Tranh cãi thuế suất bia

Tranh cãi thuế suất bia

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các DN và ngành liên quan xung quanh việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Ý kiến đóng góp chiếm số lượng lớn và có phần gay gắt thuộc về ngành bia. Điều này được giải thích bằng 2 lý do: bia đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu thuế TTĐB và số DN hoạt động trong lĩnh vực này khá nhiều, nên việc điều chỉnh thuế suất như thế nào có tác động khá lớn.

Quy định không còn phù hợp

Theo dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi, sẽ có 15 mặt hàng và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trước đây là 13). Đó là: thuốc lá điếu, xì gà, các chế phẩm từ thuốc lá; rượu; bia; ô tô chở người dưới 24 chỗ (kể cả xe bán tải); xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cc trở lên; tàu bay, du thuyền; xăng các loại, các chế phẩm khác để pha chế xăng; điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; dịch vụ: vũ trường, karaoke, mát xa; casino, trò chơi điện tử có thưởng; kinh doanh đặt cược; kinh doanh golf; sổ xố.

Đối với mặt hàng bia, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định, bia chai, bia lon có thuế suất 75%; bia hơi, bia tươi năm 2006 và năm 2007 thuế suất là 30%, từ năm 2008 thuế suất là 40%. Như vậy, thuế suất giữa bia hơi, bia tươi thấp hơn bia chai và mức khác nhau được duy trì trong nhiều năm. Theo giải thích của một quan chức Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, quy định này là phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và điều kiện thu nhập của dân cư trong những năm trước đây. Từ năm 2006 đến nay, thuế suất đối với bia hơi tăng dần theo lộ trình (từ 30% lên 40%) nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất bia hơi, nhất là cơ sở có quy mô nhỏ có thêm thời gian sắp xếp, tổ chức lại sản xuất… bình đẳng với sản phẩm bia của các DN khác.

Theo Bộ Tài chính, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, cần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng nên khuyến khích sản xuất các đồ uống (trong đó có bia) có chất lượng cao, hạn chế sản xuất tiêu dùng bia có chất lượng thấp, giá rẻ dễ dẫn đến lạm dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, việc quy định thuế suất bia như hiện nay là có sự phân biệt theo hình thức bao bì, đóng gói.

Căn cứ vào những lý lẽ trên, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh Luật thuế TTĐB theo hướng thống nhất tất cả các loại bia đều chịu thuế suất 50%, không phân biệt bia hơi, bia chai và bia lon.

Tranh cãi

Đề xuất trên ngay lập tức nhận được phản hồi của các DN sản xuất, nhất là DN sản xuất bia hơi. Với đề xuất như trên, các DN này sẽ phải chịu tăng thêm 10% thuế TTĐB. Còn đối với các DN sản xuất bia lon thì vẫn phải chịu thêm thuế suất TTĐB đối với vỏ lon, do không được trừ tiền vỏ lon trong giá tính thuế (trước đây ở mức thuế suất 75% được trừ giá trị vỏ lon để xác định giá tính thuế).

So với nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam vẫn có quá ít mặt hàng và dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB. Điều này khiến tỷ trọng thuế TTĐB trong tổng thu ngân sách từ thuế của Việt Nam chỉ là 9,49%, thấp xa so với các nước trong khu vực (Singapore: 25,9%, Thái Lan: 25,6%, Philippines: 12,9%).

Ông Vương Đỗ Hải, Tổng giám đốc liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á cho rằng, dự thảo mới cùng thống nhất thuế suất 50% và thu thuế TTĐB vỏ chai, vỏ hộp (bia lon) nhưng thực tế chỉ có bia lon là chịu thuế TTĐB vỏ (do bia chai được đổi vỏ nên giá tính thuế thực chất không bao gồm giá trị vỏ chai) khiến 1 lít bia lon nộp bằng 150% thuế suất lít bia chai, mặc dù bia chai, bia lon chất lượng như nhau. Theo ông Hải, nên trừ giá trị vỏ lon của bia lon trước khi tính thuế mới tạo sự công bằng trong thu thuế đối với mặt hàng bia.

Trong văn bản kiến nghị, ông Đặng Trần Kiên, Kế toán trưởng Công ty Bia Việt Hà cho rằng, nếu tăng thuế đối với bia hơi lên 50% sẽ khiến hàng ngàn cơ sở sản xuất bia tại các địa phương phá sản, hàng vạn lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, nếu lấy thuế suất để điều tiết DN chuyển từ sản xuất bia hơi sang bia chai, bia lon là điều không thể thực hiện được, vì các cơ sở này đã quá khó khăn nên không có khả năng huy động vốn đầu tư máy móc và thương hiệu để cạnh tranh. Thuế bia hơi càng cao, càng khó kiểm soát vì nguồn lợi trốn thuế là rất lớn.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều nhưng một câu hỏi được các chuyên gia và DN đặt ra là, tại sao không tính thuế bia theo lít, mà phân biệt theo bia chai, bia hộp, tạo ra sự bất bình đẳng như trong đề xuất sửa đổi? Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, vụ này sẽ tập hợp các ý kiến để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo trước khi trình các cấp cao hơn xem xét. Cho dù như thế nào, việc sửa đổi thuế suất TTĐB đối với các mặt hàng nói chung không thể không tính đến cam kết khi gia nhập WTO: trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, đối với mặt hàng bia sẽ áp dụng một mức thuế suất phần trăm chung, không phân biệt hình thức đóng gói, bao bì.