Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM chia vui với một số doanh nghiệp thành danh trên TTCK Việt Nam

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM chia vui với một số doanh nghiệp thành danh trên TTCK Việt Nam

Thúc dòng tiền chảy mạnh bằng sự minh bạch

(ĐTCK) Ngày 30/9/2016, Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ ký thỏa thuận hợp tác xây dựng chỉ số chung, kết nối toàn TTCK Việt Nam. Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh cho rằng, chỉ số mới sẽ giúp nhà đầu tư có thông tin đầy đủ về TTCK, nhưng để dòng vốn mới chảy mạnh hơn vào thị trường, điểm cốt yếu là nền kinh tế phải cải thiện tính minh bạch và các DN phải tạo dựng được lòng tin. 

Theo dự kiến, tháng 10/2016, chỉ số chứng khoán chung, kết nối toàn TTCK Việt Nam sẽ chính thức ra mắt. Trong nỗ lực tạo dựng chỉ số chung này, mục tiêu nhà quản lý hướng tới là gì, thưa ông?

Xây dựng chỉ số chung, điều chúng tôi mong nhất là tạo nên một bộ chỉ số đo lường toàn bộ diễn biến trên TTCK Việt Nam. Thực tế, so với bước khởi đầu gần 20 năm trước, TTCK Việt Nam hiện nay có rất nhiều thành quả, có những việc 20 năm trước không thể nghĩ là làm được, nhưng đã làm được. Tuy nhiên, nếu nhìn sang các nước trong khu vực, quy mô và mức độ phát triển của TTCK nước ta còn quá nhỏ bé. Chẳng hạn, quy mô vốn hóa TTCK Thái Lan lớn gấp 10 lần, TTCK Singapore lớn gấp 20 lần thị trường Việt Nam… Ở quy mô nhỏ, thị trường lại được tính toán và đo lường riêng biệt tại 2 Sở như hiện nay, khiến hình ảnh TTCK Việt Nam càng nhỏ hơn nữa.

Việc xây dựng bộ chỉ số chung kết nối toàn TTCK Việt Nam là bước khởi đầu, bước nền tảng cho chủ trương hợp nhất 2 Sở, thống nhất về một mối. Khi quy mô TTCK lớn hơn, cùng với việc thực hiện các cải tiến về chất lượng quản trị DN, minh bạch của nền kinh tế, sẽ giúp TTCK tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn. Thực tế, chúng tôi đón tiếp rất nhiều quỹ đầu tư quy mô hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD, nhưng họ đến rồi đi, vì ở quy mô thị trường còn nhỏ, quy mô DN quá nhỏ, họ không biết giải ngân như thế nào.

Ông Trần Đắc Sinh 

Ngoài vấn đề quy mô nhỏ, đâu là yếu tố cốt lõi mà TTCK Việt Nam cần tập trung cải thiện để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp, thưa ông?

Yếu tố cần cải thiện nhất chính là sự minh bạch. TTCK là thị trường của niềm tin và niềm tin sẽ chỉ được xác lập khi nền kinh tế minh bạch, các DN minh bạch. Đừng nghĩ rằng tham nhũng chỉ ở các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần cũng tham nhũng rất lớn. Điểm dễ thấy là tại một số ngân hàng cổ phần, lãnh đạo dễ dàng rút hàng nghìn tỷ đồng cho các công việc riêng, cổ đông làm sao kiểm soát được.

Câu hỏi đặt ra là tình trạng trên xảy ra do đâu? Theo tôi, vì chuẩn mực kế toán, kiểm toán, sự giám sát của nhà đầu tư, của xã hội, chế tài xử lý… còn nhiều yếu kém, sơ hở. Hoàn thiện những việc này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống, chứ không thể riêng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Sở GDCK có thể làm được.

Không ngẫu nhiên người ta ví TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, bởi thực tế, sự phát triển của TTCK không thể thoát ly khỏi hiện trạng nền kinh tế. Xây dựng một nền kinh tế minh bạch, ở đó các DN tuân thủ các chuẩn mực quản trị tiên tiến, hiện đại, chính là cái gốc để xây niềm tin cho nhà đầu tư, cái gốc để thu hút các dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào thị trường và ở lại lâu dài với thị trường.               

Câu chuyện minh bạch của nền kinh tế đã từng được đề cập nhiều năm nay, nhưng dường như đó luôn là vấn đề không dễ giải quyết, thưa ông?

Đúng vậy. Ở đó cần sự quyết tâm lớn của cả hệ thống và phải biết cách làm. Trước khi có TTCK Việt Nam, các DN đâu có biết đến việc phải công bố thông tin, phải có trách nhiệm giải trình kết quả kinh doanh với cổ đông, với công chúng. TTCK Việt Nam ra đời, những quy chuẩn minh bạch đầu tiên đã dần được định hình trong khối DN niêm yết, nay đến DN đại chúng, đã góp phần không nhỏ tạo nên văn hóa minh bạch trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta mới có sự tiến bộ so với chính mình, còn so với mặt bằng chung của thế giới thì chắc chắn còn khoảng cách không nhỏ về sự minh bạch. Minh bạch chỉ là 2 từ đơn giản, nhưng để đạt được sự minh bạch, cần rất nhiều sự quyết tâm và những giải pháp chuẩn mực.

