Tiếp tục nỗ lực gọi vốn Nhật vào Việt Nam

Tiếp tục nỗ lực gọi vốn Nhật vào Việt Nam

(ĐTCK) Tiếp nối những nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác giữa 2 nền kinh tế mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khởi tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 21-23/8 tới.

Đánh thức “giấc mơ” Việt Nam

Tháng 6/2017, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị tương lai châu Á và chia sẻ một bài phát biểu quan trọng.

Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn thường nghe về “Giấc mơ Mỹ”, hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng trên các phương diện truyền thông, “Giấc mơ Việt Nam” lại ít được biết đến.

Với quy mô gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng GDP trên 6% được duy trì trong suốt 30 năm qua, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn, có sức mua ngày càng lớn. Việt Nam cũng là nước có kết nối di động cao, với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh.

Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu, nắm bắt nhanh chóng những thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp trong chiến lược phát triển giai đoạn tới.

Trong mong muốn đánh thức “giấc mơ Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ cảm nhận về sự thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản khi chỉ sau 2 thập niên, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, là quốc gia châu Á duy nhất trong khối G7.

Không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, Nhật Bản còn là tấm gương về văn hóa, kỷ luật, kiên nhẫn. Trong quan hệ với Việt Nam, Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Tiếp tục nỗ lực gọi vốn Nhật vào Việt Nam ảnh 1

 Tháng 7/2014, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện một chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư gián tiếp Nhật Bản vào Việt Nam

Trong chuyến thăm đất nước Mặt Trời Mọc này, Thủ tướng đã mạnh mẽ truyền tải một mong muốn: đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến để cùng hợp tác tạo ra giá trị mới, bởi tiềm năng hợp tác còn rất lớn, trong bối cảnh Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Nhật Bản hiện có hơn 3.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong lĩnh vực đầu tư gián tiếp, vốn Nhật Bản đã tìm đến nhiều DN Việt Nam, như Vinamilk, Dược Hậu Giang, SSI, Fecon, Imexpharm, Vietnam Airlines, FPT…

Với quyết tâm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2017-2018, nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư chuyên nghiệp rót vốn vào DN Việt Nam đang rất lớn. Cùng với đó, rất nhiều DN niêm yết trên TTCK Việt Nam mong muốn được kết nối với các nhà đầu tư quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, nâng tầm.

Tiếp nối nỗ lực gọi vốn Nhật vào Việt Nam

Tiếp nối những nỗ lực xúc tiến đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 21-23/8 tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Nhật Bản.

Chuyến công tác nhằm triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính, đồng thời khai thác thế mạnh và tiềm năng hợp tác với các cơ quan quản lý tài chính và cơ quan hợp tác phát triển của Nhật Bản.

Theo dự kiến, lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán và nhiều DN Việt Nam sẽ cùng chia sẻ thông tin, thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là thu hút các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư các nhà đầu tư chuyên nghiệp từ Nhật Bản tham gia đầu tư sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam.

Tháng 7/2014, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã thực hiện một chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, mà ông gọi vui là “đi tìm vị hôn thê” cho DN Việt Nam.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện quy mô đầu tư của khối ngoại trên TTCK Việt Nam vào khoảng 24 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 17 tỷ USD của năm 2014. Trong các dòng vốn ngoại, dòng vốn đầu tư đến từ Nhật Bản được đánh giá là rất kỹ tính, nhưng tính bền vững trong đầu tư cao hơn.

Tại thời điểm đó, nhiều tổ chức đầu tư lớn như Daiwa,  SBI Holding, Sumitomo Mitsui Asset Manegment Co., Sumitomo life Insurance Company, The TOA Institution, Misubishi Corporation, Knowledge Company, Mizuho Bank, Recof Cororation, Normura Securities, Resona Bank, JP Morgan Securities, Aizawa Securities… đã trực tiếp tìm cơ hội đầu tư với các DN Việt Nam và nhiều trong số các đối tác này đang có những hoạt động rót vốn cụ thể trên TTCK, thị trường tài chính, góp sức xây nên những DN tầm cỡ trong “giấc mơ Việt Nam”.

Tin bài liên quan