VN-Index chỉ còn tăng nhẹ
Kịch bản của phiên giao dịch cuối tuần trước một lần nữa lại lặp lại trong phiên hôm nay, khi VN-Index cũng được kéo lên trên 1.135 điểm ngay đầu phiên và dần bị đẩy nhẹ trở lại sau đó.
Đầu phiên chiều, VN-Index một lần nữa muốn tẩu thoát khỏi vùng 1.130 điểm, nhưng bị đẩy lùi lại xuống sát ngưỡng tham chiếu trước khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
Tưởng chừng thị trường sẽ có thêm phiên giảm điểm như phiên cuối tuần trước, nhưng may mắn đã xuất hiện khi nhóm ngân hàng vẫn giữ được sự chắc chắn, cùng với sự giúp sức thêm của GAS, MSN, MWG, VJC.
Nhóm ngân hàng đứng vững, EIB nổi sóng khi đóng cửa ở mức giá trần 15.200 đồng; STB và CTG lần lượt tăng 3,57%, lên 15.950 đồng và 3,24%, lên 33.450 đồng.
VPB và MBB cũng có thanh khoản tốt với 7,5 triệu đơn vị và 6,58 triệu đơn vị, nhưng VPB lại giảm 1,57%, xuống 62.900 đồng, còn MBB tăng 0,9%, lên 33.800 đồng.
VCB cũng tăng 1,41%, lên 72.000 đồng, BID tăng 3,62% lên 38.600 đồng, HDB cũng trở lại được ngưỡng tham chiếu 42.500 đồng.
GAS cũng tăng tốt 3,75%, lên 116.200 đồng, MSN tăng 1,17%, lên 95.200 đồng, VJC tăng 0,43%, lên 209.900 đồng, MWG tăng 0,77%, lên 117.000 đồng.
Trong khi đó, VNM quay đầu giảm nhẹ 0,96%, xuống 206.000 đồng, PLX cũng giảm 1,9%, xuống 82.400 đồng, VIC giảm 3,38%, xuống 100.000 đồng…
Nhóm cổ phiếu nhỏ, IDI vẫn duy trì đà thanh khoản tốt với 8,73 triệu đơn vị được khớp, tăng 3,42%, lên 15.100 đồng; EVG vẫn duy trì sắc tím 5.750 đồng.
Có sắc tím còn có TLD, ANV, HVG, VOS, VID, TCR, C47, NAV, CTF…, trong khi SCR, HAR, ITA, AMD, OGC, DLG, QCG, KSA, HAI, FIT lại chìm trong sắc đỏ.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng hơn 12 triệu đơn vị, với tổng giá tương ứng 668,64 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 373.586 đơn vị, nhưng tổng giá trị lại là bán ròng 1,72 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 215.987 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 22,52 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 12/3: VN-Index tăng 2,88 điểm (+0,26%), lên 1.126,29 điểm; HNX-Index tăng 1,48 điểm (+1,16%), lên 129,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,1%), xuống 61,31 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 9.133 tỷ đồng.Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Trong những phiên đầu tháng 2, lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng khiến Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, phố Wall đã có những phiên lao dốc mạnh, kéo chứng khoán toàn cầu lao dốc theo.
Sau đó, thị trường dần hồi phục từ cuối tháng 2, nhưng tuần qua thị trường cũng có những phiên chao đảo sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế nhập khẩu thép lên 25% và nhôm lên 10%, gây lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tưởng chừng thị trường sẽ tiếp tục lao dốc khi ông Trump chính thức ký sắc lệnh chính thức áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm như tuyên bố, thì thị trường bất ngờ lại bật tăng trong phiên thứ Năm và khởi sắc trong phiên thứ Sáu nhờ các thông tin kinh tế tích cực của Mỹ được công bố.
Cụ thể, trong ngày thứ Sáu tuần trước (9/3), Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp có thêm 313.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn rất nhiều so với con số 200.000 việc làm như dự báo của giới phân tích.
Trong khi đó, tiền lương bình quân theo giờ chỉ tăng 0,1% so với mức tăng 0,3% trong tháng Giêng. Điều này khiến lo lắng về lạm phát được giảm bớt, kích thích giới đầu tư xuống tiền mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch gặp nhau.
Đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần giúp Dow Jones lên mức cao nhất hơn 1 tuần, S&P 500 lên mức cao nhất hơn 1 tháng, còn Nasdaq lên mức đỉnh lịch sử mới.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,25% sau khi giảm 3,05% trong tuần trước đó, chỉ số S&P 500 tăng 3,54% sau khi giảm 2,04% trong tuần trước đó và chỉ số Nasdaq tăng tới 4,17% sau khi giảm 1,08% trong tuần trước đó.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 440,53 điểm (+1,77%), lên 25.335,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,60 điểm (+1,74%), lên 2.786,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 132,86 (+1,79%), lên 7.560,81 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ cao, nhưng đã tăng đã bị chặn lại sau những thông tin liên quan đến bộ trưởng tài chính Taro Aso.
Chỉ số Nikkei 255 tăng 1,7% lên 21.824,03 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/2.
