Nhà quản lý cần có sự giám sát chặt hơn chất lượng tư vấn và gắn trách nhiệm của nhà tư vấn với hiện trạng của DN

Nhà quản lý cần có sự giám sát chặt hơn chất lượng tư vấn và gắn trách nhiệm của nhà tư vấn với hiện trạng của DN

Tin vào dự án titan, ATG làm cổ đông khốn khổ

(ĐTCK) Giảm 81% chỉ vài tháng sau khi niêm yết trên sàn TP. HCM từ ngày 22/8/2016, cổ phiếu ATG của CTCP An Trường An rơi từ 12.400 đồng về 1.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/1/2017.

Khi TAG vừa tạo đáy và chớm tăng lên 2.000 đồng/cổ phiếu thì Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông sáng lập Công ty cùng người thân, đã đăng ký bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 21,5% vốn điều lệ, chỉ nhằm giải quyết nhu cầu cá nhân.

Tin vào titan, mất vốn

Niêm yết tháng 8/2016 với giá chốt phiên đầu tiên là 12.400 đồng/cổ phiếu, đà rơi thẳng đứng của TAG được xác lập rõ nét khi kết quả kinh doanh 2016 đã dần lộ diện với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 363 triệu đồng so với kế hoạch 16 tỷ đồng (vốn điều lệ 152 tỷ đồng).

Điều đáng nói là trong 2 - 3 tháng trước khi có cú sốc giảm sàn, giao dịch cổ phiếu này khá mạnh, bình quân 200.000 cổ phiếu/phiên. Như vậy, những nhà đầu tư không kịp thoát hàng khi con tàu TAG lao dốc đã phải chịu thua lỗ nặng nề khi mất đi 81% giá trị đầu tư.

ATG lên sàn được chú ý bởi dù quy mô không lớn, nhưng hoạt động kinh doanh các năm trước tương đối khả quan. Thêm vào đó, ATG thu hút nhà đầu tư bởi đang khai thác mỏ titan tại Hàm Tân (Bình Thuận) với trữ lượng 800.000 tấn/năm.

Trong Bản cáo bạch, lãnh đạo Công ty này cho rằng, việc khai thác và chế biến titan hoàn toàn không có rủi ro vì titan là một loại khoáng sản không thể thay thế được khi ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Theo đó, ATG tự tin mảng kinh doanh này sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty từ năm 2017 đến hết 2030.

Thời điểm công bố bản cáo bạch niêm yết là tháng 8/2016, ATG ghi nhận kết quả 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế hơn 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2016, nhà đầu tư “bật ngửa” khi Công ty cho biết, doanh thu 33 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 363 triệu đồng.

Ban lãnh đạo lý giải, Công ty gặp phải vấn đề cạnh tranh về giá và kiểm soát chi phí chưa hiệu quả, dẫn đến kết quả kinh doanh không đạt. Tại Đại hội đồng cổ đông 2017 hồi tháng 4 vừa qua, ATG đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 3 tỷ đồng.

Trách nhiệm nhà tư vấn

Điểm bất thường là khi ATG từ đáy quay đầu tăng trở lại lên ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu thì cũng là lúc Ban lãnh đạo, cổ đông sáng lập đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiếu. Đây đồng thời cũng là thời điểm hết thời gian hạn chế chuyển nhượng sau khi niêm yết với các cổ đông sáng lập theo quy định.

Theo đó, Chủ tịch Trương Đình Xuân và gia đình đã thoái 50% vốn nắm giữ so với trước khi niêm yết, với tổng cổ phần bán ra 2,59 triệu cổ phiếu.

Chính động thái rút lui của người đứng đầu khiến niềm tin nhà đầu tư vào ATG vơi đi đáng kể. Cổ đông ngao ngán khi giá quanh quẩn mức vài nghìn đồng và tương lai lại rất mờ mịt. 6 tháng đầu năm 2017, ATG có doanh thu đạt 48,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 684 triệu đồng, mong gì cổ tức, giá tăng ở hiệu quả này?

Thua lỗ lớn, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi đơn vị nào đã tư vấn cho ATG lên sàn và pháp luật có quy định trách nhiệm gì của nhà tư vấn khi thực tế kinh doanh của DN khác xa so với những dự báo trong Bản cáo bạch? Đơn vị tư vấn niêm yết của ATG là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS).

Tại Bản cáo bạch, SBS đưa ra 3 phương pháp để định giá cổ phiếu ATG bao gồm phương pháp giá trị sổ sách và phương pháp P/E P/B trung bình của một số công ty cùng nhóm ngành công nghiệp.

Điều đáng nói là, thời điểm công bố bản cáo bạch chỉ trước ngày chào sàn 4 ngày, tức ngày 19/8/2016. Theo quy định công bố thông tin, thời điểm này ATG đã có báo cáo tài chính quý II/2016.

Trong giải trình về phương pháp định giá, SBS đưa ra định giá dựa trên giá trị sổ sách, phương pháp so sánh P/E và P/B trung bình ngành đều lấy tại thời điểm 31/12/2015, trong khi thời điểm niêm yết, định giá đáng lẽ  phải được cập nhật vào thời điểm gần nhất mà doanh nghiệp công bố, tức là ngày 30/6/2016.

Nhà đầu tư Nguyễn Minh Long cho rằng, sự thông đồng, kém minh bạch giữa DN và nhà tư vấn như cây kim trong bọc, sau một thời gian sẽ lòi ra. Cổ đông của các DN loại này không biết làm thế nào ngoài việc trách lãnh đạo DN “hứa cuội”. 

Tuy nhiên, nhà quản lý cần có sự giám sát chặt hơn với chất lượng tư vấn và cần gắn trách nhiệm của nhà tư vấn với hiện trạng hoạt động của DN sau khi lên sàn, để nhà đầu tư bớt khổ vì… trót tin.           

Tin bài liên quan