Việc tuân thủ các quy tắc chuẩn mực về quản trị công ty mới chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp lớn

Việc tuân thủ các quy tắc chuẩn mực về quản trị công ty mới chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp lớn

Thúc lãnh đạo doanh nghiệp chuyển biến tư duy quản trị

(ĐTCK) Chất lượng quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các công ty niêm yết, đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tuân thủ các quy tắc chuẩn mực về quản trị công ty mới chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp lớn.

Theo đó, để cải thiện mặt bằng chung trong thực thi các chuẩn mực, thông lệ tốt về quản trị công ty, cần có sự kết nối của toàn bộ hơn 1.100 doanh nghiệp niêm yết đăng ký giao dịch và thúc lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi tư duy về mảng việc này.

Quản trị công ty theo thông lệ tốt: doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo biên bản thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) được ký kết vào cuối tuần qua, bên cạnh sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các bên sẽ cùng phối hợp triển khai Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam (VCGI).

Đây được xem là nỗ lực quan trọng giúp các nhà quản lý có thể huy động các nguồn lực trên thị trường, đồng thời kêu gọi hợp tác, điều phối sự tham gia của các bên hữu quan trong việc nâng cao năng lực và cải thiện quản trị công ty, áp dụng các thông lệ quản trị tốt nhất trên thế giới cho các thành viên thị trường, chủ yếu là đối với khối công ty niêm yết.

Một trong những hoạt động quan trọng nằm trong sáng kiến này là việc cập nhật và phổ biến các nguyên tắc quản trị công ty mới được nhóm các nước G20, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉnh lý. Theo đó, bộ nguyên tắc này đã được trình và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cao cấp G20 vào tháng 11/2015.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT HOSE, việc thực hiện các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là chưa nhiều doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, cũng như lợi ích từ việc quản trị công ty tốt đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, việc áp dụng các chuẩn mực, cũng như thông lệ quốc tế mới diễn ra ở các doanh nghiệp niêm yết lớn, chiếm tỷ trọng nhỏ về số lượng so với hơn 1.100 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM. Hơn nữa, sự thiếu quan tâm còn thể hiện qua việc có rất ít doanh nghiệp “chịu khó” tham gia những buổi hội thảo mang tính đối thoại, phổ biến những thông lệ quản trị tốt.

Cụ thể, tại buổi hội thảo diễn ra cuối tuần qua, chỉ có một số đại diện doanh nghiệp niêm yết tham gia, khá khiêm tốn so với số lượng dự kiến mà Ban tổ chức đưa ra là 50 công ty. Điều này phản ánh một phần thực trạng hiện nay là chưa nhiều doanh nghiệp đại chúng nói chung và niêm yết nói riêng coi trọng vấn đề quản trị công ty hiệu quả.

Nhấn mạnh vai trò của quản trị công ty, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Danh mục đầu tư Quỹ Dragon Captial cho biết, không điều gì phá hoại hoạt động doanh nghiệp nhanh bằng việc quản trị công ty không tốt, đặc biệt là vấn đề liên quan đến mâu thuẫn nội bộ và minh bạch thông tin.

Vì vậy, đối với các tiêu chí đầu tư của Dragon Capital trong những năm qua, quản trị doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, bên cạnh yếu tố khả năng sinh lời. Bởi, nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn biết tiền của mình có đặt vào doanh nghiệp đáng tin cậy hay không.

Tạo làn sóng chuyển biến về quản trị công ty

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã đạt mức tăng trưởng nhất định và đến lúc cần có những yếu tố nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trong đó không thể thiếu vai trò của quản trị công ty đối với các doanh nghiệp niêm yết.

HNX được xem là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các hướng dẫn về quản trị công ty cho các doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2016, HNX đã soạn thảo và ban hành hướng dẫn công bố thông tin Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong khuôn khổ cam kết của HNX khi gia nhập Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán phát triển bền vững (Sustainable Stock Exchange – SSE) do Liên hợp quốc khởi xướng.

