Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tránh để cầu lệch cung

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tránh để cầu lệch cung

(ĐTCK) Với hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đồng loạt lên lịch thoái vốn, nguồn cung cổ phiếu trên thị trường sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Cần những giải pháp đột phá để cải thiện sức cầu, đảm bảo khả năng hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu này.

Dội cung cổ phiếu

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn chậm. Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát vướng mắc, tổ chức thực hiện để triển khai sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Chủ trương của Chính phủ là trước tiên phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện thoái vốn nhà nước đối với các  doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán

Thực tế thị trường cho thấy, nguồn cung cổ phần đang gia tăng từ nay đến cuối năm do nhiều nguồn khác nhau. Đầu tiên là từ nguồn doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong số 137 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong giai đoạn 2017 -2020 (theo Quyết định 58/2016/QĐ – TTg) thì năm 2017, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm nay, cả nước mới cổ phần hóa 6/45 doanh nghiệp.

Bởi vậy, lượng doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến cuối năm còn lớn. Đáng nói là trong số này, có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3)…

Hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ chỉ đạo theo tư tưởng mới là trong phương án cổ phần hóa phải cụ thể hóa phương án nhà nước không nắm giữ cổ phần, hoặc nắm giữ với tỷ lệ rất thấp ở những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ.

Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng cổ phần hóa theo kiểu “bình mới rượu cũ” trước đây, khi giai đoạn 2011 – 2015, cả nước cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp, nhưng chỉ bán được 8% cổ phần ra đại chúng, còn tới 92% cổ phần vẫn do nhà nước nắm giữ. Và như vậy, nguồn cung cổ phiếu dự báo sẽ tăng mạnh khi các doanh nghiệp này tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Nguồn cung cổ phần lớn thứ hai là Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương đưa 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên sàn chứng khoán tập trung. Theo Bộ Tài chính, sau khi tiếp tục rà soát, lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn sẽ còn tăng cao hơn con số này. Cùng với lên sàn là quá trình “cổ phần hóa lần 2” – Nhà nước thoái bớt vốn sẽ được thúc đẩy.

Một nguồn cung cổ phiếu lớn nữa cũng góp phần gia tăng sức ép lên phía cầu của thị trường, là nhà nước đang thúc đẩy thoái vốn ở các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó giới đầu tư đang dồn sự chú ý đến đợt thoái vốn của nhà nước tại nhiều “ông lớn” như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội…

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1001/2017 phê duyệt “Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020”. Theo đó, danh mục doanh nghiệp mà SCIC bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 lên tới 132 công ty.

Trong số này, ngoài nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, có khá nhiều doanh nghiệp đang niêm yết như: Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Vinaconex, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội… (xem bảng)

Chờ cải thiện sức cầu

Nguồn cung cổ phiếu dồi dào đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới. Việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn không chỉ nhằm cải thiện tình hình quản trị và hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước, mà quan trọng hơn là thu hẹp phạm vi kinh doanh của nhà nước, gia tăng dư địa sản xuất, kinh doanh cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Vì ý nghĩa lớn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu thoái vốn tốt trong bối cảnh lượng cung cổ phần bán ra lớn, Chính phủ cần có hệ thống giải pháp cải thiện sức cầu.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để cải thiện sức cầu trên thị trường chứng khoán, qua đó gia tăng sức hút các dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước mua cổ phần khi nhà nước thoái vốn ở các doanh nghiệp niêm yết, Chính phủ cần vào cuộc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai hệ thống giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán từ “Cận biên” lên “Mới nổi” trong bối cảnh triển khai việc này đang ngoài tầm với của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Chính phủ cũng cần khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tháo gỡ bất cập đang bộc lộ trong thực hiện cơ chế nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2016 hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Để hấp dẫn giới đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần ở các doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là Chính phủ cần sớm ban hành hai nghị định. Đó là nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nghị định sửa đổi Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Việc ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 59/2011 được kỳ vọng sẽ khắc phục một loạt bất cập đang tồn tại như: định giá tài sản đất đai, tìm kiếm cổ đông chiến lược, thuê tổ chức tư vấn nước ngoài..., qua đó hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Trong khi đó, việc sửa đổi Nghị định 91/2015 sẽ giúp khắc phục những bất cập, vướng mắc đang gây khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tham gia như: xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước, phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước, định rõ nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước…,

Qua đó, hình thành cơ chế thoái vốn nhà nước mới theo hướng minh bạch, thông thoáng, giúp nhà đầu tư thuận lợi khi muốn thực hiện thương vụ mua cổ phần của doanh nghiệp khi nhà nước thoái vốn.         

Tin bài liên quan