Thúc Sabeco, Habeco lên sàn: Việc không thể trì hoãn

Thúc Sabeco, Habeco lên sàn: Việc không thể trì hoãn

(ĐTCK) Câu chuyện trì hoãn việc lên sàn sau 8 năm cổ phần hóa của hai đại gia ngành bia là Sabeco và Habeco đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi hàng loạt thông tin được công bố gần đây cho thấy, có rất nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản trị tại hai doanh nghiệp này.

Cổ phần hóa 8 năm vẫn chây ỳ đại chúng hóa, lên sàn

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mới đây tại danh sách dự kiến DN và vốn nhà nước tại DN chuyển giao cho Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước làm đại diện chủ sở hữu nhà nước (theo dự thảo Nghị định về thành lập Ủy ban Quản lý giám sát vốn nhà nước đang được lấy ý kiến các Bộ ngành) một lần nữa khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về 2 DN này.

Theo thông tin công bố, Sabeco và Habeco tuy đã cổ phần hoá được 8 năm, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước vẫn rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Sabeco lên tới gần 90%, trong khi Habeco là xấp xỉ 82%. Mặc dù đã bị công luận và gần đây nhất là Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhiều lần chất vấn về việc chậm thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán, song hai DN này vẫn yên vị trong “vòng tay êm ấm” của Bộ Công thương và đưa ra nhiều lý do khó có thể chấp nhận.

Theo tính toán của VAFI, nếu áp dụng hình thức đấu giá công khai tại sở giao dịch chứng khoán để bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo phương thức đấu giá một lần, để các nhà đầu tư lớn có tiềm năng công khai tham gia đấu giá thì số tiền thu về được ngay ước tính ít nhất là trên 3 tỷ USD, thừa đủ để xây mới hoàn toàn tuyến đường sắt số 3, số 4 tại  Hà Nội, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kinh tế Thủ đô phát triển và giải quyết vấn đề giao thông công cộng cho xã hội.

Hồi giữa tháng 5/2016, lãnh đạo Sabeco cho biết, Tổng công ty đã trình Bộ Công thương và bộ này với tư cách là cơ quan chủ quản đã trình Chính phủ phương án bán một lần duy nhất khoảng 53% vốn Nhà nước sở hữu, theo đó, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Sabeco từ 90% vốn điều lệ xuống còn 36%. Cho đến nay, thị trường chưa có thêm thông tin về kế hoạch thoái vốn Nhà nước cũng như phương án lên sàn của Sabeco.

Lý do chậm lên sàn được lãnh đạo Sabeco và ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng thường trực Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, Bộ Công thương, nguyên là Chủ tịch HĐQT Sabeco nhiều lần đưa ra vẫn là… “chưa đủ điều kiện để niêm yết và lộ trình thoái vốn vẫn phụ thuộc vào Chính phủ” hay “cân nhắc việc bán cổ phần nhà nước vì lợi ích của DN”. 

… và nhiều tồn tại trong quản trị DN

Những mổ xẻ của dư luận gần đây xung quanh việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo tại Sabeco liên quan đến Bộ Công thương, với tư cách là đại diện cơ quan chủ quản nhà nước như việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng) cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản trị DN của Sabeco.

Lỗ hổng này đã được VAFI thẳng thắn chỉ rõ, việc trì hoãn niêm yết và chuyển giao vốn nhà nước về SCIC đã tạo điều kiện cho Sabeco, vốn được sự che chắn của lãnh đạo Bộ Công thương đã tùy tiện bổ nhiệm nhân sự và thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý cổ phần nhà nước.

