Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tặng quà cho Tổ chức Finra, Tổ chức giữ gìn sự liêm chính trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong chuyến xúc tiến đầu tư tại New York, tháng 7/2015

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tặng quà cho Tổ chức Finra, Tổ chức giữ gìn sự liêm chính trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong chuyến xúc tiến đầu tư tại New York, tháng 7/2015

Tiếp nối ý tưởng, gọi vốn chiến lược vào Việt Nam

(ĐTCK) Năm 2017, Việt Nam phải hoàn thành cổ phần hóa 44 DNNN; năm 2018 là 64 DNNN và năm 2019 là 18 DNNN. Cùng với đó, hàng trăm DN đang cần thoái vốn Nhà nước và nhiều DN niêm yết đang cần tìm đối tác chiến lược xứng tầm. 

Chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại Nhật Bản tuần tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, điều ông mong nhất là mang câu chuyện Việt Nam đến với nhà đầu tư Nhật Bản, củng cố niềm tin và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các DN hai quốc gia. 

Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết những thông số chính về dòng vốn ngoại nói chung, vốn Nhật Bản nói riêng trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay? Lý do nào khiến Bộ Tài chính quyết định chọn thị trường Nhật Bản để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017, thưa ông?

Với quyết tâm cổ phần hóa DNNN của Chính phủ và gắn cổ phần hóa với việc đưa DN lên sàn, kể từ đầu năm 2017 đến nay, quy mô TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, kèm theo đó là sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại nói chung, vốn đầu tư từ Nhật Bản nói riêng cũng tăng mạnh.

Tính đến nay, thị trường có hơn 1.900 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở, vốn hóa thị trường đạt khoảng 115 tỷ USD, tương đương 57,1% GDP, mức cao nhất từ khi thành lập TTCK Việt Nam. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục vào ròng đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay.

Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 7/2017 tăng 28% so với cuối năm 2016. Trong tổng số 1,81 triệu tài khoản nhà đầu tư có đến hơn 21,7 nghìn tài khoản nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 33% số tài khoản đến từ Nhật Bản.

Ông Đinh Tiến Dũng 

Trên thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 2 tỷ USD (tăng 20,77%), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 851 triệu USD, các doanh nghiệp nhân thọ đạt 1,24 tỷ USD. Thị trường bảo hiểm Việt Nam mặc dù tăng trưởng cao, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, trong khi các nghiệp vụ trên thị trường này đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài

Bộ Tài chính quyết định chọn Nhật Bản thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính 2017 nhằm tiếp nối những nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản chọn đầu tư vào Việt Nam, sau chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 6/2017.

Thực tế, sau gần 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ và ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Người Nhật làm ăn chắc chắn, lâu bền. Văn hóa Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.

Trên nền tảng này, Bộ Tài chính mong muốn thúc đẩy những ý tưởng, nỗ lực và những dự án hợp tác mới, gắn kết hiệu quả hơn hoạt động của các chủ thể trên thị trường tài chính hai quốc gia.

Năm 2014, Bộ trưởng đã chủ trì Đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Thực tế, nhiều DN lớn Việt Nam đã tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài như Vietnam Airlines, Petrolimex, Tập đoàn Bảo Việt, SSI, FPT… Chia sẻ với nhà đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng sẽ nói gì với họ về hiệu quả đầu tư vào Việt Nam?

Việc mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam trước hết xuất phát từ những lợi thế riêng có của nền kinh tế Việt Nam, môi trường đầu tư và những cam kết của Chính phủ tạo cơ hội cho các dòng vốn chuyên nghiệp, muốn đầu tư ổn định và lâu dài đến và ở lại Việt Nam.

Chẳng hạn, quy mô dân số Việt Nam đang tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% là người dưới 35 tuổi, Việt Nam có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh.

Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển.

Về hiệu quả đầu tư, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố một báo cáo gần đây cho thấy, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.

90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu; 63% các doanh nghiệp Nhật Bản đã có lãi trong năm 2016 và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Những thông số này cũng đồng thời cho thấy, nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng vào thị trường Việt Nam, chỉ cần chúng ta mang đến cho họ những cơ hội tốt và phù hợp, chắc chắn dòng vốn Nhật Bản sẽ tiếp tục chọn điểm đến là Việt Nam. Nếu các bạn quyết tâm đầu tư vào Việt Nam, các bạn sẽ thành công và chúng tôi không để các bạn phải thất vọng.

Cơ hội tốt và phù hợp của năm 2017 mà Đoàn xúc tiến đầu tư Việt Nam lần này mang đến với nhà đầu tư Nhật Bản là gì, thưa Bộ trưởng?

Đó là cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, vì như tôi vừa nói, đây là thị trường đang có sức tăng trưởng mạnh mẽ và còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ kiên quyết cổ phần hóa nhiều tổng công ty và DN lớn, thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN lớn trong giai đoạn tới như Sabeco, Habeco, Vinamik, CTCP Hạ tầng và bất động sản Việt Nam, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu Niên Tiền phong, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam..., đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là nhà đầu tư có thể mang đến cho DN Việt Nam không chỉ là tài chính, mà còn kinh nghiệm quản trị, điều hành, thị trường và khả năng phát triển như các nhà đầu tư Nhật Bản.

Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục những nỗ lực cải tiến chính sách, đặc biệt là xây dựng Nghị định mới về cổ phần hóa DNNN và dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ mới, để nhà đầu tư chuyên nghiệp thuận lợi hơn trong việc tham gia làm cổ đông chiến lược trong các DN Việt Nam, kể cả DN mà Nhà nước thoái vốn hay DN tư nhân, tìm được đối tác xứng tầm. Hơn nữa, thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam đã được thành lập, đây cũng là cơ hội đầu tư của các bạn và chúng tôi cũng cần kinh nghiệm của các bạn để phát triển thị trường này.

Được biết, có gần 100 tổ chức lớn như Tập đoàn Nikkei, Tập đoàn các Hãng tư vấn Tokyo, Ngân hàng Shizuoka, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank, Công ty quản lý tài sản Meiji Yasuda, Công ty chứng khoán Naito, Công ty quản lý tài sản Daiwa, Tập đoàn năng lượng JXTG Energy, Tập đoàn Hitachi, Ngân hàng Aozora… đã đăng ký tham dự sự kiện Xúc tiến đầu tư tài chính vào Việt Nam ngày 21/8 tới tại Nhật. Bộ trưởng sẽ mang thông điệp gì từ Chính phủ đến chia sẻ với nhà đầu tư tại sự kiện này?

Chính phủ Việt Nam kiên định phát triển nền kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam sẽ tập trung vào cải cách cơ cấu, đảm bảo bền vững môi trường, bình đẳng xã hội, cũng như các vấn đề mới phát sinh trong quá trình ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam kiên định chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế.

Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, phát triển bền vững, ổn định. Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và tham gia sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Tài chính mong rằng, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Nhật Bản đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.

Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy những ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế cũng như đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Tin bài liên quan