Thoái vốn VNM, phép thử hàng hiếm

Thoái vốn VNM, phép thử hàng hiếm

(ĐTCK) Giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần đối với đợt chào bán cạnh tranh hơn 48 triệu cổ phần của Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) được công bố ngày 1/11 không khiến nhiều người ngạc nhiên, dù mức giá này chỉ nhỉnh hơn đợt chào bán năm ngoái 6.000 đồng/cổ phần. 

Bởi lẽ, ở thời điểm Hội đồng thành viên SCIC ký quyết định chọn mức giá trên, thị giá cổ phiếu VNM dao động quanh 151.000 đồng/cổ phần.

Nhưng diễn biến giá cổ phiếu VNM trên sàn, sau khi mức giá khởi điểm trên được công bố, lại khiến nhiều người bất ngờ. Giá cổ phiếu này tăng mạnh, đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày tại 155.000 đồng/cổ phiếu.

Ðây là biến động giá tích cực nhất của VNM trong 3 - 4 tháng trở lại đây, trái ngược với diễn biến năm ngoái: Sau khi SCIC công bố giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần, giá cổ phiếu liên tục rớt và thị trường ồn ào với nghi vấn khối ngoại ép giá VNM xuống thấp để mua được cổ phiếu với giá rẻ.

Trong khi đó, luật chơi năm nay không khác so với năm ngoái, đó là giá đặt mua của nhà đầu tư tham gia chào bán cạnh tranh không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn của cổ phiếu VNM tại ngày chào bán (10/11/2017). Ðiều này có nghĩa, nếu cổ phiếu VNM giữ được phong độ, vào ngày chào bán, giá sàn cao hơn 150.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải trả giá cao hơn giá sàn.

Phản ứng tích cực của thị trường năm nay có thể lý giải bởi nhiều lý do, trong đó có yếu tố cục diện chung của cả thị trường đã tốt hơn rất nhiều. Một phần khác đến từ kết quả kinh doanh của VNM tiếp tục tích cực, với mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số tính từ đầu năm đến nay. Yếu tố quan trọng hơn có lẽ nằm ở thời điểm chào bán cổ phần.

Năm ngoái, phiên chào bán cạnh tranh được tổ chức vào ngày 12/12, thời điểm rất gần với kỳ nghỉ lễ dài ngày của giới đầu tư nước ngoài, cũng như thời điểm chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư. Khó nhà đầu tư tài chính nào có thể chấp nhận cho một thương vụ lớn mà vừa mua cổ phiếu xong, khả năng lỗ rất dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, SCIC công bố giá khởi điểm trước nửa tháng, đủ thời gian để cho toan tính “làm giá” có thể được thực hiện. Kết quả, chỉ có Tập đoàn đồ uống Singapore F&N quan tâm đăng ký mua 78,4 triệu cổ phần, tương đương 2/3 số cổ phần được chào bán.

Với những kinh nghiệm rút ra từ năm ngoái, đợt chào bán năm nay đẩy sớm hơn 1 tháng, trong khi có nhiều quy định thay đổi theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư, dự kiến đem lại kết quả tốt hơn. Ðiều này đồng nghĩa, ngân sách nhà nước sẽ thu được số tiền lớn hơn, để tái đầu tư cho các chương trình đang khát vốn.

Nhìn rộng hơn, đợt chào bán cổ phiếu VNM năm nay nếu thành công sẽ là bài học tốt cho các thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Sabeco, Habeco đang rục rịch triển khai. 

Tin bài liên quan