Thuế chứng khoán: Gỡ mãi vẫn vậy?

Thuế chứng khoán: Gỡ mãi vẫn vậy?

(ĐTCK) Trong gói hỗ trợ về thuế mà Bộ Tài chính trình Chính phủ thảo luận mới đây có đề cập đến biện pháp gỡ khó cho chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng theo các thành viên thị trường, như vậy là chưa đủ.

Làm rõ một phần những gì chưa rõ

Trong gói giải pháp về thuế của Bộ Tài chính, đã được các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2014, Bộ đề xuất cho phép cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn phương pháp tính thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết toán; hoặc nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế...

Thực ra, đề xuất trên không có gì khác biệt so với quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo cảm nhận của các thành viên thị trường, giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra với mục tiêu giải quyết bất cập về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán là không rõ, nếu không muốn nói là mơ hồ. Bởi thông thường, khi đề xuất giải pháp hỗ trợ về thuế, thì hoặc là giãn, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, hoặc giảm thủ tục hành chính mà người nộp thuế phải tuân thủ. Thế nhưng, cả hai yếu tố này không rõ trong giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất.

Trao đổi với ĐTCK khi vừa đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) từ đầu tháng 8 này, ông Phạm Đình Thi cho hay, đúng là Luật Thuế TNCN sửa đổi và các văn bản hướng dẫn liên quan đều thể hiện NĐT cá nhân được chọn một trong hai hình thức nộp thuế kể trên, nhưng không quy định rõ ràng trong trường hợp nào, NĐT cá nhân được lựa chọn hình thức quyết toán thuế. Chính vì hạn chế này, nên trong thực tiễn quyết toán thuế, cơ quan thuế có phần tùy tiện, thậm chí gây khó cho người nộp thuế. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời góp phần cải thiện tính minh bạch của chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ giải pháp nêu trên. Do nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, mà không phải đợi Quốc hội xem xét quyết định, nên sẽ được áp dụng từ năm sau.

Với hình thức tháo gỡ trên, Bộ Tài chính mới tạm làm rõ một phần những gì chưa rõ về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán. Vẫn còn những bất cập khác đang chờ Bộ Tài chính giải quyết triệt để hơn.

Chờ thêm cải cách

“Không thể chấp nhận” là cụm từ được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần sử dụng trong cuộc làm việc với ban lãnh đạo Tổng cục thuế mới đây, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để lưu ý tình trạng còn nhiều yếu kém đang tồn tại trong công tác quản lý, thu thuế, dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá trên của người đứng đầu Chính phủ cũng là cảm nhận của nhiều NĐT cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán, bởi sự bất cập của quy định, cũng như cách thức quản lý, thu thuế, mà họ đang đối mặt với phiền toái. Cụ thể, theo quy định hiện hành, bất kể NĐT chọn hình thức nộp thuế theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, hoặc theo mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thì khi bán chứng khoán, CTCK đã khấu trừ thuế của NĐT theo phương thức 0,1% dù giao dịch lỗ hay lãi. Trong khi thủ tục quyết toán thuế hiện không rõ ràng, khả thi, nên thay vì rất muốn quyết toán thuế để thực hiện đúng đạo lý của nghiệp vụ thuế là lãi thì nộp thuế, còn lỗ thì được hoàn thuế, NĐT đành “ngậm đắng nuốt cay” nộp thuế ngay cả khi đầu tư thua lỗ.

Liên quan đến bất cập trên, ông Thi cho biết, sắp tới, nằm trong nỗ lực cắt mạnh thủ tục hành chính thuế, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tập trung rà soát hệ thống quy định về thuế, trong đó có các quy định điều chỉnh đối với lĩnh vực chứng khoán. Trên cơ sở đó, đối với các quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho người nộp thuế, thì sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chi tiết, minh bạch, đồng thời cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính.

Chừng nào cơ quan thuế vẫn còn đẩy khó cho người nộp thuế như với NĐT cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán, thì hẳn Tổng cục Thuế sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể làm hài lòng người nộp thuế như Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế” vừa được Tổng cục Thuế xây dựng, triển khai.

Tin bài liên quan