Theo nguồn tin của của Reuters, vợ ông Shinzo Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã được loại ra khỏi một điều tra liên quan đến một thương vụ bán đất nhà nước giá rẻ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những nghi ngờ không nhỏ trên thị trường. Yutaka Miura, một nhà phân tích kỹ thuật tại Mizuho Securities, cho biết: "Nếu tin tức này không xuất hiện, Nikkei có thể đã có thể leo lên mốc 22.000 điểm”
Cổ phiếu công nghệ liên quan đến sản xuất chip tăng điểm sau khi tăng điểm với Tokyo Electron tăng 3,1%, Sumco tăng 2,5% và Shin-Etsu Chemical tăng 2,3%.
Nikon Corp tăng 1,5% và Canon Inc tăng 2%.
Các nhà xuất khẩu cũng được hỗ trợ sau khi đồng USD tăng mạnh so với đồng yên sau báo cáo việc làm vào thứ Sáu của Hoa Kỳ tốt hơn dự kiến, với Panasonic Corp tăng 2,7% và Nissan Motor Co tăng 1,7%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp, dẫn đầu bởi các công ty vật liệu cơ bản sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,6% lên 3.326,70 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,5% lên 4.127,67 điểm.
Chỉ số theo dõi các công ty vật liệu cơ bản, bao gồm các nhà sản xuất thép và nhôm, đã tăng 2%.
Ngành ngân hàng sụt giảm, khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát các cổ đông lớn ngân hàng, trong đó, yêu cầu các cổ đông đã mua trên 5% sở hữu phải giảm xuống dưới 5% trong vòng 1 năm tới.
Nhóm cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất hôm nay là U9 Game Co Ltd tăng 10,05%, Chiết Giang Chint Electrics Co Ltd tăng 10,02% và Jiangsu Phoenix Property Investment Co Ltd tăng 10%.
Nhóm cổ phiếu mất điểm lớn nhất là Fukong Interactive Entertainment giảm 9,99%, China Fortune Land Development Co Ltd mất 5,1% và Poly Real Estate Group Co Ltd giảm 4,52%.
Chứng khoán Hồng Kông đã tăng gần 2%, đóng cửa ở mức cao nhất trong 5 tuần do lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu yếu đi.
Sự phục hồi của thị trường được dẫn dắt bởi các công ty tài chính do các nhà đầu tư mong đợi sự cải thiện khả năng sinh lời của các tổ chức tín dụng cho vay và công ty bảo hiểm Trung Quốc được niêm yết ở Hồng Kông.
Đóng cửa, chỉ số Hang Seng tăng 1,93% lên 31.594,33 điểm. Chỉ số Hang Seng China tăng 2,1% lên 12.697,31 điểm.
Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 1,9%; ngành CNTT tăng 2,58%; tài chính tăng 2,38%, và bất động sản tăng 0,92%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất hôm nay là Construction Bank Corp tăng 3,66%, trong khi mất điểm lớn nhất Hengan International Group Company Ltd giảm 0,9%.
Nhóm cổ phiếu H tăng điểm nhiều nhất hôm nay gồm Air China Ltd tăng 4,88%; Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc tăng 4,68% và China Construction Bank Corp tăng 3,66%.
Nhóm cổ phiếu H giảm điểm nhiều nhất có CGN Power Co Ltd giảm 2,3%, Hengan International Group Company Ltd. giảm 0,9% và Great Wall Motor Co Ltd giảm 0,2%.
Kết thúc phiên 12/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 354,83 điểm (+1,65%), lên 21.824,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 598,12 điểm (+1,93%), lên 31.594,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,53 điểm (+0,59%), lên 3.326,70 điểm.
- Vàng SJC giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.790 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 20.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,58 - 36,78 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.461 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 - 22.790 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Chia tay HSBC, Techcombank có nhà đầu tư mới được quản lý bởi Warburg Pincus
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ 2 nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư tổ chức cũng khó tránh “hàng lởm”
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 1/2018, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 33 tỷ USD.
Trong rất nhiều khoản đầu tư thành công, nhà đầu tư tổ chức cũng trải qua không ít khoản đầu tư mất mát, mà nguyên nhân có thể đến từ chủ quan chưa thẩm định kỹ hoặc các yếu tố khách quan khó lường..>> Chi tiết
- Không lo ngại dòng vốn ngoại rút lui
Triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, Chính phủ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; ngành ngân hàng hồi phục… và câu chuyện nâng hạng thị trường là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm 2018, qua đó thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại..>> Chi tiết
- Những cổ phiếu dễ “thắng” mùa đại hội
Nhà đầu tư tin rằng, những thông tin về chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch chi trả cổ tức, kết quả kinh doanh quý I/2018… khi được các doanh nghiệp công bố chính thức tại đại hội đồng cổ đông sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho giá nhiều loại cổ phiếu và toàn thị trường..>> Chi tiết
- Thép, nhôm Việt khó gây thiệt hại cho ngành thép Mỹ
Mới đây, Mỹ chính thức tuyên bố áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm bằng hình thức tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế tương ứng là 25% và 10%..>> Chi tiết
- Trung Quốc quyết tâm cải tổ thị trường bất động sản
Ngày 5/3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết quốc gia này sẽ tiến hành chính sách thuế bất động sản mới, một bước đi nhằm kiểm soát chặt hơn thị trường địa ốc..>> Chi tiết