Theo ông Long, gần đây nhất, Sở cũng đã hoàn thành Dự thảo Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, làm cơ sở cho Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty áp dụng chung cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đây sẽ là tập hợp những khuyến nghị tốt về quản trị công ty áp dụng cho các doanh nghiệp trên thị trường, nhằm định hướng thực hành quản trị công ty cho các doanh nghiệp, thiết lập và nâng cao tiêu chuẩn quản trị công ty quốc gia.

Mặt khác, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã nâng cấp Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng lên thành Nghị định, nhằm tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động quản trị công ty của doanh nghiệp, bởi nâng cao chất lượng quản trị công ty nói riêng và chất lượng doanh nghiệp nói chung là mục tiêu chiến lược của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Điều này cũng nằm trong xu thế phát triển về quản trị công ty trong khu vực và trên thế giới, với những quy định đang dần thay đổi và cải thiện theo hướng từ tự nguyện tới bắt buộc. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc nâng tầm Thông tư 121 lên thành Nghị định cũng là một cách ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn, nhất là về chế tài, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức tự nguyện trong thực thi chuẩn mực, cũng như các thông lệ tốt về quản trị công ty.

Thêm vào đó, Chủ tịch HNX nhấn mạnh, quản trị công ty không phải chỉ là việc của nhà quản lý và cũng không phải chỉ là những ràng buộc về tính pháp lý, mà quan trọng hơn hết là cần có sự hưởng ứng, tham gia một các tích cực từ các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân.

”Mục tiêu sắp tới là phải tạo được một làn sóng chuyển biến tích cực về quản trị công ty ở khu vực tư nhân, bởi đây là khu vực còn tồn tại nhiều vấn đề về quản trị công ty, khi mỗi nơi quản trị theo một kiểu, nhưng đồng thời cũng là khu vực quan trọng, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế”, ông Long nói.

Về phía đơn vị hợp tác trong Sáng kiến VCGI, ông Chris Razook, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IFC cho biết, thời gian qua ghi nhận nỗ lực lớn từ phía cơ quan quản lý Việt Nam nhằm cải thiện mặt bằng chung trong thực thi các chuẩn mực, thông lệ tốt về quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng và cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa từ khối doanh nghiệp.

Theo ông Chris, một điểm quan trọng nằm trong bộ nguyên tắc của OECD là việc xác định thực hiện quản trị công ty tốt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, những người bỏ vốn vào doanh nghiệp, chứ không đơn thuần đảm bảo tính tuân thủ pháp luật như trong quan điểm của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Với vai trò là đơn vị tham gia góp ý cho Sáng kiến VCGI, ông Vũ Hữu Điền cho biết, một trong những bước tiếp theo của VCGI là thành lập một trung tâm chuyên đào tạo về quản trị công ty, nhằm tạo nguồn cung về giám đốc và thành viên HĐQT độc lập cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh nguồn lực này còn khá hạn hẹp, khiến nhiều doanh nghiệp có “cớ” để làm “lơ” với quản trị công ty.

“Cần có sự tách bạch rõ ràng vai trò giữa vai trò quản trị (HĐQT) và điều hành (Ban Tổng giám đốc), nếu không rất khó thấy được hiệu quả từ việc áp dụng các chuẩn mực”, ông Điền chia sẻ.

Doanh nghiệp cần phải thấy rằng, nếu hoạt động theo chuẩn mực quản trị tốt thì họ sẽ đạt được thành quả gì. Bổ sung vấn đề này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) cho rằng, cần đưa ra những ví dụ điển hình về thất bại ở một số doanh nghiệp, trong đó mấu chốt là vấn đề quản trị công ty chưa tốt, để doanh nghiệp có cái nhìn khách quan, cũng như tự đánh giá về tầm quan trọng của quản trị công ty.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, điều quan trọng nhất trong thực hiện quản trị công ty tốt vẫn phải xuất phát từ chuyển biến trong suy nghĩ và nhận thức của chính lãnh đạo doanh nghiệp, đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Sáng kiến VCGI hướng tới.

Tin bài liên quan