Treo cổ tức: Ai bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

Treo cổ tức: Ai bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

(ĐTCK) Vào ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền, thị giá cổ phiếu lập tức bị điều chỉnh giảm tương ứng với số tiền cổ tức doanh nghiệp hứa trả, nhưng tiền chia cổ tức thì không biết ngày nào mới về. 

May thì vài ngày, không may thì vài tháng, thậm chí chưa biết bao giờ tiền cổ tức mới về, là những câu chuyện rất thật trên TTCK Việt Nam.

TS4: chốt trả cổ tức rồi… lùi lịch

Ngày 20/9/2017, Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (mã TS4) có công văn thông báo về việc Hội đồng quản trị Công ty đã họp (có biên bản đính kèm thông báo, không có Nghị quyết) về việc thay đổi thời gian chi trả cổ tức cho cổ đông. Theo Biên bản họp, do báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của Công ty chưa đủ điều kiện chia cổ tức nên Công ty sẽ dời ngày thanh toán cổ tức năm 2016 đến ngày 5/10/2018, thay vì ngày dự kiến là 29/9/2017.

Như vậy, những cổ đông đã có tên trong danh sách ngày 20/3/2017 theo thông báo của Hội đồng quản trị ngày 8/2/2017 sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất 1 năm nữa (sau khi đã phải chờ hơn nửa năm như phương án ban đầu) để hy vọng nhận được cổ tức năm 2016.

Vì sao lại có sự trì hoãn này? Xét về sức khỏe tài chính, báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty cho thấy, TS4 có đủ nguồn tiền để trả. Đến 3/6/2017, Công ty có trên 100 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, trong khi nhu cầu tiền phục vụ trả cổ tức chỉ hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty lại không đủ điều kiện để trả cổ tức cho cổ đông.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấy, TS4 bị lỗ 6,644 tỷ đồng, với Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 là -4,457 tỷ đồng. Đến hết 30/6/2017, Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty vẫn là con số âm (-1,406 tỷ đồng), dù kết quả kinh doanh 6 tháng hợp nhất lãi 3,051 tỷ đồng.

Ai chịu trách nhiệm trước thiệt hại của nhà đầu tư?

Tại thời điểm ngày giao dịch không hưởng quyền, nhà đầu tư đã bị trừ đi số tiền cổ tức họ dự kiến nhận được vào giá tham chiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư bị treo vốn. Cổ tức càng bị chậm, nhà đầu tư càng bị thiệt. Với 8 tỷ đồng cổ tức đã bị giảm trừ trên giá của TS4, tính theo thời gian chậm trả, nhà đầu tư có thể bị mất tới hơn 600 triệu đồng tiền lãi suất (nếu tính lãi suất 5%/năm), tính từ thời điểm chốt quyền đến khi có thể nhận được.

Thực tế, TS4 không phải là doanh nghiệp duy nhất mà nhà đầu tư đã qua ngày chốt quyền, nhưng không nhận được tiền cổ tức. Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã SMA) từng "ngâm" cổ tức của nhà đầu tư với ngày đăng ký cuối cùng là 27/7/2012 đến tận năm 2015 với lý do nguồn thu bị trễ.

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex cũng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2010 từ ngày 3/4/2012, nhưng hết lần này đến lần khác khất nợ, hiện tiếp tục xin nợ đến 30/3/2018…

Nếu không phải là doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu, chuyện trả cổ tức sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi nhà đầu tư. Nhưng với các trường hợp đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK thì chi phí vốn nhà đầu tư lại là vấn đề đáng được quan tâm. Những doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, tỷ lệ chia cổ tức thấp, chi phí vốn bị mất đi không nhiều. Tuy nhiên, ở doanh nghiệp quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng, khi cổ đông cũng bị nợ cổ tức sau chốt quyền, thì ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?

Trao đổi vấn đề này với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc để xảy ra tình trạng trên, cũng như quy trách nhiệm cho ai, phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Ví dụ, có doanh nghiệp có lãi về mặt kế toán, nhưng do yếu tố khách quan dẫn đến dòng tiền không về kịp, thì việc khất nợ cổ đông là khó tránh khỏi.

Còn với cụ thể trường hợp của TS4, cần phải xem vì sao lại có sự chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán? Thẩm quyền của Hội đồng quản trị TS4 trong việc chốt danh sách cổ đông cho kế hoạch chia cổ tức đến đâu?

Lần dở báo cáo tài chính của TS4 năm 2016 sẽ thấy, ngay trong báo cáo tài chính tự lập của Công ty, đến hết năm 2016, Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của TS4 trên báo cáo tự lập (hợp nhất và riêng lẻ) có số dư tương ứng là 7,573 tỷ đồng và 4,336 tỷ đồng.

Với trường hợp tạm ứng cổ tức bằng cổ phiếu trước khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm, trong hồ sơ xin phát hành, Ban lãnh đạo công ty đại chúng thường phải có cam kết chịu trách nhiệm về việc đủ nguồn thực hiện việc phát hành này. Tuy nhiên, thực hiện cam kết này như thế nào lại chưa có ở đâu quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý nên cân nhắc bổ sung cơ chế truy trách nhiệm cá nhân với các tình huống chốt danh sách cổ tức để tạm ứng cổ tức bằng tiền trước thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán năm.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần có cơ chế chịu trách nhiệm về chi phí vốn, nếu đủ điều kiện chia cổ tức (về quỹ lợi nhuận, có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông), đã chốt danh sách nhận cổ tức, nhưng không thu xếp được nguồn.

Tin bài liên quan