Đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản

Đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản

Thúc đẩy dòng chảy tài chính từ Nhật Bản đến Việt Nam

(ĐTCK) Lần thứ hai dẫn đầu đoàn các lãnh đạo đơn vị chủ chốt của Bộ Tài chính sang thăm và làm việc tại Nhật Bản tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Quốc vụ khanh, ông Soichiro Imaeda và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính Nhật. 

Cùng với đó, Đoàn công tác từ Việt Nam có cuộc trao đổi thân tình với Cố vấn Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản, ông Iljma Isao, nhằm chia sẻ câu chuyện từ Việt Nam và kết nối khả năng hợp tác.

Chia sẻ với lãnh đạo ngành tài chính Nhật Bản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục được giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng đạt khá; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Trong quá trình điều hành kinh tế, Việt Nam tập trung đổi mới thể chế, kiên định theo hướng xây dựng và tuân theo kinh tế thị trường; cải thiện môi trường nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; kiểm soát lạm phát và lãi suất, tái cơ cấu nền kinh tế.

Bộ Tài chính Việt Nam tích cực làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản để có phương án giải quyết, đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp.

Trong năm tài khóa 2016, Chính phủ Nhật Bản cung cấp vốn vay cho 7 chương trình, dự án. Đã có 4 hiệp định vay được ký nhân các chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam và của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Nhật Bản. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các thủ tục triển khai ký hiệp định vay cho các dự án còn lại.

Với tư cách nước chủ trì Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Bộ Tài chính Việt Nam gửi lời mời chính thức tới Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017 tại Hội An, Quảng Nam. Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính Nhật Bản ủng hộ các sáng kiến trong hợp tác tài chính APEC 2017.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 100 của Diễn đàn Hợp tác thực hiện BEPS (chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận) và mong nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc triển khai thực hiện lộ trình BEPS này của Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ với 200 nhà đầu tư Nhật Bản đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính vào Việt Nam tuần qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau gần 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương.

Trong việc cải cách nền kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp và buộc các doanh nghiệp đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. Các doanh nghiệp đại chúng sẽ dần áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại, công khai, minh bạch và hoạt động theo cơ chế thị trường. Năm 2017, Việt Nam sẽ cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, năm 2018 là 64 và năm 2019 là 18 doanh nghiệp, đồng thời sẽ thoái vốn tại hàng trăm doanh nghiệp khác.

“Diễn tiến này tạo ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tôi mong rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Cố vấn Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản đã chia sẻ với Đoàn Việt Nam thông tin về một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn Nhật Bản đang có mối quan tâm đầu tư tại Việt Nam. Một số nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự quan tâm cao đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và cho biết, sẽ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.          

Tin bài liên quan