Sắp tới, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn ra các thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn

Sắp tới, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn ra các thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn

Thoái vốn: lỗ hổng được lấp đầy

(ĐTCK) Bán lỗ cổ phần, thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành tại doanh nghiệp chưa niêm yết… bị tắc nghẽn suốt thời gian dài do nhiều tập đoàn, tổng công ty chờ hướng dẫn pháp lý chi tiết hơn. 

Quyết định 51/2014/ QĐ – TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/9 đã giải quyết hầu hết các nút thắt này.

Nút thắt lớn nhất đối với các tập đoàn, tổng công ty khi thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành là chưa có quy định cụ thể về phương thức bán lỗ cổ phần đã đầu tư.

Theo Quyết định 51/2014/ QĐ – TTg, việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn.

Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước, đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét mua lại.

Việc thoái vốn được thực hiện theo hai phương thức. Thứ nhất, tại các công ty cổ phần đã niêm yết, nếu không bán hết số cổ phần chào bán trong 3 tháng, thì chủ sở hữu vốn Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước ngày xác định giá điều chỉnh để bán giá thỏa thuận. Trường hợp bán thỏa thuận theo quy định nêu trên với mức giá ngoài biên độ giá giao dịch trên sàn, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biết trước khi thực hiện giao dịch.

Thứ hai, tại công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch, doanh nghiệp tổ chức triển khai bán cổ phần theo hình thức đấu giá công khai. Mức giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá thực hiện theo nguyên tắc: giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai do chủ sở hữu quyết định trên cơ sở kết quả của tổ chức có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo quy định.

Trong trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán thì chủ sở hữu vốn Nhà nước xem xét, quyết định điều chỉnh giảm giá khởi điểm để bán thỏa thuận đối với số lượng cổ phần không bán hết.

Mức giá được giảm tối đa như sau: không quá 10% giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá không có nhà đầu tư hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia; không quá 10% giá đấu thành công thấp nhất đối với trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán. Trường hợp các nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc toàn bộ thì mức giảm giá không quá 10% giá đấu thấp nhất để chuyển sang bán thỏa thuận và các nhà đầu tư bỏ cọc không được tham gia mua thỏa thuận.

Đặc biệt, trong Quyết định này có quy định cụ thể về cơ chế trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngoài ngành. Cụ thể, đối với các khoản đầu tư chứng khoán: thời điểm trích lập dự phòng bổ sung là thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn; Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn: thời điểm trích lập dự phòng bổ sung là thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn và căn cứ vào báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp có vốn góp. Trường hợp khoản đầu tư tại công ty đại chúng chưa niêm yết không thể xác định giá cung cấp tổi thiểu bởi 3 CTCK tại thời điểm lập dự phòng thì thực hiện trích lập dự phòng như khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC từng cho biết, SCIC gặp khó khăn trong việc tham gia mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, SCIC đã gửi công văn đến các tập đoàn, tổng công ty như Dầu khí, Than khoáng sản, Vinalines, Vinatex, Lương thực Sài Gòn, Cao su, EVN, VNPT…  đề nghị những đơn vị này cung cấp thông tin về các khoản đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và đã nhận được hầu hết văn bản trả lời. SCIC cũng đã làm việc trực tiếp với VNPT, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Vinalines để trao đổi về cơ hội mua lại các khoản đầu tư này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả bên bán và bên mua đều chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, bởi còn chờ hướng dẫn nhằm tháo gỡ các nút thắt như đã kể trên.

Quý III/2014 sắp trôi qua, thời điểm để các tập đoàn, tổng công ty hoàn tất nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành không còn nhiều. Sau khi có khung pháp lý mới như trên, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn ra các thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn, nguồn hàng từ các tập đoàn, tổng công ty. Điều này được kỳ vọng tạo ra ảnh hưởng tích cực cho TTCK.

Tin bài liên quan