Ông có thể phân tích cụ thể hơn các yếu tố đang hỗ trợ cho giảm lãi suất?
Do kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giãn lộ trình cũng như mức độ tăng lãi suất. Fed công bố dự kiến chỉ 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong năm nay thay vì 4 lần như trước đây.
Cùng với đó, đồng nhân dân tệ có tín hiệu ổn định trở lại, dù hồi đầu năm có nhiều ý kiến quan ngại đồng tiền này sẽ còn giảm giá mạnh. Các diễn biến này giảm thiểu áp lực phải tăng lãi suất để đảm bảo giá trị cho VND, đồng nghĩa với cơ hội giảm lãi suất VND đang rõ nét hơn.
TS. Alan T.Pham
Mặt khác, để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tạm ngưng hoặc giãn lộ trình sửa đổi Thông tư 36/2014 . Nếu như vậy, thanh khoản của các ngân hàng có triển vọng được cải thiện, cho phép họ vừa có thêm nguồn vốn cho tham gia kinh doanh trái phiếu, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đề ra khoảng 18 - 20%.
Một yếu tố quan trọng nữa là nhiều phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây cho thấy, ông đang quyết tâm chỉ đạo, điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, đồng thời, Thủ tướng gợi mở NHNN tập trung điều hành để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 1% nhằm hỗ trợ cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ phân tích như vậy, ông tin mục tiêu giảm lãi suất trong năm nay là khả thi?
Tuy vẫn còn đối mặt với một số áp lực, nhưng với những diễn biến của bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như trên, cũng như sự nỗ lực của NHNN, lãi suất sắp tới sẽ giảm được. Diễn biến trên thị trường tiền tệ mấy tuần gần đây cho thấy, các ngân hàng không còn chạy đua tăng lãi suất khá “nóng” như trước. Điều này càng góp phần giúp khả năng giảm lãi suất trở nên khả thi hơn so với thời điểm đầu năm nay.
Mối quan hệ giữa lãi suất, TTCK và hiện trạng dòng vốn ngoại, trong đánh giá của ông là như thế nào?
Khi lãi suất giảm, rất có thể một lượng tiền sẽ được rút ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán với kỳ vọng thu được lợi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như: vàng, ngoại tệ, bất động sản… không mấy hấp dẫn.
Đối với dòng vốn ngoại, NĐT nước ngoài đang theo dõi sát các nỗ lực cải cách mà Chỉnh phủ nhiệm kỳ mới và tân Thủ tướng Chính phủ đang theo đuổi, để hiện thực hóa nhiều hơn các cơ hội đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam.
Đặc biệt, một khi các DN, nhất là các DN hiện đã cạn room cho khối ngoại khẩn trương hiện thực hóa quy định nới room thì sẽ thu hút tốt hơn dòng vốn ngoại. Thực tế cho thấy, với các cổ phiếu đã cạn room, NĐT nước ngoài đang chờ đợi cơ hội mua vào, bởi họ không muốn mua qua các kênh khác với giá cao hơn giá thị trường.
VN-Index đã khá vững ở mốc trên 600 điểm. Theo ông, liệu mốc này duy trì được bao lâu?
Như đã phân tích ở trên, một khi lãi suất giảm, cộng với tính hiệu quả trong thu hút dòng vốn ngoại của TTCK Việt Nam được cải thiện rõ nét hơn thì sẽ tạo ra dòng tiền mới bổ sung vào thị trường. Khi đó, dòng tiền này sẽ trợ giúp cho dòng tiền đã chảy vào TTCK để hỗ trợ cho VN-Index tăng lên trên 600 điểm ở lại với thị trường lâu hơn. Do đó, nhiều khả năng mức điểm trên 600 mà VN-Index đã đạt sẽ được duy trì, ít có khả năng rơi xuống quá mốc này.