Top cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất trong tuần 15-22/11: Gọi tên OGC, JVC

Top cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất trong tuần 15-22/11: Gọi tên OGC, JVC

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý 3 đã phản ánh hầu hết vào giá cổ phiếu khiến hàng loạt mã tăng trần liên tục trong tuần qua, đa phần là cổ phiếu thị giá thấp và midcap.

Tuần vừa qua (15-22/11) sàn HoSE có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ vào cuối tuần, Vn-Index bảo toàn được mốc 600 điểm, chốt tuần ở mức 604,5 điểm, giảm 1,11% so với tuần trước.

Thị trường chứng khiến sự tăng điểm của nhóm đầu cơ, trong khi hầu hết các cổ phiếu bluechips bị phân hóa và giao dịch lình xình. Trong phiên giao dịch cuối tuần, hàng loạt các cổ phiếu thị giá thấp như JVC, OGC, có dư mua trần hàng triệu cổ phiếu trong đó OGC dư mua trần 21 triệu cổ phiếu, tăng trần 3 phiên liên tiếp trong tuần qua.

OGC đã tăng liên tục sau khi công bố KQKD quý 3 lãi 1.500 tỷ nhờ giao dịch bán toàn bộ phần vốn tại Blue Star – công ty sở hữu khu đất vành khăn tại dự án Đông nam Trần Duy Hưng. Trong 2 tuần qua, OGC đã tăng 54% từ 2.400 đồng/cp lên 3.700 đồng/cp.

Tuần này, cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất sàn HOSE là DRH của CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước, cổ phiếu này tăng 22% trong tuần qua với cả 5 phiên tăng điểm trong đó có 2 phiên tăng trần. DRH công bố KQKD quý 3 lãi 6,6 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước; 9 tháng lãi hơn 9 tỷ đồng gấp 3 cùng kỳ năm trước.

 Cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất sàn HOSE tuần qua

Cổ phiếu SPM tăng 17,3% trong tuần, mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 của công ty này giảm 75% cùng kỳ năm trước do công ty tạm ngưng sản xuất để bảo trì máy móc thiết bị định kỳ. Cổ phiếu này tăng cả 5 phiên nhưng KLGD mỗi phiên chỉ vài nghìn cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch chỉ quanh 100-200 triệu đồng.

VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex tăng 14,3% trong tuần sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt trội so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý 3 của VMD đạt 23,8 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước trong khi 9 tháng lãi 33,8 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.

JVC, GTN, PJT tăng 13% trong tuần trong đó GTN báo lãi hơn 20 tỷ quý 3, mặc dù là quý có lợi nhuận cao nhất trong năm nhưng so với quý 3 năm trước lợi nhuận GTN giảm 46,8% do năm trước GTN có doanh thu từ hoạt động tài chính đột biến. GTN giai đoạn này tăng mạnh là nhờ dòng vốn nước ngoài, tuần qua khối ngoại mua ròng 137.000 cổ phiếu này.

JVC tăng trần 2 phiên cuối tuần sau khi tổ chức đại hội cổ đông thường niên, với kế hoạch lợi nhuận 2015 chỉ ở mức 17,2 tỷ đồng chỉ bằng 8% thực hiện năm trước.

Các cổ phiếu khác tăng giá mạnh trong tuần có SHI, RDP (tăng 12%), LHG, VPH, HAH, PDR, VIP, TPH (tăng 11%), CTD, LCM, LCG, KSS (tăng hơn 10%).

Về phía giảm giá, KAC giảm sàn 6 phiên liên tiếp, từ 10.100 đồng xuống 6.700 đồng sau khi báo lỗ quý 3, DQC giảm gần 20% trong tuần sau khi công bố lợi nhuận quý 3 chỉ bằng 27% cùng kỳ năm trước.

Các cổ phiếu khác giảm mạnh có DHM, CIG, CCI, DTA, MCG, GCM, VCVCVCVCVCF…

Trên sàn Hà Nội, top các cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần thông thường đều là các cổ phiếu có KLGD rất thấp. SJC tăng 35,9% trong tuần với 4 phiên trần và 1 phiên điều chỉnh ngày thứ 5, tuy nhiên KLGD trung bình 10 phiên của cổ phiếu này chưa đến 2.000 cổ phiếu/phiên và KQKD không quá vượt trội.

 Cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất sàn Hà Nội

MCC tăng 28,3% trong tuần cũng với tình trạng tương tự, cổ phiếu này thường xuyên không có giao dịch và mỗi phiên khớp lệnh 100 cổ phiếu, KLGD trung bình 10 phiên là 40 cổ phiếu/phiên.

HDO, ACM, OCH tăng hơn 25% trong tuần, QHD, SHN, SIC tăng trên 20%, SGH và VNF tăng 17-18%.

Chiều ngược lại, HKB đứng đầu nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn Hà Nội tuần này, mức giảm 25%, các mã khác như SDG, LBE giảm hơn 18%, THT, HAD, NBP, VMS, CTT, HCT, KTS đều giảm từ 10-12%.

Theo các chuyên gia, thị trường tuần tới vẫn là câu chuyện của nhóm cổ phiếu đầu cơ. Margin thị trường vẫn đang ở mức cao cho thấy rủi ro của thị trường ở thời điểm hiện tại là hiện hữu. Câu chuyện sắp tới sẽ là câu chuyện cổ phiếu nào sẽ lọt vào danh mục 2 quỹ ETF trong kỳ review quý 4.

Tin bài liên quan