Thủ tục đơn giản, tăng sức hút nhà đầu tư Nhật chọn Việt Nam

(ĐTCK) Trước thềm Việt Nam chuẩn bị tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản vào tháng 6 tới, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ FPT (FPT Capital) cho rằng, mối quan tâm đầu tư của người Nhật ngày càng đa dạng về ngành nghề với cách thức đầu tư đang có sự khác biệt so với trước đây. 
Ông Ngô Thanh Hải

Ông Ngô Thanh Hải

Gắn bó với ngành quản lý quỹ 10 năm, với nghiệp “cầm tiền người khác đi đầu tư”, ở đây là cầm tiền của nhà đầu tư Nhật, ông cảm nhận như thế nào về công việc này?

Thuyết phục người khác đưa tiền cho mình là điều vô cùng khó, đặc biệt là ở Việt Nam. Người dân mình có tâm lý lo sợ rất nhiều thứ và kiến thức đầu tư tài chính chưa được chuyên sâu. Một trong những cách chứng minh cho nhà đầu tư trong nước “chúng tôi đáng tin và chuyên nghiệp” là chúng tôi chọn “làm việc khó trước, việc dễ làm sau”.

Chúng tôi phục vụ khách hàng kỹ tính gần như nhất thế giới đến từ Nhật thì không có lý do gì khách hàng Việt Nam không đến với chúng tôi.

Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, để đi đến quyết định đầu tư, cần bỏ ra một quỹ thời gian không nhỏ. Mọi kế hoạch phải được thực hiện kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Tuy nhiên, khi đáp ứng được các nhu cầu “khó tính” của người Nhật, thì họ lại rất trung thành và gắn bó lâu dài. Ở FPT Capital, đôi khi đối tác còn giới thiệu cho chúng tôi những đối tác khác.

Chúng tôi đã quản lý Quỹ thành viên Việt Nhật (Vietnam Japan Fund) có quy mô vốn ban đầu 100 triệu USD (từ năm 2008) và đưa quỹ này đạt được kỳ vọng của các thành viên.

Hiện tại, chúng tôi đang có và sẽ hợp tác với đối tác trong và ngoài nước để lập quỹ đầu tư chuyên sâu với quy mô vốn lớn hơn. Quỹ này hứa hẹn sẽ tiếp nối thành công của quỹ trước đó.

Hiện thị trường đang đón một làn sóng vốn Nhật mới, khác với những hình thức đầu tư trước đây, đó là doanh nghiệp Nhật cử nhiều đoàn sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội tiềm năng để mua cổ phần, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt. Nhiều người cảm nhận rằng, “khẩu vị” đầu tư của người Nhật đang thay đổi?

Đúng vậy. Vài năm gần đây, “khẩu vị” đầu tư của doanh nghiệp Nhật đã thay đổi. Phía Nhật rất chú trọng vào việc cử các đoàn công tác sang Việt Nam tìm hiểu, đánh giá các doanh nghiệp Việt có tiềm năng để mua cổ phần, tăng sở hữu.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần ở doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là lực hút nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Ở vai trò là cầu nối, ông sẽ nói gì với nhà đầu tư Nhật về tiềm năng tại Việt Nam hiện nay?

Xét về yếu tố vĩ mô, các vấn đề về tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, khai thông thị trường mua bán nợ... nếu được tích cực giải quyết sớm thì sẽ tạo động lực cho thị trường chứng khoán phát triển. Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định với dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,3%.

Một diễn biến khác là các tổng công ty, doanh nghiệp lớn đã và sẽ thực hiện niêm yết, tạo ra "bữa tiệc nhiều món" mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dự báo, giai đoạn 2017 - 2018, quá trình thoái vốn, cổ phần hóa tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước sẽ được triển khai tích cực và trong điều kiện thuận lợi hơn những năm qua.

Khi thị trường minh bạch hơn, với nhiều cơ hội đầu tư hơn, chắc chắn sẽ không lọt khỏi tầm ngắm của giới đầu tư nước ngoài, không riêng nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo dự báo của ông, dòng vốn Nhật sắp tới có xu hướng chảy vào ngành nào tại Việt Nam?

Đứng trong ngành tài chính và đang theo sát những diễn biến của thị trường tài chính Việt Nam, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hỗ trợ cho đối tác Nhật khi muốn đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào trong nền kinh tế.

Trong đó, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản được chúng tôi ưu tiên trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đặc biệt đánh giá cao cơ hội đầu tư tại các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Xin bật mí thêm, trong thời gian ngắn, đối tác Nhật Bản sẽ sớm đến tìm hiểu một số dự án đầu tư của chúng tôi.

Ngoài ra, một số lĩnh vực dự báo doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư lớn trong thời gian tới như dược phẩm và hóa chất, sản xuất thép và kim loại, máy móc chung và máy móc điện tử, thiết bị trong ngành giao thông, bán buôn và bán lẻ, tài chính và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, dịch vụ, nông nghiệp.

Với sự quan tâm này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục là cầu nối dòng vốn đầu tư Nhật - Việt, từ đó tạo nên những giá trị gia tăng cho các bên, cũng như các chủ thể trong nền kinh tế 2 quốc gia.

Tin bài liên quan