Anh Hoàng Minh, nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phản ánh, trong khi cổ tức bằng tiền mặt bị doanh nghiệp khấu trừ luôn 5% trước khi trả cho nhà đầu tư thì với cổ tức bằng cổ phiếu, quy định hiện hành có thể tạo ra kẽ hở thất thu lớn.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 10, Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn như sau: Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.
Tại Khoản 9, Điều 26, Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế, quyết toán thuế, cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp, cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn.
Nhà đầu tư cá nhân phải khai thuế theo mẫu (tờ khai số 24/KK-TNCN). Nơi nộp hồ sơ khai thuế là cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp phát hành chứng khoán hoặc quản lý doanh nghiệp có vốn góp. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phiếu. Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Hướng dẫn tại Công văn số 4973/TCT- TNCN ngày 27/10/2017 của Tổng cục Thuế cho biết, công ty chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán theo quy định. Đối với cá nhân, thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn với thuế suất 5%.
Hơn 5 năm đầu tư trên sàn chứng khoán, anh Minh cho biết chưa thấy một nhà đầu tư cá nhân nào tự đi kê khai và nộp thuế thu nhập đối với phần cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhưng nhà đầu tư Anh Thơ lại cho rằng, với quy định của cơ quan thuế không khác nào đánh đố nhà đầu tư và dù có muốn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cũng rất khó. Chẳng hạn, nhà đầu tư ở Hà Nội, nhưng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lại là VNM hay GAS ở TP.HCM hoặc nhà đầu tư ở Bình Dương mua cổ phần của Vietjet hoặc Vingroup có trụ sở ở Hà Nội, làm cách nào để họ kê khai thuế cho cơ quan quản lý thuế của doanh nghiệp phát hành. Mà nếu có, thậm chí họ cũng khó có thể biết hoặc tìm hiểu được đâu là cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phát hành.
Với nhiều nhà đầu tư, họ thậm chí còn không quan tâm đến việc trong tài khoản của mình có bao nhiêu cổ phiếu được chia cổ tức và bao nhiêu cổ phiếu mua trên sàn. Nói gì đến việc bán cổ phiếu xong họ phải đi kê khai nộp thuế.
Cũng vì thực tế như trên mà nhiều công ty chứng khoán đã liên tục có công văn hỏi cơ quan thuế về cách thu đối với thu nhập từ cổ tức bằng cổ phiếu vì e ngại bị liên đới truy cứu trách nhiệm, trong trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán không nộp thuế. Gần đây nhất, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp đã có văn bản hỏi lại về vấn đề này.
Từ sự việc này, câu hỏi đặt ra là, với các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, khi họ đầu tư hàng triệu cổ phiếu trong hàng chục năm trời, số lượng cổ tức được chia bằng cổ phiếu ở một số doanh nghiệp là rất lớn, liệu nhà nước có thu được tiền thuế này không khi họ chuyển nhượng chứng khoán và rút tiền đầu tư khỏi Việt Nam?
Còn với các nhà đầu tư trong nước, nếu Nhà nước không thu được thuế từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, sẽ là sự bất công bằng rất lớn khi nhà đầu tư bị khấu trừ 5% thuế khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng “tiền tươi”. Đó là chưa kể việc khoản thu nhập này bị đánh chồng thuế vì tiền trả cổ tức cho cổ đông là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh kỹ thuật với tỷ lệ tương ứng.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục phản ánh những vấn đề liên quan đến câu chuyện đánh thuế với cổ tức bằng cổ phiếu.