tại, niềm tin vẫn chưa được tạo ra và sự méo mó của thị trường vẫn chưa được giải quyết. Chúng ta biết rằng, suất sinh lợi yêu cầu bằng suất sinh lợi của khoản đầu tư không có rủi ro cộng với phần bù đắp rủi ro. Mức chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do đã lên đến khoảng 5% cộng với sức ép lên đồng tiền bị mất giá vẫn còn rất lớn do lạm phát cao, khiến các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu một suất sinh lợi rất cao mà theo trao đổi với một số nhà đầu tư, tối thiểu là 30%. Nguyên nhân chính của rủi ro có tính hệ thống này là bất ổn vĩ mô.

Thực ra, tỷ giá chỉ là phần nổi của câu chuyện, TTCK đang chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ lạm phát. Việc tăng giá điện, than - những nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất sẽ tác động mạnh tới giá thành của nhiều loại hàng hóa, chắc chắn sẽ khiến CPI tăng. Lạm phát cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất khó có thể hạ trong ngắn hạn đồng thời tạo áp lực tăng tỷ giá. Giá nguyên nhiên vật liệu tăng trong khi lãi suất vẫn ở mức cao khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận vì thế sẽ rất  khó có được như ý muốn.

Nói chung, vấn đề chính gây ra bất ổn vĩ mô hiện nay là sự mất cân bằng kép cả bên trong và bên ngoài. Mất cân đối bên trong thể hiện ở thâm hụt ngân sách và lạm phát; còn mất cân đối bên ngoài thể hiện ở mức thâm hụt thương mại. Cả ba chỉ tiêu này đều đang ở mức báo động.

Chúng ta biết rằng, TTCK được xem như là phong vũ biểu của nền kinh tế. Do vậy, TTCK sẽ tốt lên hay xấu đi phụ thuộc vào các chính sách của nhà nước để ứng phó với sự mất cân bằng nêu trên. Để làm được việc này, ổn định vĩ mô phải được quan tâm một cách nhất quán với chính sách tiền tệ phải tiếp tục được thắt chặt, việc điều hành tỷ giá phải hết sức linh hoạt để tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, qua đó giảm thâm hụt thương mại. Chính sách tài khóa cũng cần phải chặt chẽ hơn, trong đó, trọng tâm hướng đến là giảm thâm hụt ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời phải phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.