Thúc cổ phần hóa bằng tư duy mới

Thúc cổ phần hóa bằng tư duy mới

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm nay, cả nước cổ phần hóa (CPH) được 38 DN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Tiến độ này là chậm, theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 mới đây.

Sự chậm trễ trên có một số nguyên nhân, trong đó có lý do là cho đến đầu quý II/2016, Chính phủ nhiệm kỳ mới (2016-2020) mới được kiện toàn. Sở dĩ nói như vậy bởi thực tiễn chỉ đạo công tác CPH thời gian qua cho thấy, mỗi khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những ý kiến chỉ đạo mới, tạo sức ép thúc đẩy, thì tiến trình CPH diễn ra khẩn trương và ngược lại.

Gần 3 tháng trôi qua kể từ khi bộ máy Chính phủ mới đi vào vận hành, sau thời gian ưu tiên chỉ đạo nhiều điểm “nóng” trong nền kinh tế, lần đầu tiên tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp: phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Phải có lộ trình cụ thể đẩy mạnh CPH, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán cả DN lãi cao, bán hết phần vốn nhà nước đối với DN mà Nhà nước không cần nắm giữ...

Còn trên cương vị vừa được Thủ tướng Chính phủ cử làm Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát đi một thông điệp mới về CPH.

“Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Đề án tái cơ cấu DNNN tới năm 2020 theo hướng chọn - bỏ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần ở những ngành mà tư nhân làm được, gắn với niêm yết cổ phiếu của DN sau CPH trên TTCK…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cách tiếp cận chọn - bỏ đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho CPH, tương tự như phương thức này đã lần đầu tiên được cụ thể hóa tại Luật Đầu tư sửa đổi và cũng đang có những tác động lớn trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh.

Xét về mặt xây dựng quy định pháp lý, một khi cơ quan hoạch định chính sách đi theo cách tiếp cận chọn - bỏ, thì thường nhận phần “khó” về mình, còn nhường phần thuận lợi cho đối tượng bị điều chỉnh. Một khi tư duy này được cụ thể hóa trong hệ thống quy định pháp lý về CPH, thì nó là dấu mốc quan trọng cho một giai đoạn cải cách đi vào chiều sâu và mạnh mẽ. Bởi trái ngược với cách làm cũ lâu này là chọn - cho (lĩnh vực và DN nào được CPH, thì ghi trong luật dẫn đến hệ thống quy định phức tạp, rườm rà), chọn - bỏ là những gì cấm thì quy định cụ thể trong hệ thống quy định pháp lý (chỉ quy định những ngành, lĩnh vực, thậm chí đến từng DN không CPH, còn lại là cho phép CPH…).

Khi tư duy chọn - bỏ được cụ thể hóa trong hệ thống chính sách mới về CPH, cũng như sớm được triển khai trong thực tế, nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ không chỉ tạo bước chuyển lớn trong nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, mà quan trọng hơn là tạo ra những thay đổi sâu rộng về phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế hướng vào các địa chỉ mang lại hiệu quả cao hơn như khối DN tư nhân, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư mới hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Nhà nước bán 100% vốn ở nhiều DN không cần nắm giữ.

Tin bài liên quan