Với Habeco, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2015 của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội mới đây cho thấy nhiều tồn tại trong công tác quản trị. Theo đó, mặc dù kinh doanh có lãi với lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt 927,13 tỷ đồng, song Habeco bị liệt vào danh sách các tổng công ty nhà nước quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định. Trong đó, DN thành viên của Habeco là CTCP Đầu tư phát triển công nghệ bia – rượu – nước giải khát Hà Nội đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Không chỉ có vậy, Habeco nằm trong số các tổng công ty nhà nước có công ty thành viên hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ, cho thấy hoạt động đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. CTCP Bia Habeco Hải Phòng, một công ty thành viên khác của Habeco cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Đặc biệt, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định, Habeco chưa ban hành quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính, thể hiện công tác giám sát tại DN còn hạn chế. Báo cáo cho thấy, còn nhiều tồn tại trong công tác quản trị DN, mà nếu cứ duy trì phương thức điều hành theo cơ chế Nhà nước nắm giữ phần lớn vốn như hiện nay có thể dẫn đến hệ quả làm tổn hại tới lợi ích của Nhà nước, khi DN không có sự bứt phá, thậm chí thụt lùi.

Theo VAFI, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm sau 8 năm cổ phần hóa dù có tiềm năng phát triển rất lớn, hai “ông lớn” ngành bia - rượu – nước giải khát đã bị Vinamilk vượt lên rất xa về hiệu quả kinh doanh, dù trước khi cổ phần hóa Sabeco có quy mô doanh thu và lợi nhuận lớn hơn rất nhiều Vinamilk. 

Cần lực đẩy đủ mạnh để đại chúng hóa Sabeco, Habeco          

Từ câu chuyện của Sabeco, Habeco, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, những DN sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối là “cổ phần hóa nửa vời”, chưa đúng hướng, bởi dù đã cổ phần hóa song DN chưa có sự thay đổi đáng kể nào về quản trị DN.

Trong khi tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn duy trì ở mức rất cao tới trên 80 - 90% như tại Habeco và Sabeco thì thực tế, việc  bổ nhiệm Hội đồng quản trị và lãnh đạo của các DN chủ yếu vẫn theo cơ chế các công chức có quyền, lợi ích gắn với bộ máy điều hành hoặc kiêm nhiệm các vị trí điều hành doanh nghiệp. Những người này có thừa lợi ích cá nhân trong bộ máy điều hành, song phần lớn lại thiếu kinh nghiệm và năng lực điều hành kinh doanh.

Như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của DN và dễ dàng tạo lợi ích nhóm mang tính thống lĩnh, do đó, việc lãnh đạo DN và thậm chí là bộ chủ quản cố tình trì hoãn, thậm chí là ngầm phản đối việc chuyển vốn nhà nước chi phối sang đại chúng hóa là điều đương nhiên.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Lưu Bích Hồ đều đồng quan điểm cho rằng, đã đến lúc rất cần một lực đẩy đủ mạnh, đủ quyết tâm để dứt điểm đưa 2 DN lên niêm yết. Có như vậy mới cải thiện tích cực được chất lượng quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, gia tăng lợi ích cho các cổ đông và Nhà nước.

Không có quốc gia nào nhà nước lo việc sản xuất và bán bia

Thúc Sabeco, Habeco lên sàn: Việc không thể trì hoãn ảnh 1

 Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Khu vực nào Nhà nước không cần nắm giữ thì Nhà nước không nên nắm giữ. Với các  lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân làm được thì Chính phủ nên cổ phần hóa với tỷ lệ lớn, để tư nhân quản lý sẽ tốt hơn, còn tiền bán vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp có thể đầu tư trở lại vào hạ tầng để tạo nền tảng cho sự phát triển, từ đó nâng hiệu quả nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhà nước nên làm về vĩ mô, làm chính sách chứ không phải kinh doanh. Tôi nghĩ chẳng có mấy quốc gia nào mà nhà nước sản xuất và đi bán bia như ở Việt Nam, dù có lợi thật song cần tính toán lợi ích kép, vừa giao cho khu vực tư nhân làm vừa có tiền để đầu tư hạ tầng thúc đẩy nền kinh tế. 

Việc nói rằng các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco là “con gà để trứng vàng” cho Nhà nước thực ra chỉ nhìn nhận trước mắt. Nay nộp vào ngân sách vài ba nghìn tỷ tiền thuế, mai thêm vài nghìn tỷ đồng đó chỉ là lợi ích tài chính đơn thuần. Các bộ cần phải nhìn được lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn rất nhiều từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này, như vậy thì mới có lợi cho đất nước.  

Tin bài liên quan