Thống kê và dự báo

Thống kê và dự báo

(ĐTCK) Diễn biến của VN-Index từ lâu đã không còn được nhiều nhà đầu tư quá chú trọng khi giao dịch, bởi chỉ số này đang phần nào phụ thuộc vào một số mã lớn. Dù vậy, đây vẫn là chỉ số quan trọng của thị trường và vẫn được nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia chứng khoán phân tích, dự báo xu hướng. Vì sao?

Câu trả lời đơn giản, bởi đến nay, VN-Index vẫn được xem là “nhiệt kế” đo sức khỏe của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Báo cáo tổng kết thị trường cuối năm, ngoài vốn hóa thị trường, số lượng công ty niêm yết, dòng vốn ngoại…, thì việc tăng giảm của VN-Index cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ quan quản lý đánh giá thành tích. Do đó, dù có bị méo mó, nhưng những mốc như 600, 660, 690, 700 điểm… vẫn là những mốc quan trọng được nhiều người chú ý.

Trong tháng 9 và tháng 10/2016, VN-Index đã vượt qua 690 điểm, mức đỉnh trong nhiều năm qua và nhiều công ty chứng khoán như MSI, BVSC…, hay một số chuyên gia chứng khoán đều nhận định, VN-Index sẽ vượt qua mốc 700 điểm trong năm nay.

Những nhận định như: “Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ điều chỉnh đôi chút sau đợt tăng này, trước khi tăng trưởng vượt vùng 700 điểm để hướng tới ngưỡng 710-720 điểm theo mô hình Fibonacci Projection trong thời gian tới” của ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, CTCK VCBS, hay “Theo góc độ kỹ thuật, cá nhân tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh 710-720 điểm thời gian tới” của ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK BVSC đưa ra hồi đầu tháng 10 không phải là hiếm.

Khảo sát trực tuyến của Đầu tư Chứng khoán cũng cho thấy, có tới 57,5% trong trong 3.002 lượt nhà đầu tư tham gia đợt khảo sát cho rằng, dự báo VN-Index vượt 700 điểm trong năm nay là chính xác, thậm chí có 26% dự báo VN-Index sẽ vượt mốc 700 điểm ngay trong tháng 10, chỉ có 16,5% cho rằng điều này là chưa thể.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường không như dự báo.

Sau khi thử thách lại ngưỡng kháng cự 690 điểm không thành, VN-Index đã có chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp từ cuối tuần trước đó và bị đẩy lùi về ngưỡng 670 điểm.

Đây không phải là lần đầu tiên các công ty chứng khoán, chuyên gia, hay nhà đầu tư dự đoán chưa chính xác về VN-Index. Đó là điều dễ hiểu!

Các chuyên gia, công ty chứng khoán dĩ nhiên có dữ liệu, có kinh nghiệm và kiến thức để phân tích, dự báo thị trường, nhưng với một chỉ số bị tác động mạnh bởi một số ít cổ phiếu, trong khi thị trường có tới  99% là nhà đầu tư cá nhân (theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đến cuối năm 2015) như thị trường chứng khoán Việt Nam, thì kiến thức và phương pháp kỹ thuật dường như không mấy hiệu nghiệm.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại phố Wall (Mỹ), xác suất mà giới phân tích, theo khảo sát trực tiếp, cũng như nhà đầu tư, theo khảo sát trực tuyến, dự đoán đúng về xu hướng của giá vàng cũng rất thấp.

Điều này cho thấy, việc dự báo diễn biến của một thị trường bất kỳ không phải đơn giản, mà chủ yếu chỉ mang tính kỳ vọng là chính.

Đó là câu chuyện về dự đoán, còn về thống kê, dường như tháng 11 lại là “quãng thời gian buồn” đối với VN-Index. Cụ thể, theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, trong 10 năm qua, VN-Index giảm tới 9 năm trong tháng 11, chỉ tăng duy nhất trong năm 2006. Còn nếu tính từ lúc thị trường chứng khoán ra đời, có tới 11/16 năm là VN-Index giảm trong tháng 11.

Tất nhiên, mọi thống kê trong quá khứ cũng chỉ là những yếu tố tham khảo cho quyết định hiện tại và tương lai.

Tin bài liên quan