Thị trường tốt, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn lỗ

Thị trường tốt, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn lỗ

(ĐTCK) Diễn biến chỉ số chứng khoán từ đầu năm đến nay khá tốt và thanh khoản tăng đáng kể, nhưng nhiều công ty chứng khoán (CTCK) có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lỗ lớn, chủ yếu do gánh nặng trích lập dự phòng.

Lỗ do trích lập dự phòng

CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco, mã AGR) lỗ hợp nhất 163,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong khoảng thời gian này, Agriseco phải trích lập dự phòng gần 155 tỷ đồng do giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) theo giá thị trường đã giảm từ 275 tỷ đồng xuống hơn 60 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế tính tới thời điểm 30/6/2016 của Agriseco là hơn 320 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với đầu năm. Ngoài khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG, Agriseco hiện đang sở hữu gần 391 tỷ đồng trái phiếu của Vinashin, sẽ có tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh cuối năm 2016 và năm 2017 của Công ty. Bên cạnh đó, Agriseco đang phối hợp với các bên liên quan để thu hồi, xử lý cũng như khắc phục đối với khoản repo cổ phiếu GPBank.

Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng tài sản của Agriseco là gần 1.903 tỷ đồng, giảm 175 tỷ đồng so với đầu năm; vốn chủ sở hữu gần 1.890 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 2.120 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh vốn, nghiệp vụ tự doanh trái phiếu trước đây vốn giúp Agriseco đạt kết quả kinh doanh khả quan thì khó khăn của thị trường trong 3 năm trở lại đây là nguyên nhân gây ra các khoản lỗ. Trong đó, Công ty chủ yếu trích lập dự phòng các khoản đầu tư từ năm 2014 trở về trước.

Tại cuộc họp ĐHCĐ gần đây, lãnh đạo Agriseco chia sẻ, hiện chưa có “phép mầu” giúp Công ty thoát lỗ trong năm 2016, thậm chí con số lỗ có thể tăng lên từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, do khoản trái phiếu Vinashin chưa đến đến thời gian đáo hạn nên Công ty chưa biết sẽ hạch toán lỗ hay lãi với khoản đầu tư này.

Lãnh đạo Agriseco cho biết, Công ty đã lên kế hoạch tái cơ cấu hoạt động, giảm hoạt động kinh doanh vốn để tập trung vào các nghiệp vụ cốt lõi, phát triển mạng lưới bán lẻ. Do phải xử lý các vấn đề tồn đọng từ nhiều năm trước để lại nên dự kiến tới cuối năm 2017, thậm chí sang năm 2018, Agriseco mới có thể có lợi nhuận. Dù có những khó khăn nhất định, nhưng Công ty sẽ cố gắng chuẩn bị về nhân sự, công nghệ, tài chính để có thể tham gia các nghiệp vụ mới của thị trường trong thời gian tới, cụ thể là nghiệp vụ chứng khoán phái sinh.

CTCK Kim Long (KLS) cũng có quy mô lớn, nhưng hai năm trở lại đây liên tục ghi nhận con số âm về lợi nhuận, mà nguyên nhân đến từ việc trích lập dự phòng. 6 tháng đầu năm 2016, KLS lỗ hơn 154 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 64,5 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lỗ lũy kế của KLS tính đến cuối tháng 6/2016 là trên 220 tỷ đồng. Được biết, KLS vừa hoàn tất thủ tục giải thể Công ty.

Nhiều CTCK khác cũng rơi vào tình trạng thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) lỗ 22,1 tỷ đồng, CTCK Đại Dương (OCS) lỗ 63 tỷ đồng, CTCK Phương Nam (PNS) lỗ hơn 5 tỷ đồng… Theo giải trình của các CTCK, mức lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu. Đối với VIG, mức lỗ 22 tỷ đồng là do Công ty bán các tài sản tài chính, thoái vốn cổ phiếu tự doanh.

Kỳ vọng nửa cuối năm sáng hơn

Báo cáo tài chính quý II/2016 của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, mặc dù doanh thu trong kỳ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Công ty lỗ hơn 1 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lãi gần 27 tỷ đồng), chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí quản lý tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MBS đạt 198 tỷ đồng doanh thu, tăng 40%; lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch năm.

Lãnh đạo MBS cho biết, với định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, chú trọng chất lượng dịch vụ cho khách hàng tổ chức, phát triển dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư thông qua các chương trình bán chéo với Ngân hàng Quân đội và thực thi các nguyên tắc quản trị rủi ro chặt chẽ, Công ty kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn trong nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, MBS lạc quan với triển vọng của ngành chứng khoán trong thời gian tới, là cơ sở để các CTCK hoạt động tốt hơn. Với MBS, sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện, dù chưa thể hiện kết quả bằng những con số lợi nhuận khả quan, nhưng Công ty đang dần cải thiện tình hình tài chính cũng như xây dựng được hệ thống quản lý hiệu quả, bền vững.

CTCK ACB (ACBS) đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện ACBS chia sẻ, lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do Công ty phải trích lập dự phòng một số khoản đầu tư. Nhìn nhận về hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, đại diện ACBS cho biết, lợi nhuận của Công ty sẽ phụ thuộc vào diễn biến thị trường để quyết định chốt lời các khoản đầu tư và hạch toán vào lợi nhuận, nhưng dự báo, kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn.

Thực tế, với nhiều CTCK, những biến động bất thường của thị trường buộc công ty phải ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán, khiến lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ và ngược lại. Theo nhìn nhận của nhiều CTCK, sau chu kỳ tăng điểm khá tích cực trong nửa đầu năm và những nhịp điều chỉnh trong thời gian gần đây, diễn biến của thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm nghiêng về kịch bản tăng chậm, chắc. Để phù hợp với diễn biến thị trường, công ty sẽ điều chỉnh hoạt động kinh doanh, đồng thời chú trọng bảo toàn nguồn vốn.             

Tin bài liên quan