Top 10 cổ phiếu tăng/giảm tuần qua: Bảo hiểm xuất thần

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm tuần qua: Bảo hiểm xuất thần

(ĐTCK) Tuần cuối cùng của tháng 4, các chỉ số diễn biến lình xình với thanh khoản sụt giảm mạnh. Bên cạnh sức bật mạnh của các cổ phiếu tí hon, điểm nhấn tuần qua là các cổ phiếu ngành bảo hiểm.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 cùng ĐHCĐ thường niên năm 2015 của các doanh nghiệp vẫn là các thông tin chính phân hóa các cổ phiếu trong tuần qua.

Trên sàn HOSE, PGI của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex là cổ phiếu tăng mạnh nhất của tuần. Với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần đã kéo giá cổ phiếu PGI từ 11.300 đồng/Cp lên 13.800 đồng/CP với tổng khối lượng cả tuần đạt 657.310 đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 8,5 tỷ đồng.

Thông tin hỗ trợ tích cực kéo giá cổ phiếu PGI lên cao có thể do tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 vừa qua, Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài để tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, trong đợt phát hành tăng vốn sắp tới, cổ đông chiến lược ngoại của PJICO cần hội tụ đủ các yếu tố của một cổ đông chiến lược thực sự. Bởi nếu chỉ là cổ đông góp phần mang lại thặng dư cổ phần hay lợi nhuận cho Công ty thì đó là chưa đủ, không bền vững.

Trong năm nay, PGI vẫn sẽ tiếp tục chiến lược phát triển hiệu quả, bền vững, không chạy theo doanh thu, chuyển từ cạnh tranh bằng chi phí sang cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Công ty đặt kế hoạch năm 2015 với chỉ tiêu doanh thu bảo hiểm gốc 2.144 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Cổ tức tối thiểu 10%. 

Năm 2014, doanh thu bảo hiểm gốc 2014 của toàn Tổng công ty đạt 2.123 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch và tăng trưởng 7,4% so với năm 2013. Với kết quả trên, PJICO tiếp tục giữ vững vị trí thứ tư trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thị phần chiếm 7,8%. Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 38,5%, giảm 6,43% tương đương giảm khoảng 136 tỷ đồng so với 2013, thấp hơn 2,6% so với tỷ lệ bồi thường bình quân của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam (41%).

Bên cạnh đó, bảng top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HOSE có xuất hiện khá nhiều cổ phiếu tí hon với những “chấm đen” như hủy niêm yết, bị kiểm soát… như DCT của CTCP Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai và NVN của CTCP Nhà Việt Nam là hai cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc vào đầu tháng 5 tới, hay CIG của CTCP Coma 18 đang ở trạng thái cổ phiếu bị kiểm soát.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HOSE

Ngày 24/4

Ngày 17/4

Biến động (%)

PGI

13.8

11.3

22,12

SCD

34

29

17,24

DCT

2.3

2

15

HRC

46.5

42

10,71

CIG

2.2

2

10

CCI

14

12.8

9,38

DAG

15.6

14.4

8,33

TTP

23

21.3

7,98

RDP

20.5

19

7,89

NVN

1.4

1.3

7,69

Ở chiều ngược lại, VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất. Với 4 phiên giảm liên tiếp, trong đó có tới 3 phiên giảm sàn và duy nhất phiên đứng giá vào cuối tuần khiến giá cổ phiếu VNA giảm từ 4.200 đồng/Cp xuống 3.500 đồng/CP, tương ứng giảm 16,67%. Tổng giá trị giao dịch cả tuần của VNA đạt hơn 920 triệu đồng.

Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu VNA sụt giảm mạnh là do báo cáo tài chính quý I/2015 tiếp tục thua lỗ. Cụ thể, giá vốn hàng bán đã ngốn gần hết doanh thu thuần khiến VNA chỉ lãi gộp hơn 775 triệu đồng, giảm mạnh so với con số gần 8,5 tỷ đồng của cùng kỳ. Chính vì lãi gộp quá thấp trong khi các khoản chi phí vẫn cao, đặc biệt chi phí lãi vay lên đến hơn 10 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của VNA âm 17,86 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với mức lỗ của cùng kỳ.

