Tìm lời giải cho bài toán phát triển xanh

Tìm lời giải cho bài toán phát triển xanh

(ĐTCK) Tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm xanh ở Việt Nam là rất lớn, nhưng tại sao doanh nghiệp không đầu tư nhiều như kỳ vọng? Đó là một trong nhiều câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tạp chí Kinh tế và Dự báo) tổ chức. Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số ý kiến về cơ hội phát triển xanh, cân bằng giữa tăng trưởng và trách nhiệm của doanh nghiệp. 

Phát triển xanh: Nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm xanh ở Việt Nam là rất lớn, nhưng tại sao doanh nghiệp không đầu tư nhiều như kỳ vọng?

Có 3 nguyên nhân chính cho thực tế này. Thứ nhất, do nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể sâu rộng ở các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người
tiêu dùng.

Thứ hai là do thể chế. Có rất nhiều luật nói về hỗ trợ cho phát triển xanh, tuy nhiên chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương và còn mang tính đơn ngành, chưa có sự phối hợp. Bên cạnh đó, chính sách ban hành thường đi sau thực tế, nhiều chính sách chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.

Thứ ba là thiếu nguồn lực. Cơ chế chính sách không thiếu và có sự ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển xanh, nhưng điều này chỉ mang tính xúc tác, chuyển giao công nghệ và đào tạo để giúp khu vực tư nhân, chứ không thể thay thế cho đầu tư tư nhân.

Doanh nghiệp cần cùng với Nhà nước giải quyết vấn đề an sinh xã hội

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Theo số liệu thống kê, nước ta có hơn 612.000 doanh nghiệp đang tham gia thị trường có đăng ký và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 54,88 triệu người.

Số người lao động đang làm việc ước tính 53,52 triệu người gồm 21,64 triệu người làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 13,7 triệu người, chiếm 25,6%; khu vực dịch vụ là 18,18 triệu người, chiếm 34%. Trong quý I/2018, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi khoảng 2,2%.

Trong bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra là hệ thống doanh nghiệp đã và đang có vai trò, trách nhiệm như thế nào để cùng với Nhà nước và cộng đồng giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

Số liệu khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây tại 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó có an sinh xã hội, mà doanh thu của các doanh nghiệp này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 triệu đồng/lao động/năm lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao…

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là ở khu vực tư nhân, việc chủ động quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội vẫn là điều lạ lẫm đối với không ít doanh nghiệp. Điều này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: nhận thức hoặc khó khăn về tài chính của bản thân các doanh nghiệp.

55% người dùng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội

Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Tài trợ VinaCapital (VinaCapital Foundation)

Có 2 lý do xác đáng và cơ bản cho việc các doanh nghiệp cần hỗ trợ các hoạt động xã hội, thúc đẩy cơ hội để phát triển thương hiệu bên trong và bên ngoài cho công ty. Đầu tiên là giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Giúp đỡ người khác là một phần trong trách nhiệm của một công dân tốt. Đã là doanh nghiệp thì cần những trách nhiệm như vậy để tạo ra một xã hội lớn mạnh.

Thêm một lý do nữa là có nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, 55% người dùng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. 65% các công ty trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất cũng đã kết nối các hoạt động quyên góp của người lao động với các hoạt động nhân đạo, 93% các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới công bố báo cáo về các hoạt động dân sự hàng năm của mình.

Đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, các hoạt động này sẽ đem lại sự giảm thiểu đói nghèo, tăng cường sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Xây dựng được tầng lớp trung lưu sẽ giúp phát triển mặt bằng kinh tế, tăng cường cải thiện nguồn vốn con người, là chìa khóa tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội dân sự góp phần đẩy nhanh hơn quá trình này.

70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận Xanh Việt Nam

Ông Trần Nhật Tân, Phó trưởng phòng Nghiên cứu, Trung tâm Thông tin Vbiz

Theo một kết quả khảo sát nhanh cuối năm 2017, có sự chuyển dịch lớn trong bức tranh về tiêu dùng xanh.

Những người tiêu dùng xanh có 50% thuộc thế hệ Millenials (sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000), họ quan tâm các yếu tố về môi trường và 80% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sử dụng các sản phẩm sạch, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đáng chú ý khi 70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận Xanh Việt Nam, hơn 51% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu và 62% doanh nghiệp không sẵn lòng cho đầu tư sản phẩm xanh.

Lý do, 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm xanh, trong khi chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất sản phẩm xanh rất cao, thiếu công nghệ và nhân lực. Ngoài ra, Chính phủ chỉ mới khuyến khích tiêu dùng sản phẩm sạch và xanh, chưa có chính sách cụ thể cho doanh nghiệp.

Thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại năng suất, năng lực cạnh tranh…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và  Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Gần 20 năm trước, khi VCCI cùng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức sự kiện trao đổi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hầu như không doanh nghiệp nào quan tâm vì họ cho rằng, đây không phải là việc của doanh nghiệp. Việc của doanh nghiệp là sản xuất - kinh doanh, tạo ra việc làm và lợi nhuận. Quan niệm đó không sai, nhưng nhìn với tầm nhìn dài hạn thì lại không hẳn đúng.

Về nguyên nhân dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, thứ nhất là nhận thức về vai trò của doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội còn hạn chế, trong khi đa số doanh nghiệp ở Việt Nam là nhỏ và vừa. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức trách nhiệm xã hội chính là năng suất, là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, là hình thức phát triển bền vững, mà vẫn coi đó là chi phí. Nguyên nhân thứ hai là nguồn lực của doanh nghiệp còn thiếu.

Thương hiệu xanh là vũ khí chiến lược

Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Go Green (xanh hóa) đang là xu hướng mang tính tất yếu của cả thế giới. Về xu hướng xanh, rõ ràng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã làm khá lâu như Mc Donnal, Coca-Cola…

Ở Việt Nam, có vẻ nhiều doanh nghiệp cũng khá nhanh nhạy với xu hướng này, trước hết là về mặt hình ảnh thương hiệu (nhiều doanh nghiệp đã chuyển nhận diện thương hiệu sang màu xanh).

Một thương hiệu xanh phải kết nối với việc bảo vệ môi trường và gắn với thực tiễn kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, đảm bảo đúng sự phát triển vĩ mô của nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần sử dụng thương hiệu xanh là vũ khí chiến lược để cạnh tranh tốt hơn, khác biệt hơn.

Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng được một thương hiệu xanh? Chúng tôi đề xuất mô hình 6G: Green Design (thiết kế xanh), Green Positioning (chiến lược định vị xanh), Green Pricing (chiến lược giá xanh), Green Logistics (chiến lược logistics xanh), Green Promotion (chiến lược quảng bá xanh), Green Alliance (liên minh xanh).

Chúng ta, những người tiêu dùng thông thái nên làm gì đó để biến trái đất thành một nơi tốt hơn để sống. Và việc có ích đầu tiên là nên bắt đầu mua các sản phẩm có thương hiệu xanh. 

Tin bài liên quan