Tranh chấp tài khoản: Tại anh, tại ả…

Tranh chấp tài khoản: Tại anh, tại ả…

(ĐTCK) Tranh chấp về tài sản (tiền, chứng khoán) giữa CTCK và nhà đầu tư vẫn là tranh chấp phổ biến. Nguyên nhân từ đâu?
Tranh chấp về tài sản (tiền, chứng khoán) giữa CTCK và nhà đầu tư vẫn là tranh chấp phổ biến. Nguyên nhân từ đâu?

Tại môi giới…

Thị trường nhiều lần chứng kiến việc nhà đầu tư làm đơn khiếu nại, đơn thư, kiện tụng, tố cáo CTCK lạm dụng tài sản của họ. Căn nguyên của những tranh chấp này đều đến từ việc nhập nhằng của CTCK trong việc quản lý tài khoản của nhà đầu tư. Chính vì vậy, cơ quan quản lý đã có điều chỉnh chính sách để quản lý tách bạch tài khoản của nhà đầu tư với tài khoản của CTCK, tách bạch tài sản của nhà đầu tư và CTCK. Tuy nhiên, tranh chấp giữa nhà đầu tư và CTCK vẫn không dứt.

Một tình huống phổ biến trong tranh chấp giữa nhà đầu tư và CTCK là cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán. Nhà đầu tư Trần Thị V. đã không ít lần gửi đơn thư tới Báo Đầu tư Chứng khoán vì khoản nợ vài tỷ đồng tự dưng “quàng” vào cổ hai vợ chồng bà từ hợp đồng cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán. Hóa ra, CTCK Trường Sơn, nơi bà mở tài khoản, đã dùng tên bà để ký hợp đồng vay vốn của ngân hàng. Tiền vay được dĩ nhiên đổ về tài khoản của Công ty, còn nợ thì vợ chồng bà phải gánh.

Rất nhiều nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán, mua bán bình thường, vẫn đinh ninh tài khoản của mình có bấy nhiêu chứng khoán, bấy nhiêu tiền. Nhưng một ngày xấu trời nọ, họ nhận được trát đòi nợ hàng tỷ đồng từ ngân hàng với tối hậu thư, nếu không trả nợ, họ sẽ xử lý cổ phiếu để trừ nợ. Lo lắng, phẫn nộ, họ tìm hiểu và té ngửa khi rằng CTCK đã làm bừa, giả mạo chữ viết và chữ ký của họ để ngụy tạo hợp đồng cầm cố chứng khoán, hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán với ngân hàng.

Đó là việc đã xảy ra ở không ít CTCK, trong đó có những trường hợp đã được cơ quan điều tra làm rõ như trường hợp của CTCK Trường Sơn, CTCK SME…

Những tranh chấp đòi chứng khoán, đòi tiền cũng không thiếu. Đơn cử như trường hợp hai nhà đầu tư khiếu kiện CTCK Đại Việt đòi 900 triệu đồng từ năm 2013. Số là hai nhà đầu tư này mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại CTCK Đại Việt, nhưng khi đến Công ty rút tiền, họ phát hiện số tiền trong tài khoản của họ đã được chuyển thẳng vào tài khoản của ông Đặng Kim Khoa, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội của CTCK Đại Việt.

Giải thích từ CTCK Đại Việt cho thấy, vị Phó giám đốc đã yêu cầu nhân viên dưới quyền chuyển khoản nội bộ số tiền từ tài khoản của hai nhà đầu tư vào tài khoản của mình. Phiếu chuyển tiền không có chữ ký của nhà đầu tư, nhưng do vị giám đốc này cam kết sẽ bổ sung chữ ký sau nên nhân viên vẫn chuyển tiền. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy trình làm việc của chính CTCK Đại Việt cũng như các quy định pháp luật.

Phía CTCK Đại Việt không phủ nhận trách nhiệm bảo toàn và hoàn trả tài sản của nhà đầu tư, nhưng cần thêm thời gian để thu thập thông tin, điều tra nội bộ và nhờ cơ quan có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm, đồng thời cho rằng đây là vi phạm có tính tổ chức. Lời qua tiếng lại, hai bên đều khẳng định sẽ làm đơn nhờ cơ quan công an vào cuộc. Đến nay, không rõ hai nhà đầu tư kia có đòi được tài sản hay không?

Với bà Trần Thị V., không chỉ vướng mắc về khoản nợ từ hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán, bà còn bị CTCK Trường Sơn đòi nợ (gần 2 tỷ đồng) do margin thua lỗ. Việc này xuất phát từ hợp đồng bảo lãnh giữa các tài khoản mang tên bà, chồng và con trai. Công ty đưa ra hợp đồng với nội dung các tài khoản này cam kết dùng tiền, chứng khoán trong tài khoản để bảo lãnh lẫn cho nhau. Nhưng theo bà V., bà không ký, không biết thỏa thuận này.

