Thoái vốn VNM: Tăng sức nóng trước nghi vấn ép giá giảm

Thoái vốn VNM: Tăng sức nóng trước nghi vấn ép giá giảm

(ĐTCK) Còn chưa đầy một tuần nữa, phiên chào bán cạnh tranh 9% vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ diễn ra (ngày 12/12). Trong bối cảnh này, việc khối ngoại “xả” mạnh cổ phiếu VNM khiến nhiều ý kiến cho rằng, khối ngoại đang ép giá cổ phiếu này trước thềm cuộc chào bán cạnh tranh.

Xét về động thái bán ròng nói chung của khối ngoại gần đây, theo lý giải của nhiều công ty chứng khoán, có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do ảnh hưởng từ các chính sách của Tổng thống Mỹ mới trúng cử Donald Trump với chủ trương bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thứ hai là diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.

Đối với cổ phiếu VNM, thời điểm công bố thông tin đợt chào bán khá sát với đợt tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF. Thêm vào đó, một số ý kiến cho rằng, so với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu VNM đã tăng hơn 50%, cao hơn mức bình quân nên việc chốt lời của các quỹ là diễn biến bình thường, chứ không phải dạng một kịch bản kéo giá xuống.

Thực tế thì sao? Sau 2 tuần thông tin chào bán đấu giá công khai 9% vốn của VNM được đưa ra, khối ngoại đã bán ròng ở mức kỷ lục nhiều mã cổ phiếu, trong đó VNM bị “xả” mạnh nhất.

Cụ thể, trong tuần qua (28/11 - 2/12), khối ngoại bán ròng 43,5 tỷ đồng cổ phiếu VNM, trong khi tuần trước đó khối này bán ròng hơn 583 tỷ đồng cùng cổ phiếu này. Tuy nhiên, đáng chú ý là sự xuất hiện của lực mua lớn cổ phiếu VNM, với giá trị mua gần 610 tỷ đồng, tương ứng 4,35 triệu cổ phiếu, chỉ trong phiên ngày 30/11.

Sau 2 tuần thông tin chào bán đấu giá công khai 9% vốn của VNM được đưa ra, khối ngoại đã bán ròng ở mức kỷ lục nhiều mã cổ phiếu, trong đó VNM bị “xả” mạnh nhất.

Chính lực mua này đã giúp thu hẹp giá trị bán ròng cổ phiếu VNM của khối ngoại và giúp giá VNM hồi phục trở lại vùng 135.000 đồng/cổ phiếu, sau khi đã giảm về mức thấp nhất là 129.000 đồng/cổ phiếu trong 2 tuần vừa qua.

Về giá trị giao dịch, bóc một cách sâu hơn sẽ thấy, dù trùng với thời điểm tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nhưng giá trị giao dịch tại các quỹ này tương đối nhỏ so với tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê trên sàn HOSE, từ thời điểm giới thiệu buổi chào bán VNM (21/11) đến khi FTSE kết thúc tái cơ cấu danh mục (2/12), quỹ ETF chỉ bán ròng hơn 3,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá trị bán ròng của khối ngoại trên toàn thị trường (gần 1.1414 tỷ đồng). Quỹ ETF ngoại giao dịch không đáng kể, vậy chủ thể nào tạo nên những giao dịch khiến VNM giảm mạnh vừa qua?

Nghi vấn về việc “ép giá” VNM dựa trên quan sát diễn biến giá vừa qua đang len lỏi trong đánh giá của nhiều nhà đầu tư, nhưng đi tìm câu trả lời đích thực là có hay không một tổ chức hoặc một nhóm nhà đầu tư cá mập chủ đích làm việc này, lại thuộc về trách nhiệm của nhà quản lý.

Đánh giá về nghi vấn trên, ở góc độ thị trường, giám đốc một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam cho rằng, động thái ép giá, nếu có, đòi hỏi một nguồn lực tài chính không nhỏ, mà hiện nay, hầu như không có tổ chức đầu tư nào đủ tiềm lực để thực hiện việc này.

VNM là "ông lớn" đầu tiên trong chùm 10 DN có vốn Nhà nước mà Chính phủ chỉ đạo phải thoái bớt vốn Nhà nước. Đợt đấu giá VNM, vì thế, được quan tâm không chỉ do sức nóng cổ phiếu VNM, mà còn do yếu tố "đầu tiên" này.

Cách bán đấu giá và chia nhỏ lô để tạo sự công bằng và cho phép nhiều chủ thể có điều kiện tham gia thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, thị trường luôn ẩn chứa trong đó những yếu tố bất thường, cần sự giám sát chặt chẽ để sự công bằng được thực thi trên cả phương diện quyền lợi của nhà đầu tư và quyền lợi của Nhà nước.

Nghi vấn nhà đầu tư đặt ra không phải là vô lý khi nhìn lại diễn biến 3 năm qua, VNM luôn là hàng tốt và dường như chưa có giai đoạn nào lại giảm một cách liên tục như 2 tuần qua.

Nếu đợt đấu giá ngày 12/12 tới, VNM vẫn “đắt như tôm tươi”, với giá chốt mua qua đấu giá cao hơn nhiều mức giá khởi điểm 144.000 đồng/CP thì nghi vấn trên có câu trả lời là vô nghĩa. Tuy nhiên, nếu đợt đấu giá trên ế hoặc chỉ bán ở giá quanh giá khởi điểm, thì đợt bán vốn Nhà nước đầu tiên trong chùm 10 DN lớn thoái vốn này rất đáng được “soi xét” kỹ hơn.             

Tin bài liên quan