Được biết, ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của công ty sẽ diễn ra vào ngày 08/05 tới. Mới đây, Công ty đã liên tục công bố các quyết định thay đổi nhân sự chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trên HOSE

Ngày 24/4

Ngày 17/4

Biến động (%)

VNA

3.5

4.2

-16,67

KMR

5

6

-16,67

PTC

11.3

13.3

-15,04

KSA

7.6

8.8

-13,64

VTF

27.9

31.5

-11,43

KTB

3.4

3.8

-10,53

EVE

25.1

27.9

-10,04

SMC

8.2

9.1

-9,89

DXG

15.5

17.2

-9,88

KDH

21

23.3

-9,87

Trên sàn HNX, CSC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam là cổ phiếu tăng mạnh nhất khi tăng mạnh 5 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần với thanh khoản cũng tăng. Cụ thể, cả tuần CSC tăng 6.500 đồng/Cp, tương ứng tăng 44,52% với tổng giá trị giao dịch đạt 3,95 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với tuần trước đó.

Trong tuần qua, CSC đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2015 và thông qua kế hoạch kinh doanh của năm với chỉ tiêu doanh thu 263,62 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13,18 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu bảo hiểm, PTI của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện cũng có mức tăng trưởng 20% và đứng ở vị trí thứ 5 của bảng danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần.

Mặc dù những phiên đầu tuần, PTI chỉ lình xình tăng nhẹ nhưng sau khi tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2015, cổ phiếu này đã bứt phá tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015 đã thông qua tại ĐHCĐ, PTI đặt kế hoạch doanh thu 2.105 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 141,5 tỷ đồng nếu có dòng tiền từ nhà đầu tư chiến lược và nếu chưa bao gồm dòng tiền nhà đầu tư chiến lược thì con số này là 89 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HNX

Ngày 24/4

Ngày 17/4

Biến động (%)

CSC

21.1

14.6

44,52

NHP

30

23.3

28,76

INC

6.2

5.1

21,57

VTS

10

8.3

20,48

PTI

18

15

20

SHN

3.8

3.2

18,75

VAT

9.9

8.4

17,86

DC2

3.7

3.2

15,63

SDG

24.2

21

15,24

BTS

12.1

10.6

14,15

Trong khi đó, DST của CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần. Cùng với thanh khoản chỉ lèo tèo 100-200 đơn vị, cổ phiếu DST đã có 4 phiên giảm sàn và duy nhất phiên giữa tuần đứng giá khi không có giao dịch khiến giá cổ phiếu này giảm từ 15.900 đồng/CP xuống còn 10.600 đồng/CP, tương ứng giảm 33,33%.

Được biết,  trong tuần qua HĐQT Công ty đã thông qua phương án phát hành thêm 15,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 9,19:155, giá bán 10.000 đồng/CP. Tổng số tiền thu được dự kiến là 155 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng 4,7 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và mở chi nhánh của Công ty; còn lại 150,3 tỷ đồng sẽ dùng để mua lại phần vốn góp của các thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest.

Hiện DST vẫn chưa có công bố về báo cáo tài chính quý I/2015 nhưng triển vọng ngành không mấy sáng sủa khi có SAP của CTCP In sách giáo khoa tại TP HCM và QST của CTCP Sách và Thiết bị Trường học Quảng Ninh cùng báo lỗ.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trên HNX

Ngày 24/4

Ngày 17/4

Biến động (%)

DST

10.6

15.9

-33,33

KVC

16.3

22.5

-27,56

NDN

13.6

18.6

-26,88

DNC

15.1

20.5

-26,34

KSQ

4.5

6.1

-26,23

ITQ

9.9

13.2

-25

CJC

20.1

25.8

-22,09

SDC

24.3

30

-19

BKC

14.6

18

-18,89

CCM

40.3

49.6

-18,75

Tin bài liên quan