Trả cổ tức cho cổ đông bớt “tức”

Trả cổ tức cho cổ đông bớt “tức”

(ĐTCK) Một trong những quyền cơ bản của cổ đông là được nhận phân phối lợi nhuận của công ty. 

Theo Khoản 4, Điều 132, Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Trong khi đó, theo thông lệ tốt về quản trị công ty khu vực ASEAN, các doanh nghiệp niêm yết thường chi trả cổ tức trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông.

“Nhận cổ tức muộn là thường tình”

Không ngạc nhiên khi hầu hết các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam áp dụng trên tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong việc thực thi các chính sách quản trị tiến bộ, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững thì thực hành chi trả cổ tức vẫn chưa đạt được chuẩn mực của khu vực ASEAN.

Đơn cử trường hợp của Công ty Vinamilk (VNM), Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp đã diễn ra ngày 31/3/2018 phê chuẩn mức trả cổ tức còn lại năm 2017 và sẽ thanh toán vào ngày 26/6/2018, tức là sau ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông tới gần 3 tháng.

Còn đối với cổ tức tạm ứng đợt 1 năm 2017, VNM thông báo Nghị quyết HĐQT tạm ứng vào ngày 24/7/2017, nhưng phải hơn 1 tháng sau mới thanh toán vào ngày 31/8/2017. Tương tự, đợt trả cổ tức bổ sung được thông báo vào ngày 21/12/2017, ngày chốt quyền là 28/12/2017 nhưng ngày thanh toán là 30/3/2018

Dù vậy, VNM vẫn là một ví dụ rất tốt về chi trả cổ tức tại Việt Nam vì đã cam kết trước thời điểm chi trả cổ tức, thực hiện đúng cam kết; tổ chức đại hội sớm và trả cổ tức vào cuối năm mà không chờ đến cuối hạn 6 tháng như luật định. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trong nước thường chỉ thông qua tại đại hội đồng cổ đông mức cổ tức mà không đề cập ngày nào sẽ tiến hành chia cổ tức.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp chậm trả cổ tức theo luật định, thậm chí một số công ty nợ cổ tức vài năm liền. Chẳng hạn, trường hợp gần đây là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) thông báo gia hạn thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt từ ngày 25/1/2018 tới ngày 20/4/2018.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng chủ động dòng tiền chi trả cổ tức đúng hạn. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, quyền cơ bản của cổ đông không được tôn trọng, thậm chí cổ đông cũng không được giải thích thấu đáo “vì sao?”. Tình trạng doanh nghiệp trả cổ tức muộn, đồng thời mong muốn chuyện này được chấp nhận như lẽ thường tình là một điều bất thường tại Việt Nam.

Lý do khu vực ASEAN áp dụng thông lệ quản trị tốt là “công ty chi trả cổ tức cuối kỳ trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông” vì lợi nhuận đã được chốt từ cuối năm tài chính. Ở Việt Nam đa số công ty kết thúc năm tài chính ngày 31/12 hàng năm. Đại hội đồng cổ đông thường được tổ chức 3 - 4 tháng sau khi năm tài chính kết thúc. Công ty trả cổ tức sau 30 ngày đại hội, tức cổ đông nhận tiền lời sau 4 - 5 tháng chờ đợi từ ngày chốt sổ là hợp lý, phù hợp với kế hoạch tài chính của công ty.

Nếu công ty trả cổ tức 6 tháng sau ngày đại hội như giới hạn luật quy định, thì đến cuối tháng 10/2018 trở đi cổ đông mới nhận được cổ tức. Thời gian chờ đợi lên tới 10 tháng mới nhận được lợi nhuận chốt từ cuối năm trước.

Trả cổ tức cho cổ đông bớt “tức” ảnh 1

Với cổ phiếu một công ty có P/E là 14, tức tỷ suất lợi nhuận trên giá là 1/14 hay khoảng 7%. Thì mức tỷ suất cổ tức trên giá thị trường cao nhất đạt được là 7% nếu giả sử công ty phân phối 100% lợi nhuận cho cổ đông.

