“Nhiệm vụ còn rất nặng nề”
Đó là đánh giá của Bộ Tài chính về nhiệm vụ tái cơ cấu, mà trọng tâm là cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2015. Tính chất nặng nề này thể hiện qua thực tế 25% thời gian của kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015 đã trôi qua, nhưng cả nước mới cổ phần hóa được 38 doanh nghiệp sau 6 tháng đầu năm 2014. Con số này gần như không thay đổi sau khi thêm một tháng nữa trôi qua.
Trong tháng 7 vừa qua, trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) diễn ra 4 phiên bán đấu giá cổ phần doanh nghiệp, nhưng không có doanh nghiệp nào được đưa ra bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Diễn biến này cũng không phải là ngoại lệ trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE).
Với sự chậm trễ trên, mục tiêu cuối quý IV/2014 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa 159 doanh nghiệp mà Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đặt ra đang đối mặt với nhiều thách thức. Điều này đe dọa đến nỗ lực cổ phần hóa xong khoảng 200 doanh nghiệp trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, hàng loạt địa chỉ cổ phần hóa chậm như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Y tế, TP. HCM, Hà Nội... đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ như là một trong những nỗ lực để sớm chấm dứt tình trạng cổ phần hóa chậm trong thời gian tới. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp cũng đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhằm đốc thúc tình trạng cổ phần hóa chậm trễ.
Nỗi lo thêm lớn
Trong bối cảnh chưa có thêm doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, khi thời gian càng trôi nhanh hơn về thời điểm cuối năm nay, mối lo về hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2015 thêm lớn dần.
Công bằng đánh giá, 7 tháng đầu năm nay, cổ phần hóa đạt kết quả đáng khích lệ so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, so với kế hoạch cổ phần hóa đầy thách thức đặt ra cho đến hết năm tới, thì tiến độ cổ phần hóa đang diễn ra chậm đến mức báo động. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Dưới góc nhìn cung cầu trên thị trường, cả bên bán là doanh nghiệp cổ phần hóa và bên mua là công chúng đầu tư trong và ngoài nước đều chỉ ra một trong những lý do quan trọng nhất là cung - cầu đang khó gặp nhau.
Chính tình trạng khó bán cổ phiếu IPO đã tác động tiêu cực đến nỗ lực khắc phục tình trạng chậm cổ phần hóa. Trong số trên dưới 40 DN được IPO tính từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN chỉ bán được lượng cổ phiếu ít ỏi. Ngay cả các doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá là mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn khi IPO cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Nhà đầu tư không mấy quan tâm tới các đợt IPO.
Nhìn lại chặng đường cổ phần hóa kéo dài hàng chục năm qua cho thấy, cổ phần hóa 432 DN là một kế hoạch đặc biệt của Chính phủ, nên cần có những giải pháp đặc biệt tương xứng, để kế hoạch này không chỉ về đích đúng hạn định, mà còn có chất lượng, chứ không phải là việc “đổi tên” DNNN sang hình thức công ty cổ phần. Thế nhưng, kể từ khi kế hoạch cổ phần hóa đặc biệt trên được đưa ra, đến nay vẫn chưa có các giải pháp đặt biệt tương xứng được triển khai.
Hiện đang có sự mất cân đối giữa chính sách thúc đẩy tăng lượng cổ phiếu đưa ra IPO và tăng sức cầu hấp thụ lượng cổ phiếu này. Các chính sách hiện tại mới tập trung vào mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa, qua đó trực tiếp tăng nguồn cung, trong khi thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng sức cầu cho thị trường để có thể hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu IPO tăng đột biến trong thời gian ngắn. Việc sớm có lời giải cho sự mất cân đối này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy cổ phần hóa thời gian tới, không chỉ về lượng, mà cả về chất.
Kỳ 2: Ông lớn cũng gặp khó