Thoái vốn nhà nước qua sàn: Không chỉ căn cứ vào giá cổ phiếu

Thoái vốn nhà nước qua sàn: Không chỉ căn cứ vào giá cổ phiếu

(ĐTCK) “Với những DN đã niêm yết, khi thoái vốn toàn bộ, hoặc số lượng lớn vốn nhà nước thì phải định giá lại tài sản để đấu giá công khai, chứ không thể chỉ căn cứ vào giá giao dịch trên sàn để đưa ra giá chào bán thỏa thuận”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính trao đổi với ĐTCK.

Theo quy định hiện hành, việc thoái vốn nhà nước tại các DN niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Trường hợp giao dịch thỏa thuận thì giá nằm trong biên độ giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng cổ phiếu. Với những DN chuyển nhượng toàn bộ vốn, hoặc những DN có giá trị thoái vốn nhà nước lớn, nhiều ý kiến quan ngại thoái vốn theo phương thức thỏa thuận có nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước. Lo ngại này là có cơ sở, thưa ông?

Nguyên tắc thoái vốn nhà nước tại các DN được quy định rất rõ trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Theo đó, việc thoái vốn phải tuân thủ quy định của pháp luật về DN, chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan; phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế DN, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm nguyên tắc thị trường, minh bạch.

Thoái vốn nhà nước qua sàn: Không chỉ căn cứ vào giá cổ phiếu ảnh 1

Ông Đặng Quyết Tiến 

Do đó, với các trường hợp thoái toàn bộ vốn nhà nước, hoặc thoái với số lượng lớn, dẫn đến Nhà nước chuyển giao quyền kiểm soát DN cho các chủ thể khác, thì phải định giá lại toàn bộ tài sản để đấu giá.

Qua đấu giá mà không bán được, thì mới chào bán cạnh tranh; nếu vẫn không bán được thì mới thỏa thuận, chứ không thể chỉ tham chiếu vào giá khớp lệnh trên sàn để xây dựng giá thoái vốn qua phương thức thỏa thuận. Làm như vậy có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. 

Nếu để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, thì ai phải chịu trách nhiệm?

Khi đó, Ban lãnh đạo DN, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm. Không thể có chuyện căn cứ vào giá bán vài trăm, vài nghìn cổ phiếu khớp lệnh trên sàn để từ đó xây dựng phương án giá thoái vốn nhà nước có giá trị lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, hoặc Nhà nước bán toàn bộ quyền sở hữu vốn dẫn đến chuyển giao quyền kiểm soát DN cho các chủ thể ngoài nhà nước.

Tính chất thoái vốn này khác hẳn so với thoái vốn ở quy mô nhỏ, do đó, giá khớp lệnh trên sàn chỉ là một nguồn dữ liệu để tham khảo trong quá trình xác định lại giá trị khoản đầu tư tại DN để lên phương án đấu giá công khai. 

Vậy có hay không kẽ hở về pháp lý điều chỉnh hoạt động thoái vốn nhà nước quy mô lớn ở các DN đang niêm yết, đăng ký giao dịch, dẫn đến nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước, thưa ông?

Vấn đề này cần được rà soát kỹ lưỡng, để đảm bảo tính chặt chẽ, mang lại lợi ích cao cho Nhà nước khi thoái vốn. Cần phân tách thành các trường hợp có giá trị thoái vốn từ nhỏ đến vừa, lớn, tương ứng với đó là các phương thức thoái vốn nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời đơn giản hóa thủ tục triển khai thoái vốn.

Tin bài liên quan