Giả sử một cổ đông mua cổ phiếu từ kỳ đại hội lần trước, vào tháng 4/2017, thì nếu nhà đầu tư này phải chờ đến tháng 10/2018 (18 tháng) để nhận cổ tức thì mức lợi suất cổ tức thực tế không phải là 7% nữa, mà chỉ còn là khoảng 5%, do nhà đầu tư này phải chờ thêm 5 tháng mới nhận được cổ tức và không có cơ hội tái đầu tư cổ tức nhận được sớm hơn.

Chưa kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết có tính mùa vụ, nếu phải đợi cho đến khi nhận được cổ tức là khoảng tháng 10/2018, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro giá cổ phiếu diễn biến bất lợi, khiến thay vì cố gắng chờ nhận cổ tức rồi mới bán cổ phiếu thì buộc phải hy sinh tỷ lệ lợi suất do giá bán cổ phiếu bị sụt giảm trong quá trình nhà đầu tư chờ nhận cổ tức – khoản lợi tức mà đáng lẽ nhà đầu tư đó phải nhận được từ 5 tháng trước, ngay sau mùa đại hội nhiều tin tốt.

Đây cũng là lý do việc thực hành “thanh toán cổ tức cuối kỳ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đại hội đồng cổ đông” được các doanh nghiệp ASEAN nghiêm túc thực hiện, ngay cả với trường hợp công ty có thực hiện các đợt tạm ứng cổ tức trước đó.

Ví dụ, Công ty TENAGA NASIONAL BHD của Malaysia, (mã chứng khoán TNB:MK) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia có năm tài chính kết thúc 31/8/2017 và tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 18/12/2017. Sau Đại hội 10 ngày thì công ty trả cổ tức, trên tài liệu tham dự đại hội có nêu ngày trả cổ tức cuối kỳ là 29/12/2017 với mức trả cổ tức cuối kỳ là 44 sen/cổ phiếu (tiền xu của Malaysia).

Trước đó công ty đã thông báo tạm ứng cổ tức năm 2017 vào ngày 3/5/2017, ngày thanh toán cổ tức tạm ứng này là sau 28 ngày, tức vào ngày 31/5/2017 với mức trả cổ tức là 17 sen/cổ phiếu. Với giá cổ phiếu sau ngày đại hội 2017 là 13,76 MYR/cổ phiếu (đồng Ringgit Malaysia) thì theo Bloomberg, đầu tư mã TNB:MK vào ngày 16/12/2016, tính ra suất sinh lợi từ cổ tức mà nhà đầu tư nhận được là 4,5%/năm có xét đến yếu tố thời giá của đồng tiền này.

Về mặt con số, tỷ suất sinh lời từ cổ tức của cổ phiếu các công ty Việt nam đáng lẽ phải cao hơn các đồng tiền trong khu vực do sức mua của VND thấp hơn. Tuy nhiên trong 2 tình huống nêu trên, tỷ suất sinh lợi thực tế mà cổ đông Việt Nam nhận được là 5% so với 4,5% đối với cổ đông một công ty Malaysia cho thấy, việc nhận cổ tức tiền mặt trễ hơn gần nửa năm so với các doanh nghiệp ở các thị trường trong khu vực đã làm thiệt hại đáng kể cho cổ đông Việt Nam.

Xây dựng quy chế về trả cổ tức

Trong một thông lệ khác, cổ đông tại các nước ASEAN còn có quyền chọn giữa việc cá nhân mình muốn nhận cổ tức tiền mặt hay nhận cổ tức bằng cổ phiếu (hình thức này được gọi là scrip dividend), thay vì phải tuân thủ theo quy tắc đa số tại đại hội. Cổ đông sau khi dự đại hội sẽ có khoảng thời gian khoảng 2 tuần để phản hồi quyết định của mình về việc mình muốn nhận cổ tức bằng cách nào, tiền mặt hay cổ phiếu. Ngay cả trong trường hợp này, khi mà công ty phải chờ cổ đông phản hồi quyết định sau cùng của họ, cổ tức cả hai loại vẫn thanh toán trong vòng tối đa 60 ngày kể từ ngày tổ chức đại hội.

