Có những yếu tố níu giữ một lượng đáng kể vốn ngoại ở lại với thị trường

Có những yếu tố níu giữ một lượng đáng kể vốn ngoại ở lại với thị trường

TS. Alan T.Pham: Fed tăng lãi suất, TTCK Việt Nam đã “chiết khấu” gần xong

(ĐTCK) “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang ảnh hưởng đến các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, do một số yếu tố nên mức độ ảnh hưởng từ quyết định này của Fed đối với TTCK Việt Nam là không đáng kể”, TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital trao đổi với ĐTCK.

Là chuyên gia tài chính có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, ông đánh giá như thế nào về mức độ rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, cũng như các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản… của giới đầu tư quốc tế sau khi Fed tăng lãi suất đồng USD?

Fed tăng lãi suất sẽ gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường Mỹ trên nhiều khía cạnh. Đó là khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, NĐT sẽ nhận được lãi suất cao hơn. Ngay cả việc nắm giữ USD cũng mang lại lợi ích tốt hơn cho giới đầu tư.

USD lên giá còn phản ánh nền kinh tế Mỹ tốt hơn và đương nhiên hiệu quả kinh doanh của các công ty ở Mỹ cũng khả quan hơn, nên cổ phiếu có triển vọng tăng giá. Điều này sẽ làm cho TTCK Mỹ thu hút nhiều NĐT hơn.

Rạng sáng 17/12 (theo giờ Việt Nam), Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, sau 7 năm duy trì ở mức 0 - 0,25%. Lãi suất mới nằm trong khoảng 0,25 - 0,5%. Việc Fed chỉ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%  đã giúp TTCK Mỹ, châu Âu và châu Á phản ứng tích cực.    

Tính hấp dẫn của TTCK Mỹ gia tăng sẽ kích thích các dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế, đặc biệt là vốn của các NĐT Mỹ đang đầu tư bên ngoài sẽ chảy mạnh hơn về Mỹ.

Thực ra, quá trình rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, cận biên, thậm chí cả các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, đặc biệt là TTCK Trung Quốc, đã được nhiều NĐT rục rịch thực hiện trong vòng 1 năm qua.

Nói cách khác, giới đầu tư quốc tế đã tiến hành bước 1 của quá trình cơ cấu lại giỏ vốn đầu tư của họ trên quy mô toàn cầu để đón đầu động thái tăng lãi suất của Fed. Với việc Fed vừa chính thức tăng lãi suất, giới đầu tư nhiều khả năng sẽ thực hiện bước 2 của việc cơ cấu lại tỷ trọng vốn đầu tư trên phạm vi toàn cầu, đó là gia tăng lượng vốn đầu tư vào thị trường Mỹ, giảm vốn đầu tư ở các thị trường khác trên toàn cầu.

TS. Alan T.Pham

Đối với TTCK Việt Nam, mức độ rút vốn của các NĐT ngoại có nghiêm trọng không, theo ông?

Do dòng vốn ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam hiện không lớn so với nhiều thị trường lân cận như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, nên động thái rút vốn của khối ngoại trên TTCK Việt Nam sẽ không “sốc” như một số thị trường khác. Ngoài ra, như vừa phân tích, trong suốt 1 năm qua, nhiều NĐT quốc tế thực hiện bước 1 của việc tái cơ cấu tỷ trọng vốn đầu tư trên toàn cầu, nên trên thực tế một phần vốn ngoại đã rút ra khỏi Việt Nam.

Bởi vậy, với TTCK Việt Nam, đến thời điểm này gần như thị trường đã “chiết khấu” xong động thái tăng lãi suất của Fed, nên mức độ tác động đối với TTCK Việt Nam không thực sự đáng ngại.

Mặt khác, một số yếu tố hấp dẫn của TTCK Việt Nam như: năm 2015, GDP ước tăng khá cao, đạt 6,5%; lạm phát thấp; tỷ giá tương đối ổn định; mặt bằng giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn so với nhiều thị trường lân cận…, nên sẽ níu giữ một lượng đáng kể vốn ngoại ở lại với thị trường, thậm chí có triển vọng thu hút thêm dòng vốn ngoại mới trong năm 2016, cũng như những năm tiếp theo.

Cơ sở nào để ông nhận định như vậy?

Qua tiếp xúc với một số NĐT của Mỹ và Nhật Bản mới đây, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam tiếp tục là một trong những mối quan tâm đầu tư của họ. Điểm đáng chú ý ở đây là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có triển vọng đổ vào Việt Nam mạnh hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).

Việt Nam có triển vọng thu hút vốn FDI mạnh hơn nhờ tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như những nỗ lực cải cách nền kinh tế từ bên trong. Dòng vốn FDI vào mạnh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa hút vốn FII vào TTCK.

Điều này cùng với nỗ lực nâng hạng TTCK, những vướng mắc về nới “room” cho NĐT nước ngoài đang được tháo gỡ; nhiều cơ hội đầu tư mới khá hấp dẫn từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các tập đoàn, tổng công ty đang mở ra…, sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại mới trong thời gian tới.

Thực tế, các NĐT ngoại đang quan tâm giải ngân vào những cổ phiếu được nhìn nhận là sẽ được hưởng lợi nhiều từ TPP như: dệt may, thủy sản, da giày…

Tin bài liên quan