Thiếu chính sách thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

Thiếu chính sách thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

(ĐTCK) Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam do các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cùng VCCI thực hiện mới đây đã đưa ra một nhận xét đáng chú ý: kể từ năm 2009 đến nay, Việt Nam không có thêm chính sách đáng kể nào để phát triển TTCK.

Từ 2009, thiếu chính sách phát triển TTCK

Nhận xét này được đưa ra khi các chuyên gia “đặt lên bàn cân” tổng thể 6 yếu tố để đo lường sự đổi mới hệ thống tài chính - tiền tệ theo hướng thị trường, trong đó chỉ số phát triển TTCK Việt Nam duy trì ở mức điểm thấp kể từ năm 2009 đến nay.

Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đã sớm có chính sách thúc đẩy sự ra đời của TTCK, điều này đã phản ánh tư tưởng xây dựng hệ thống tài chính dựa vào thị trường, thay vì thuần túy dựa vào ngân hàng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được thành lập từ năm 1996, chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK vào năm 2000. Năm 2006, trái phiếu chính phủ được đấu giá và từ năm 2009, Việt Nam vận hành hệ thống thị trường trái phiếu chuyên biệt.

Năm 2007, Luật Chứng khoán có hiệu lực, đã cung cấp những quy định pháp lý quản lý tổng thể các hoạt động liên quan đến TTCK. Năm 2009, Việt Nam nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN niêm yết (trừ ngân hàng) từ mức 30% lên 49%, ghi nhận bước tiến tiếp theo trong phát triển thị trường.

Tuy nhiên, kể từ năm 2009, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất ổn vĩ mô trở thành nỗi lo thường trực, khiến Việt Nam không có chính sách đáng kể nào phát triển TTCK.

Một phát hiện quan trọng khác của nhóm nghiên cứu là TTCK Việt Nam dù phát triển quá nóng vào năm 2007 (VN-Index lên đến 1.173 điểm), rồi rơi sâu năm 2008 và kéo dài sự khó khăn trong nhiều năm sau đó, nhưng vai trò là kênh huy động vốn của TTCK đang tăng dần lên, trong khi tỷ trọng tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế có xu hướng giảm (xem bảng).

Thống kê từ Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, Sở hiện có trên 300 DN niêm yết, trong đó riêng 30 công ty hàng đầu tại đây có tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ lên đến 58,12%/năm. Nếu vốn điều lệ khi mới niêm yết của các DN này chỉ có 57.305 tỷ đồng thì sau khi lên sàn và huy động được vốn, vốn điều lệ đã tăng lên tới khoảng 160.000 tỷ đồng, nhiều DN đã trở thành những tập đoàn kinh tế, vươn tầm hoạt động ra khu vực và quốc tế.

Vai trò của TTCK phải được xác định rõ ràng

Không quá bất ngờ khi nhóm chuyên gia đầu ngành của 4 cơ quan nghiên cứu trên lại đưa ra nhận xét từ năm 2009 đến nay, Việt Nam không có thêm chính sách đáng kể nào để phát triển TTCK. Việc Bộ Tài chính ban hành một số thông tư, cho phép ra đời một số sản phẩm mới như quỹ mở, quỹ ETF hay Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường phái sinh… là những điểm sáng, nhưng chưa có tác động đủ mạnh để thúc đẩy TTCK phát triển xứng đáng với vị thế cần có của nó trong nền kinh tế thị trường.

Chia sẻ với đại diện 16 quốc gia châu Á tại hội thảo về quản trị công ty do UBCK và OECD tổ chức ngày 12/5 vừa qua, Chủ tịch Cơ quan các dịch vụ tài chính Nhật Bản, ông Kiyoshi Hosomizo cho biết, kinh nghiệm đáng nhớ nhất của Nhật khi trải qua khủng hoảng châu Á gần 20 năm trước là nền kinh tế không được quá phụ thuộc vào kênh dẫn vốn gián tiếp qua ngân hàng.

“Chúng tôi đã mất 15 năm xử lý khủng hoảng, rất nhiều ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu và đóng cửa để từ đó rút ra một bài học rằng, nền kinh tế chỉ phát triển bền vững khi kênh dẫn vốn trực tiếp qua TTCK, thị trường tài chính được thúc đẩy phát triển cân bằng với kênh dẫn vốn gián tiếp qua ngân hàng”, ông nói.

Tại Việt Nam, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, TTCK đã trải qua nhiều thăng trầm trong 15 năm qua, nhưng Chính phủ đã huy động được 1.200.000 tỷ đồng vốn bằng trái phiếu chính phủ, các DN và các thành phần kinh tế khác huy động được 800.000 tỷ đồng vốn bằng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ qua thị trường này. “Với quy mô vốn hóa 31 - 32% GDP, TTCK Việt Nam không thể nói là còn nhỏ, mà đã định hình là một kênh huy động vốn trong nền kinh tế”, Chủ tịch UBCK nói.

Dù TTCK đang lớn lên và giúp nền kinh tế huy động lượng vốn đáng kể, nhưng thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Lượng vốn huy động trực tiếp qua TTCK chỉ chiếm chưa tới 30% so với dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bức tranh lệch này cần có giải pháp cân đối lại, trong mục tiêu tạo dựng thị trường tài chính (gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ) cân bằng và lành mạnh hơn tại Việt Nam.

Ngày 15/5, tại HOSE sẽ diễn ra hội thảo bàn về vai trò của TTCK trong nền kinh tế. Điểm khác biệt của hội thảo là sự có mặt của nhiều nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành từ cơ quan Quốc hội, Chính phủ, một số bộ, ngành cùng người điều phối thảo luận là Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng.

Chia sẻ với ĐTCK, Chủ tịch SSI cho biết, nhiều câu hỏi mở sẽ được đặt ra tại đây như TTCK có quan trọng không? Nếu có, phải đưa ra giải pháp gì cho thị trường? Còn có cách nào làm tốt hơn nữa không?...

“Xác định tầm vị thế của TTCK và bàn giải pháp chiến lược không phải là câu chuyện hôm nay hay 2 - 3 năm nữa, mà để đặt nền tảng cho tương lai xa hơn của TTCK”, Chủ tịch SSI nói và mong rằng, TTCK Việt Nam còn nhỏ bé, nhưng 10 năm, 20 năm nữa, Việt Nam cần có TTCK đủ sức cạnh tranh thu hút vốn trên trường quốc tế, chứ không thể đứng mãi ở vị thế của người đi sau.   

Tin bài liên quan