Các lệnh mua bán chứng khoán không phải do bà viết, ký. Tranh chấp kéo đến cửa cơ quan chức năng. Khi kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện CTCK Trường Sơn không lưu giữ lệnh của nhà đầu tư theo đúng quy định, thành ra không có căn cứ xác định phiếu lệnh có chữ ký bà V. hay không, có hợp pháp hay không. Trong khi đó, tài khoản chứng khoản của bà vẫn bị phong tỏa, không thể mua bán, cũng không thể lĩnh cổ tức…

Cuối cùng, sau nhiều năm kiện tụng, tranh chấp của bà V. cũng được giải quyết theo phương án 50/50, mỗi bên chịu một nửa khoản lỗ gần 2 tỷ đồng. Tài khoản đã lấy được nhưng nỗi ấm ức của bà V. vẫn còn đó. 

… hay nhà đầu tư?

Trong những tranh chấp trên, sai phạm ở CTCK là có. Có sai phạm mang tính hệ thống, được sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao, có sai phạm mang tính cá nhân, do một người cố tình vi phạm. Thực tế, không ít vụ án xảy ra ở CTCK đã được truy tố, điều tra, xét xử.

Nhưng trong câu chuyện bên lề với các luật sư và chính các nhà đầu tư về nguyên nhân các vụ tranh chấp tài sản tại CTCK, không ít ý kiến đã “nhẹ nhàng” chỉ hướng về các nhà đầu tư. Họ đã không quản lý chặt chẽ và quan tâm đúng mực tới tài sản của mình.

Một luật sư sau khi tham gia tư vấn pháp lý cho một CTCK lớn ở TP. HCM nhận thấy rằng phần lớn tranh chấp có xuất phát điểm từ chính các nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư đã gửi gắm tài khoản của mình cho nhân viên môi giới kiểu: “Để ý thằng XXX hộ chị nhé!”, “Cứ giá xx,x thì mua vào cho anh!”…

Tranh chấp có thể đến từ chính những giao dịch gửi gắm kiểu này khi khoản lỗ lớn xảy ra và nhà đầu tư cho rằng, nhân viên môi giới làm sai so với dặn dò. Hoặc cũng có thể lâu ngày, nhân viên môi giới sẽ mạnh dạn mượn tài khoản của nhà đầu tư mua vào với ý định 1, 2 phiên sau sẽ bán ra và hoàn tiền trở lại, nhưng nếu thị trường không thuận lợi, kế hoạch của môi giới bất thành thì tranh chấp là hậu quả tất yếu.

Trong một tranh chấp đã xảy ra, giữa nhà đầu tư và môi giới đã có một thỏa thuận miệng, nhà đầu tư bỏ vào tài khoản vài trăm triệu đồng và cho môi giới được phép giao dịch thay, không được làm lỗ, còn lợi nhuận thì chia đôi. Làm sao có thể đảm bảo giao dịch không lỗ? Trong tình huống môi giới chỉ mua bán bằng số tiền trong tài khoản thì khoản lỗ có thể không quá lớn, nhưng khi môi giới phóng tay sử dụng margin thì khoản lỗ có thể nặng hơn nhiều, lên tới tiền tỷ.

Có nhà đầu tư từng “lý sự” vui về cái sự mất tiền trong tài khoản, rằng tiền bạc cất ở két sắt trong nhà vẫn có nguy cơ bị kẻ trộm đột nhập lấy mất, huống chi tài sản trong tài khoản giao dịch chứng khoán. Sự so sánh này không hoàn toàn đúng, nhưng ít nhất cũng chỉ ra một thực tế, tài khoản của nhà đầu tư đều có rủi ro bị mất, bị lạm dụng, bị lừa đảo…

Không ít nhà đầu tư gửi tiền vào tài khoản chứng khoán nhưng rồi để đó, không giao dịch và không kiểm tra suốt vài tháng và rất dễ hiểu khi các tài khoản này trở thành “đích ngắm” của kẻ xấu. Cũng như thế, các tài khoản được phó thác cho môi giới thì cũng dễ xảy ra mất của. Vì thế, để hạn chế rủi ro tranh chấp, không thể chỉ trông chờ vào hành lang pháp lý do cơ quan chức năng tạo ra, vào đạo đức nghề nghiệp và lương tâm của nhân viên, lãnh đạo CTCK, mà nhà đầu tư phải tự nhận thức và có ý thức trách nhiệm với những rủi ro tiềm tàng với tài sản của mình tại CTCK.

Tin bài liên quan