Chẳng hạn, việc bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước hiện nay, chúng ta cũng công bố thông tin, cũng đấu giá, nhưng đã thực sự minh bạch chưa? Nếu các đợt bán vốn được rao khắp các nhà đầu tư quốc tế, được công bố thông tin chân thực và có nhà bảo lãnh, chắc chắn hiệu quả thu được tính trên lợi ích kinh tế và chất lượng quản trị DN sau cổ phần hóa sẽ tốt hơn. Tiềm năng của đất nước rất lớn, giá trị các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa tính sơ bộ hàng chục, hàng trăm tỷ USD và tài sản này có thể được bán cao hơn nhiều lần nếu chào bán công khai và minh bạch, tiếp cận đủ rộng các nhà đầu tư lớn. Sự minh bạch không chỉ mang đến niềm tin cho nhà đầu tư, mà đó chính là một loại giá trị. Tuy nhiên, ở ta, giá trị của sự minh bạch chưa được nhận thức đúng và đầy đủ trên phương diện xã hội, giá trị này dường như vẫn “ngủ yên”.

Từ năm 2015, quy định pháp lý buộc DN sau cổ phần hóa, DN đại chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung trên sàn. Đó cũng là cách thúc đẩy sự minh bạch, thưa ông?

Phải hiểu rằng, minh bạch là phải làm cho nền kinh tế, cho DN minh bạch như một văn hóa, như một ý thức tự thân, chứ không phải cứ bắt DN lên sàn là DN minh bạch. Có không ít DN dù đã niêm yết vẫn không minh bạch, bị xử phạt vi vi phạm rất nhiều. Thực tế này làm ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của cổ đông, của nhà đầu tư đại chúng. Làm cách nào để không đưa virus vào thị trường là một câu chuyện cần tính đến trong việc khuyến khích các DN đại chúng lên sàn hiện nay.

Gắn bó với TTCK từ những ngày sơ khởi, sau 20 năm góp sức xây dựng nền chứng khoán Việt, điều ông hài lòng nhất là gì?

Trước khi Việt Nam có TTCK, kênh tài trợ vốn trong nền kinh tế chỉ dựa vào các ngân hàng. Các ngân hàng phải làm cả những việc không thuộc chức năng của nó, như tài trợ vốn dài hạn, vốn là việc của thị trường vốn.  20 năm xây dựng ngành chứng khoán, điều tôi vui nhất là từ chỗ không ai biết hoặc rất ít người biết về chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu, nay cơ bản ai cũng hiểu TTCK là thị trường vốn bậc cao, nếu không có thị trường vốn thì nền kinh tế không thể phát triển, hệ thống ngân hàng đã gặp khó khăn về nợ xấu, sẽ còn khó khăn hơn…

Thực tế cũng cho thấy, thông qua TTCK, rất nhiều DN như Vingroup, CII, GMD, REE, KDC, VNM, FPT, SSI, PVD, BVH… và nhiều ngân hàng đã huy động được lượng vốn rất lớn từ nhà đầu tư để phát triển mạnh mẽ, trở thành những DN đầu tàu của nền kinh tế. Đặc điểm riêng có của dòng vốn huy động qua TTCK là vốn vĩnh viễn, DN không phải chịu áp lực trả gốc, mà chỉ phải chịu trách nhiệm kinh doanh minh bạch, hiệu quả, chia sẻ lợi ích công bằng cho các cổ đông đã góp vào công ty. Vì thế, càng khơi rộng kênh huy động vốn qua TTCK sẽ càng giúp các DN và nền kinh tế có được nguồn nội lực để phát triển.

Trở lại với công việc tại HOSE, cùng với việc hợp tác với HNX xây dựng chỉ số chứng khoán chung, HOSE đang và sẽ làm gì để thúc đẩy sự minh bạch, thưa ông?

Trong phạm vi công việc của Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng hợp tác quốc tế… Cùng với đó, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN niêm yết thực hiện tốt việc quản trị công ty. 9 năm qua, HOSE, Báo Đầu tư Chứng khoán cùng các đối tác đã chung sức thực hiện Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, đó là một nỗ lực thúc đẩy sự chuyên nghiệp, sự minh bạch trên thị trường.

Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với IFC thực hiện chương trình đào tạo, cải thiện chất lượng quản trị tại DN niêm yết. Khi ý niệm quản trị công ty được thấu hiểu rộng rãi và thực thi tại các DN, sẽ tự thân nó cải

thiện được niềm tin của nhà đầu tư. Khi có niềm tin, không lo vốn không tìm đến với DN, với nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan