Thị trường tài chính 24h: Tin nóng nhân sự

Thị trường tài chính 24h: Tin nóng nhân sự

(ĐTCK) VN-Index tăng 2 phiên liên tiếp; Hạ lãi suất: Chưa thẩm thấu ngay tới thị trường chứng khoán; Tài chính bán lẻ: Cơ hội từ thị trường 30 triệu khách hàng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tân Chủ tịch; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng sốt ruột với nới room; Chứng khoán thế giới đi lên; Tương lai của BMW sẽ ra sao tại Việt Nam; Tìm kiếm CEO mới cho Uber vẫn là vấn đề nan giải... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index tăng

Trong phiên sáng nay, sau ít phút giằng co, thị trường đã lấy lại đà tăng nhờ lực cầu vẫn duy trì tốt, nhất là ở nhóm cổ phiếu lớn.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trong phiên chiều, thậm chí có thể sẽ có phiên bùng nổ để bù đắp lại những gì đã mất trước đó.

Tuy nhiên, dù thị trường vẫn giữ được đà tăng, nhưng không giống như phiên chiều qua, sự thận trọng được thể hiện rõ cả bên mua và bên bán trong phiên hôm nay, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhóm VN30 chiếm tới hơn 30% giá trị giao dịch và có đóng góp lớn vào đà tăng của thị trường. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 50 triệu đơn vị, giá trị 1.290,86 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn GAS và VNM tiếp tục củng cố đà tăng trong phiên chiều. GAS tăng gần 4%, khớp 1,48 triệu đơn vị; VNM tăng 1,57% khớp 0,54 triệu đơn vị.

Nhiều mã lớn khác như VIC, BVH, FPT, HPG ROS… cũng đều khởi sắc.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch kém tích cực, trong đó BID giảm 2,03%, CTG giảm 0,51%, VCB giảm 0,78%; còn cặp đôi ACB và SHB đứng nguyên ở mốc tham chiếu cùng STB.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ tí hon, bên cạnh HAR và HAI, hàng loạt mã cũng đua nhau dậy sóng, tô điểm thêm sắc tím cho thị trường như VHG, TSC, PTL, TNT, HID, CDO…

Tuy nhiên, OGC vẫn chưa thoát khỏi trạng thái dư bán sàn khủng do áp lực bán ồ ạt. Đóng cửa, OGC duy trì khối lượng khớp 0,45 triệu đơn vị với lượng dư bán sàn ở mức 21,76 triệu đơn vị.

Trong khi đó, một số mã lớn cùng sóng mới nổi ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giúp sàn HNX duy trì đà tăng trong phiên chiều.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 3,1 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 99,35 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán bán ròng 968.147 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 5,42 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 269.300 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 10,7 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/7: VN-Index tăng 4,81 điểm (+0,63%), lên 774,17 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,14%), lên 100,56 điểm; UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 56,57 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Chứng khoán Mỹ đã có những phút chao đảo sau thông tin về việc email tiết lộ của con trai cả của Tổng thống Trump đã đề cập đến sự hỗ trợ của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016.

Tuy nhiên, sau đó thị trường đã hồi phục trở lại sau khi lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnel tuyên bố trì hoãn 2 tuần trong kỳ nghỉ cuối tháng 8 của Thượng viện để dành nhiều thời gian hơn cho việc soạn thảo luật, cho thấy triển vọng tiến bộ trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có chuỗi tăng tốt kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 khi giới đầu tư kỳ vọng vào các chính sách miễn giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng… của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, những lùm xùm về chính trị khiến các kế hoạch này đang bị trì hoãn, thậm chí chương trình chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa đưa ra nhằm thay thế chương trình Obamacare cũng chưa được thông qua.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 0,55 điểm (+0,00%), lên 21.409,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,90 điểm (-0,08%), xuống 2.425,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,91 điểm (+0,27%), lên 6.193,31 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán của Nhật Bản trượt 0,5% khi giới đầu tư chờ đợi chủ tịch Fed họp với quốc hội, và ảnh hưởng từ cổ phiếu xuất khẩu đi xuống bởi đồng yên mạnh lên.

Các cổ phiếu của các Công ty xuất khẩu đã tăng trong vài ngày qua với hy vọng lợi nhuận gia tăng nhờ đồng yên yếu hơn đã mất điểm trong phiên hôm nay.

Advantest Corp giảm 0,6%, TDK Corp giảm 1,3% và Toyota Motor Corp mất 0,6% sau khi đồng đô la giảm 0,4% xuống còn 113,48 yen/USD, vượt xa mức cao nhất trong bốn tháng là 114,495 Yen/USD vào hôm qua

Công ty thời trang Honeys Holdings tăng 9,3% sau khi công ty này dự báo lợi nhuận hoạt động tăng 30,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018.

Sapporo Holdings giảm 3,2% sau khi nhật báo Nikkei báo cáo rằng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất bia từ tháng 1 đến tháng 6 có thể chỉ ở mức 3 tỷ yên, ít hơn so với dự đoán của thị trường là 4 tỷ yên.

