Thị trường tài chính 24h: Thông tin kinh doanh tích cực 6 tháng tiếp tục được công bố

Thị trường tài chính 24h: Thông tin kinh doanh tích cực 6 tháng tiếp tục được công bố

(ĐTCK) VN-Index tăng; T+0: Mong đợi “nóng”, triển khai “nguội”; Sức ép margin đè nặng tâm lý thị trường; Lạc quan lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm; 20 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 50%; Chứng khoán thế giới tăng nhờ cổ phiếu Công nghệ và dịch vụ; Cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm mạnh dù lãi lớn; Zhou Qunfei, nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới: Tự hào với quá khứ cơ cực....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
VN-Index tăng
Trong phiên giao dịch sáng nay, sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu bluechip cùng áp lực bán hãm mạnh, đã giúp thị trường tăng khá tốt. Tuy nhiên, dòng tiền chưa mấy nhập cuộc trước tâm lý thận trọng.

Sang phiên chiều, trong khi nhóm VN30 trở nên phân hóa và đi ngang thì lực cầu bất ngờ tăng mạnh cùng sự hỗ trợ khá tích cực của bộ tứ VNM, GAS, SAB và PLX, đã giúp VN-Index leo cao và tiến sát mốc 775 điểm.

Tuy nhiên, chưa kịp chạm ngưỡng kháng cự này, thị trường đã hạ độ cao đột ngột do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm, 10 mã tăng và 2 mã đứng giá, VN30-Index quay đầu giảm, là tác nhân chính hãm đà tăng mạnh của thị trường.

Dù có báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm nhưng CII đã khá tiêu cực. Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đã đẩy CII về mức giá sàn, giảm 7%, khớp 4,58 triệu đơn vị.

Tương tự, nhiều mã lớn khác cũng nới rộng đà giảm như BVH giảm 1,38%, CTD giảm 0,71%, FPT giảm 1,88%, HSG giảm 2,16%, HPG giảm 0,78%, VIC giảm 0,71%...

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa, trong khi BID và CTG vẫn duy trì sắc xanh thì các mã VCB, STB, MBB đều kết phiên dưới mệnh giá, thậm chí EIB quay đầu giảm 6,67%.

Trong top 10 mã có vốn hóa lớn, ngoại trừ VIC giảm nhẹ, MSN đứng giá, còn lại đều khởi sắc như VNM tăng 0,7%, SAB tăng 2,7%, GAS tăng 2,7%, PLX tăng 0,6%, CTG tăng 1,6%%, BID và VJC cùng tăng 0,5%, hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.

Dòng tiền đầu cơ vẫn giúp nhiều mã thị trường nổi sóng. Điển hình FLC đảo chiều tăng khá tốt với biên độ 5,9% và khớp 30,93 triệu đơn vị.

FIT cũng có lúc thời điểm được kéo lên trần nhờ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Chốt phiên, FIT tăng 4,6%, khớp 8,15 triệu đơn vị.

Các mã khác như HHS, TSC, NVT cũng không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt. Còn HAR, HAI, AGR vẫn tăng kịch trần.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng 3,24 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 16,16 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 2,09 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 31,75 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 78.940 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 5,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/7: VN-Index tăng 3,81 điểm (+0,5%), lên 771,3 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,21%), lên 98,81 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 56,30 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.103 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Nasdaq Composite đã tăng điểm phiên thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ lần tăng 10 phiên liên tiếp hồi tháng 2/2015.

Nasdaq Composite đã được hỗ trợ nhờ đà tăng của cổ phiếu Netfilx. Cổ phiếu công ty này tăng 13,5%, một ngày sau khi công bố số thuê bao đăng ký mới trong quý II tăng thêm 5,2 triệu, vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Trong khi đó, đà sụt giảm 2,6% xuống 223,31 USD/cổ phiếu của cổ phiếu Goldman Sachs kéo Dow Jones suy yếu, sau khi Ngân hàng này công bố doanh thu giao dịch trái phiếu lao dốc 40% cùng các kết quả kinh doanh yếu kém nhất trong lịch sử.

Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận và doanh thu quý II/2017 của các công ty thuộc S&P 500 lần tăng 8,5% và 4,7%, sau một quý đầu tiên đầy lạc quan khi các công ty Mỹ ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất kể từ năm 2011, dữ liệu từ Thomson Reuters cho thấy.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng nhẹ lên 9,89 trong phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa dưới mức 10.

Nhóm cổ phiếu công nghệ là nhóm có thành quả tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, trong khi lĩnh vực y tế sụt gần 0,1%.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Dow Jones giảm 54,99 điểm (-0,25%), xuống 21.574,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,47 điểm (+0,06%), lên 2.460,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,87 điểm (+0,47%), lên 6.344,31 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán của Nhật Bản tăng mạnh, với việc các nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu cơ bản, có tính an toàn cao đã bù đắp những lo ngại về tác động của đồng yên tăng mạnh so với đồng USD.

Đồng yên tăng mạnh đã ảnh hưởng đến cổ phiếu xuất khẩu như các hãng sản xuất ô tô.

Cổ phiếu của Toyota Motor Corp giảm 0,8%, Nissan Motor Co giảm 1,2%, Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 0,5% và Dai-ichi Life Holdings giảm 1,0%.

