Thu hút vốn ngoại, không chỉ là nới room

Thu hút vốn ngoại, không chỉ là nới room

(ĐTCK) Vẫn có nhu cầu không nhỏ của các NĐT tổ chức nước ngoài chỉ muốn sở hữu, đầu tư cổ phiếu các công ty trong nước, mà không quan tâm tới quyền biểu quyết tại doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo định kỳ hàng quý do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức chiều qua (7/1), ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực HOSE cho biết, trong năm 2015, có nhiều đoàn khách quốc tế ghé thăm Sở, trong đó chủ yếu là các NĐT tổ chức, còn NĐT cá nhân thì chủ yếu đến từ Thái Lan. Đa phần các NĐT đều cho rằng TTCK Việt Nam là thị trường không thể bỏ qua.

Vấn đề được các NĐT quan tâm trong các năm qua là nới room cho các NĐT nước ngoài, việc hướng dẫn và thực thi các quy định trong Nghị định 60/2015 còn phức tạp và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Trà cho biết, vẫn có nhu cầu không nhỏ của các NĐT tổ chức nước ngoài chỉ muốn sở hữu, đầu tư cổ phiếu các công ty trong nước, mà không quan tâm tới quyền biểu quyết tại doanh nghiệp.

Chẳng hạn, các quỹ ETF, các quỹ đầu tư dạng mở không mấy quan tâm tới chuyện kiểm soát công ty, thậm chí quỹ ETF còn có quy định không được phép tham dự ĐHCĐ công ty. Do vậy, vấn đề nới room nếu không là 100% thì vẫn là một số giới hạn nhất định và lại quay trở lại bài toán cũ. Ngoài ra, một đặc điểm khiến các NĐT nước ngoài còn e ngại chính là danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi có thể họ sẽ mất khoản chi phí kha khá cho công ty luật, nhằm nghiên cứu doanh nghiệp thuộc danh mục nào, được nới 100% hay không.

Thu hút vốn ngoại, không chỉ là nới room ảnh 1

Do vậy, để tạo cơ hội cho các NĐT quốc tế tham gia TTCK Việt Nam, từ đó, cải thiện thanh khoản thị trường thì bên cạnh việc nới room, thị trường cần những công cụ mang tính chất cấu trúc, nhằm giúp các NĐT có thể giao dịch trên TTCK Việt Nam. Các công cụ đó có thể là NVDR hoặc cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết.

Trong năm qua, HOSE cũng đã làm việc với nhiều quỹ đầu tư để hình thành được cơ chế thúc đẩy thanh khoản trên TTCK Việt Nam. Bản thân các NĐT quốc tế đã trải nghiệm những sản phẩm trên ở các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia… nên họ rất hiểu cơ chế hoạt động.

Theo tổng kết của HOSE, năm qua, ngược với xu hướng bán ròng tại các TTCK châu Á, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại vẫn mua ròng. Cụ thể, tính đến 30/11/2015, khối ngoại mua ròng trên HOSE hơn 4.200 tỷ đồng, tương đương gần 1% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Đối với việc hợp tác với các TTCK trong khu vực ASEAN, HOSE cho biết, hiện các sở GDCK tại các nước thành viên cũng đã có sáng kiến liên kết TTCK ASEAN, hiện đã có 3 ở liên kết là Singapore, Thái Lan và Malaysia. Hiện Việt Nam cũng ký biên bản ghi nhớ trong liên kết này và đang trong giai đoạn thay đổi nền tảng công nghệ trên TTCK thể hiện sự cam kết tham gia khi hoàn thiện.

Ông Trà chia sẻ thêm, việc liên kết TTCK khu vực đòi hỏi phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến vấn đề dịch chuyển dòng vốn giữa các quốc gia ASEAN. Cơ chế quản lý ngoại hối, áp dụng kiểm soát vốn ra khỏi Việt Nam là những vấn đề cần xử lý khi tham gia liên kết này.

Thu hút vốn ngoại, không chỉ là nới room ảnh 2

Theo HOSE, khối lượng giao dịch trong năm 2015 tăng đều qua các quý, cụ thể, 5,587 tỷ chứng khoán trong quý I, tương ứng với giá trị giao dịch 97.236 tỷ đồng; Quý II là 6,899 tỷ chứng khoán, tương ứng giá trị 112.490 tỷ đồng; quý III là 7,741 tỷ chứng khoán, tương ứng 137.664 tỷ đồng và quý IV là 7,984 tỷ chứng khoán, tương ứng 140.016 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1.965 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2014 là 2.171 tỷ đồng và cao hơn so với năm 2013 là 1.063 tỷ đồng/ngày.

Trong năm qua, có 19 tổ chức niêm yết mới trên Sở, 175 đợt niêm yết bổ sung, đều tăng mạnh so với năm 2014. Tổng số đợt đấu giá thành công trên HOSE là 50 đợt, không thành công là 18 đợt. Các đợt đấu giá chủ yếu là IPO doanh nghiệp nhà nước.

Tin bài liên quan