Chứng khoán Trung Quốc biến động trái chiều, khi cổ phiếu ngân hàng trong nhóm 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất dẫn dắt thị trường, do các nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu lớn, có tính bền vững và an toàn, trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục điều chỉnh.

Chỉ số CSI300 tăng 0,1% lên 3,674.84 điểm trong khi Shanghai Composite mất 0,2%.

Một chỉ số theo dõi 50 cổ phiếu blue-chips tại Thượng Hải, được gọi là "Nifty 50", đã tăng 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2015, với cổ phiếu ngân hàng tăng vọt, vượt xa so với thị trường chung.

Sun Lijin, một nhà phân tích của Pacific Securities, cho biết: "Sự tăng trưởng của các cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là do khả năng sinh lời tốt hơn của hệ thống khi nền kinh tế hồi phục”.

China Merchants Bank, ngân hàng bán lẻ hàng đầu, đã tăng 3,6% lên mức cao nhất trong hơn 9 năm, tính chung trong năm cổ phiếu này đã tăng gần 42%.

Cổ phiếu Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tăng 3,4%.

Các cổ phiếu nhỏ giảm sâu, chỉ số ChiNext mất 0,8% xuống mức thấp nhất trong một tháng.

Các nhà phân tích cho biết thị trường đang lo ngại về các số liệu tài chính giữa năm được báo cáo và bội thực cổ phiếu dạng nhỏ, do Trung Quốc đã chấp thuận thêm một số đợt IPO mới trong thời gian tới.

Chứng khoán Hồng Kông tăng ngày thứ ba liên tiếp, đóng cửa trên mức tâm lý 26.000 điểm, cao nhất trong 2 năm qua, do dòng vốn từ Trung Quốc tăng mạnh.

Hôm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sử dụng 22% hạn ngạch hàng ngày để mua cổ phiếu Hồng Kông thông qua chương trình kết nối Thượng Hải - Hồng Kông.

Dòng tiền Trung Quốc chảy mạnh, thêm vào đó là thông tin Sunac China Holdings Ltd mua lại các dự án du lịch và khách sạn từ tập đoàn Wanda của Trung Quốc với giá 9,3 tỷ USD cũng đã thúc đẩy thị trường.

Kết thúc phiên 12/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 97,10 điểm (-0,48%), xuống 20.098,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 166,00 điểm (+0,64%), lên 26.043,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,49 điểm (-0,17%), xuống 3.197,54 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.770 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa tăng 60.000 đồng/lượng so chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,10 - 36,34 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.448 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700  - 22.770 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

-Hạ lãi suất: Chưa thẩm thấu ngay tới thị trường chứng khoán

Diễn biến lãi suất và chỉ số chứng khoán thường có liên hệ chặt chẽ và tác động tức thời, tuy nhiên, quyết định hạ lãi suất điều hành từ 10/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước, theo giới chuyên gia phân tích, ít có tác động tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.. >> Chi tiết

Tài chính bán lẻ: Cơ hội từ thị trường 30 triệu khách hàng

Với dân số khoảng 95 triệu dân, trong đó 60-65% trong độ tuổi lao động, tương đương 60 triệu người, trong đó khoảng hơn 30 triệu người có thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng, có nhu cầu tài chính tiêu dùng.

Trong khi 10 năm qua, ngành tài chính bán lẻ chỉ mới phục vụ khoảng 10 triệu khách. Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng còn rất lớn.. >> Chi tiết

Ông Trần Văn Dũng chính thức trở thành Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Sau hơn 1 tháng kể từ khi ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nghỉ hưu (UBCK) nghỉ hưu, cơ quan này đã có nhân sự mới thay thế.. >> Chi tiết

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng… sốt ruột với nới room

Muốn thành công trong nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên mới nổi, theo góc nhìn của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một trong những giải pháp Việt Nam cần thực thi là phải cải thiện hơn nữa về công tác triển khai nới giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài .. >>Chi tiết

- Kiểm soát chặt lạm phát kỳ vọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Việc thực hiện đồng thời 2 mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% năm 2017 và đảm bảo lạm phát dưới mức 4% được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một thách thức lớn cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp.. >> Chi tiết

Tương lai của BMW sẽ ra sao tại Việt Nam?

Đối tác phù hợp của BMW ở Việt Nam không chỉ cần tiềm lực trong hệ thống phân phối mà còn sẵn sàng lắp ráp.. >> Chi tiết

Tìm kiếm CEO mới cho Uber vẫn là vấn đề nan giải

Sự ra đi của Travis Kalanick khiến cho Uber càng thêm chông chênh giữa những biến cố. Hiện tại, startup có giá trị lớn nhất thế giới này vẫn đang trong công cuộc tìm kiếm CEO mới đủ can đảm và bản lĩnh để đưa công ty trở về thời hoàng kim.. >> Chi tiết

Tin bài liên quan