Trong phiên giao dịch chiều, đồng USD gần như không đổi ở mức 112,06 yên/USD, sau khi giảm xuống mức 111,68 yên/USD vào hôm qua, mức thấp nhất kể từ ngày 27/6.

Hôm nay, nhóm cổ phiếu có tình an toàn cao đã thu hút được sự nhà đầu tư mua vào. Nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido Co tăng 0,9%, hãng sản xuất đồ dùng vệ sinh Kao Corp tăng 3,2% và hãng sản xuất bia Kirin Holdings tăng 2,2%.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy các nhà sản xuất và dịch vụ Nhật Bản vẫn tự tin tăng trưởng trong tháng 7, điều này càng nhấn mạnh thêm quan điểm lạc quan của ngân hàng Trung ương về nền kinh tế.

Trong đợt đánh giá trong 2 ngày kết thúc vào ngày mai, Ngân hàng Trung ương Nhật có thể sẽ giữ chính sách tiền tệ ổn định ngay cả khi lạm phát không như kỳ vọng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ vào các blue chips sau khi dữ liệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kỳ vọng rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh các nỗ lực cải cách các công ty nhà nước kém hiệu quả.

Chỉ số CSI300 của blue-chip tăng 1,7% lên 3.729,75 điểm, Shanghai Composite tăng 1,4% .

ChiNext vẫn giảm 1%, đóng cửa mức gần thấp nhất trong hơn 2 năm do lo ngại rằng các nhà quản lý sẽ kiềm chế các hình thức đầu tư mang tính đầu cơ.

Chỉ số này đã bị sụt giảm 5% vào ngày thứ hai, truyền thông gọi đây là ngày "Black Monday" sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thề sẽ tăng cường kiểm soát các rủi ro tài chính.

Các công ty thép và than đá, đang được hưởng lợi từ việc chính phủ đóng cửa các nhà máy, các mỏ khai thác cũ. Các nhà chức trách cũng đang điều phối các vụ sáp nhập trong khu vực nhà nước kém hiệu quả để tạo ra các công ty cạnh tranh hơn.

Các báo cáo gần đây nhất của các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc cho thấy các tổ chức đầu tư đang ngày càng mua vào các cổ phiếu bluechips trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, đồ gia dụng và ô tô.

Trong phiên, hầu hết các ngành đều tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu của các nhà sản xuất nguyên liệu thô đã tăng 3,6%, sau khi  một số doanh nghiệp trong ngành ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng cao.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Suning Commerce Group Co Ltd đã giảm tới 6% sau khi người khổng lồ bán lẻ của Trung Quốc được lấy làm ví dụ về việc mua lại các Công ty nước ngoài không hiệu quả trong một chương trình truyền hình của Nhà nước Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng phiên thứ tám liên tiếp.

Steve Leung, Giám đốc của UOB Kay Hian Holdings, cho biết: "Chúng tôi thấy rằng trong quý II nền kinh tế Trung Quốc đang khá ổn định, thậm chí còn tốt hơn dự kiến, và dòng tiền đổ vào Hồng Kông từ Đại lục ngày càng tăng”.

Những ngày tăng điểm gần đây tập trung vào cổ phiếu công nghệ Tencent Holdings và telco China Mobile, lần lượt tăng 2% và 0,5%.

Cổ phiếu năng lượng đã tăng lên nhờ Sinopec và công ty than Trung Quốc Shenhua, tăng lần lượt 1,2% và 3,2%.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises, theo dõi kết quả hoạt động của các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông, tăng 1,1% lên 10.875,70, mức cao nhất kể từ tháng 10/2015.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,95 điểm (+0,10%), lên 20.020,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 147,22 điểm (+0,56%), lên 26.672,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 43,41 điểm (+1,36%), lên 3.230,98 điểm.

Thị trường vàng, ngoại tệ

- Vàng SJC giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.765 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/lượng so chiều ngày hôm qua. Đến cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,18 - 36,40 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng chiều mua vào - giảm 40.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.433 đồng/USD, giảm  đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.695 - 22.765 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Lạc quan lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

Bức tranh về kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay nhìn chung có nhiều điểm sáng, nhưng song hành với đó vẫn còn những quan ngại…>> Chi tiết

T+0: Mong đợi “nóng”, triển khai “nguội”

Nhà đầu tư mong đợi từ lâu, hàng lang pháp lý đã có, phía công ty chứng khoán cũng sẵn sàng nhập cuộc, nhưng dự kiến sớm nhất là trong năm 2018, hai nghiệp vụ là mua bán chứng khoán trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về mới có thể được triển khai..>> Chi tiết

Sức ép margin đè nặng tâm lý thị trường

Sự sụt giảm về khối lượng cùng giá trị giao dịch thời gian qua đã khiến nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu “đuối sức” sau thời gian dài luân chuyển sôi động.. >> Chi tiết

20 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 50%

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.. >> Chi tiết

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm mạnh dù lãi lớn

Dù nhiều ngân hàng công bố con số lãi hàng tỷ USD trong quý II/2017, nhưng trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu này lại sụt giảm mạnh.. >> Chi tiết

- Zhou Qunfei, nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới: Tự hào với quá khứ cơ cực

Người phụ nữ này từng phải bỏ học, làm công nhân trong nhà máy, trước khi xây dựng thành công “đế chế” Lens Technology - nhà sản xuất màn hình kính cảm ứngcho những công ty như Apple, Samsung.. >> Chi tiết

Tin bài liên quan