Đơn cử trường hợp công ty TA Corporation LTD của Singapore đề xuất quyền cổ đông chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt cho năm 2017 tại Đại hội đồng cổ đông vào ngày 27/4/2018. Nếu được Đại hội thông qua, công ty dự kiến sẽ hoàn tất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt vào ngày 26/6/2018, tức là chỉ trong vòng có 60 ngày cho hình thức và thủ tục thanh toán cổ tức phức tạp và nhiều bước này.

Trong khi đó ở thị trường Việt Nam, hàng loạt công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 thông qua chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu thì thời gian thực hiện chia cổ phiếu thường ghi dự kiến “trong quý II hoặc III”, tức sau 4 - 5 tháng kể từ đại hội và việc có thể kéo dài sang quý IV của năm là bình thường.

Các vấn đề này cho thấy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa thực hành của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam trong thực hiện chi trả cổ tức so với thông lệ thực hành của các nước trong khu vực. Để hướng đến đảm bảo đúng quyền lợi cho cổ đông, thực thi trách nhiệm với ông chủ của mình, công ty cần cam kết thời điểm chi trả các đợt thanh toán cổ tức bên cạnh số tiền chi trả cổ tức, đồng thời tổ chức đại hội sớm và thanh toán cổ tức sớm cho cổ đông, không chờ đến gần hết hạn 6 tháng sau ngày tổ chức đại hội như luật định.

Trong khi chưa thể đáp ứng được thông lệ tốt của khu vực ASEAN là chi trả cổ tức trong vòng 30 ngày kể từ ngày đại hội đồng cổ đông, công ty cần chú trọng công bố, giải trình về vấn đề này cho cổ đông một cách rõ ràng để tránh bị mất điểm trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng có nhiều thông tin so sánh giữa các doanh nghiệp niêm yết tại các quốc gia khác nhau trong khu vực.

Để có thể giải quyết hợp lý việc chi trả cổ tức chậm hơn so với thông lệ của khu vực ASEAN, doanh nghiệp cần đưa vấn đề ra thảo luận xin ý kiến chấp thuận của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông, nêu rõ tình hình khó khăn hiện tại về dòng tiền, lý do không trả được cổ tức sớm, cũng như cần đề xuất cụ thể một khoảng thời gian thích hợp sau đại hội khi mà hội đồng quản trị sẽ họp xem xét, đánh giá và chốt lại vấn đề chi trả cổ tức, thời điểm chi trả cổ tức.

Ngay cả trong trường hợp này, cổ tức cũng cần được thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ khi có nghị quyết của cuộc họp hội đồng quản trị công bố chi trả cổ tức.

Về dài hạn, xét trên khía cạnh quyền cơ bản của nhà đầu tư, công ty rất cần xây dựng các quy chế về việc trả cổ tức. Ban lãnh đạo gồm hội đồng quản trị, ban điều hành và tổng giám đốc… có trách nhiệm, nghĩa vụ xem xét và cân đối dòng tiền, đảm bảo về thời gian trả cổ tức tạm ứng và cuối kỳ, sau đó đề xuất xin ý kiến của cổ đông tại đại hội. Tóm lại, để cải thiện chất lượng quản trị công ty tại doanh nghiệp đại chúng, trên hết doanh nghiệp cần thể hiện quyết tâm và cam kết hết lòng vì lợi ích, giá trị và quyền lợi cơ bản của cổ đông.

TS. Nguyễn Thu Hiền và ThS. Dương Huyền Phương, Nhóm nghiên cứu Quản trị công ty, MSM MBA, Đại Học Bách Khoa TP.HCM, Thành viên nhóm đánh giá Quản trị công ty khu vực ASEAN

Tin bài liên quan