Hơi bất ngờ, theo lời tổng giám đốc một công ty chứng khoán, chính là tỷ lệ cổ phần Vinamilk mà SCIC đem ra bán đợt này khá thấp, trong khi theo quyết định mới đây do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành, Vinamilk thuộc diện SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ trong giai đoạn 2017 - 2020.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết, việc bán 3,33% sẽ giúp Nhà nước giảm sở hữu tại Vinamilk về 36%. Tỷ lệ này vẫn đảm bảo Nhà nước là một cổ đông lớn của Vinamilk (theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty , SCIC vẫn có quyền phủ quyết tại Vinamilk).
Ông Chi cho biết thêm, riêng với Vinamilk, việc thoái vốn sẽ do lãnh đạo Chính phủ điều tiết từng năm. Do đó, ở thời điểm này, SCIC chưa có lộ trình hoặc kế hoạch bán tiếp vốn tại Vinamilk trong giai đoạn 2018 - 2020.
Ông Chi cho biết, việc thoái vốn của Vinamilk dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017, nhưng SCIC mong được thực hiện nhanh hơn vì thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Dẫu vậy, khoảng gần 1 tháng nữa, SCIC mới có thể công bố các thông tin chi tiết hơn về đợt bán vốn như phương thức bán, đặt cọc hoặc chứng minh tài chính, thời gian giao dịch cụ thể…
“Chúng tôi không giới hạn nhà đầu tư tham gia mua Vinamilk, chỉ cần đạt điều kiện theo quy định. Các hạn chế của đợt bán vốn năm 2016 như đặt cọc bằng ngoại tệ, mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài… SCIC sẽ đề xuất cơ quan quản lý khắc phục trong đợt bán vốn năm nay”, ông Chi nói.
Nếu thị trường diễn biến như kiện tại, SCIC dự kiến sẽ thu về 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Tức là giá bán Vinamilk tương đương năm ngoái. Trên thị trường, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, Vinamilk đạt giá 154.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn xấp xỉ 7% so với giá bán Vinamilk năm 2016.
Vấn đề thị trường quan tâm là đợt thoái vốn năm 2017 này cần làm gì để không lặp lại tình trạng như năm 2016: Không bán hết cổ phần, chỉ có một nhà đầu tư mua là F&N Dairy Investments, một quỹ đầu tư của Singapore nhưng thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, dù giá Vinamilk bán ra vẫn cao hơn 15% so với giá thị trường ở thời điểm đó.
Về giá, nếu cổ phiếu Vinamilk duy trì được thị giá như hiện nay, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt (xấp xỉ 28% về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm) không có lý do gì, giá khởi điểm thấp hơn năm ngoái.
Ở mức giá này, theo nhận xét của một số CTCK, nhà đầu tư nhỏ lẻ, với nhu cầu mua số lượng thấp, sẽ không mấy quan tâm tham gia vì mua trên sàn thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Nhiều khả năng, đợt thoái vốn năm nay vẫn là cuộc chơi của các nhà đầu tư lớn.
Trong khi đó, nếu muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, SCIC và các cơ quan quản lý sẽ phải có nhiều thay đổi. Đơn cử, thời gian công bố chi tiết (giá khởi điểm, phương thức bán…) đủ để nhà đầu tư có thể “ngâm cứu” và quyết định cho một thương vụ giá trị không hề nhỏ. Đặc biệt, thông lệ trên thị trường vốn cho thấy, các khoản đầu tư có quy mô trên 100 triệu USD, các nhà đầu tư thường phải thực hiện đánh giá, khảo sát doanh nghiệp khá kỹ và ra được báo cáo về doanh nghiệp.
Với các phương thức bán cổ phần áp dụng như năm 2016, nhà đầu tư không thể thực hiện được biện pháp trên. Phương thức bán khắc phục được những vấn đề trên là dựng sổ lại chưa có quy định trong khung pháp lý.
Như vậy, có thể thấy để đợt thoái vốn Vinamilk đem lại hiệu quả cao nhất (có thể) cho Nhà nước, cần một sự đổi mới về cách bán, thậm chí cần cả bản lĩnh tiên phong của SCIC cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ.
Phương pháp dựng sổ là quá trình mà qua đó nhà bảo lãnh phát hành xác định mức giá chào bán chứng khoán dựa trên nhu cầu của các nhà đầu tư.
Công ty bảo lãnh dựng sổ dựa trên nhu cầu bằng cách nhận lệnh từ các công ty quản lý quỹ đầu tư, xác định số lượng cổ phần họ mong muốn và mức giá họ sẵn sàng trả.
Thông tin về nhu cầu theo thời gian thực được minh bạch hóa tới các nhà bảo lãnh phát hành, các cổ đông chào bán và đơn vị phát hành; Các điều khoản (bao gồm khoảng giá, ngày công bố) có thể được thay đổi trong quá trình dựng sổ để phù hợp với phản ứng của thị trường. Kết thúc bằng việc đàm phá về mức giá và phân bổ chứng khoán tối ưu mà các cổ đông đều đồng ý. Sau khi định giá, việc phân bổ được công ty bảo lãnh thực hiện theo đúng cam kết.